Cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, không ai bảo ai, nhiều người dân tạm gác công việc, hành hương về đất tổ Phú Thọ với lòng thành kính, dâng lên chút lễ để thể hiện sự biết ơn, kính trọng những vị vua đầu tiên này. 

Cách sắm lễ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Dân gian có câu ca dao: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba" để nói về tầm quan trọng của ngày lễ này.

Tuy vậy, sắm lễ dâng lên các vua Hùng thế nào cho đúng là điều khiến nhiều người băn khoăn. Bài viết này sẽ chia sẻ cách sắm lễ Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Năm nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm vào thứ Năm 18/4 Dương lịch. Thứ Năm là ngày làm việc trong tuần của người lao động nên lịch nghỉ lễ chỉ vỏn vẹn 1 ngày.

Cách sắm lễ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương-1

Lễ phẩm theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa trong nghi thức tưởng niệm các vua Hùng thể hiện trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL ngày 18/3/2009 gồm có: 18 chiếc bánh giầy; 18 chiếc bánh chưng để dâng lên 18 đời Vua Hùng; hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.

Trong đó, bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời, thường không có nhân. Còn bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất.

Lễ vật dâng cúng trong các buổi tế lễ Hùng Vương ở các địa phương gần như giống nhau, đều bao gồm: Xôi, oản, trái cây, rượu, hương, gạo muối, bánh chưng bánh giầy, 18 ly rượu thơm cùng 18 ly nước sạch (nước mưa được đun sôi để nguội là tuyệt vời nhất) cầu kỳ hơn có thêm 18 ly trà (pha 1 ấm trà mạn và rót vào 18 ly).

Về cách sắm lễ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cúng tại nhà, tùy từng vùng miền mà thành phần lễ vật và cách bài trí có những khác biệt. Tùy vào điều kiện của từng gia đình mà mâm cúng cũng khác nhau, tuy nhiên thường vẫn đảm bảo có đầy đủ các lễ vật cơ bản.

Nhìn chung, lễ vật nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm. Nếu là mâm cỗ chay thì bạn cần có hai món quan trọng là bánh chưng và bánh giầy.

Thông thường, tại các gia đình, mâm cúng các vua Hùng không thể thiếu những lễ vật cơ bản sau: Bánh chưng, bánh giầy, hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và mâm ngũ quả. 

Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp quan trọng để gia đình Việt Nam tỏ lòng kính trọng và tôn vinh tổ tiên, việc dâng các món ăn đặc trưng trong dịp này thể hiện sự tôn vinh đối với nguồn gốc và bản sắc dân tộc.

Dưới đây là các món ăn đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương bạn có thể chuẩn bị theo điều kiện của gia đình.

- Cơm hạt sen: Món ăn cao cấp được coi là của bậc vua chúa trong quá khứ, cơm hạt sen đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng trong quá trình chế biến.

- Xôi gấc: Không thể thiếu trong mâm cúng giỗ Tổ, xôi gấc mang trong mình màu sắc đỏ rực rỡ, tượng trưng cho may mắn và sự thịnh vượng.

- Nem rán: Món ăn quen thuộc trong các bữa cỗ truyền thống, được làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau, tùy thuộc vào vùng miền và sở thích cá nhân.

- Bánh chưng, bánh giầy: Hai món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tượng trưng cho đất và trời, là biểu tượng của sự kính trọng và tôn vinh đối với tổ tiên.

Bạn hãy áp dụng cách sắm lễ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được gợi ý trên đây để thể hiện lòng biết ơn và hướng về cội nguồn của dân tộc nhé.

Theo VTC