Thời gian gần đầy, nhờ những hành động đầy tính nhân văn của các cán bộ Trung tâm, nhiều con người kém may mắn đã có cơ hội ở gần bên nhau, được hưởng niềm hạnh phúc dẫu muộn mằn nhưng vẫn chan chứa ngọt ngào.
Nụ cười hạnh phúc của ông Tình, bà Bình khi tìm thấy tình yêu của mình. Ảnh: Đ.T
Từ số phận bất hạnh…
Từ lâu, chúng tôi đã được nghe câu chuyện tình cảm động của hai con người bất hạnh, kém may mắn sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh. Đó là bà Lâm Thị Bình (70 tuổi, quê ở TP Cẩm Phả) và ông Chíu Gì Tình (77 tuổi, người dân tộc Dao, ở huyện Tiên Yên, Quảng Ninh). Khi chúng tôi có mặt đây cũng là lúc bà Bình dắt ông Tình đi ăn cơm trưa ở bếp ăn về. Nhìn hai người ở tuổi gần đất xa trời nhưng dành cho nhau những cử chỉ thân mật, ai cũng bùi ngùi cảm động.
Bà Bình cho biết: “Vì ông Tình bị mù từ nhỏ cho nên ngày nào cũng vậy, cứ đến bữa ăn tôi đều dắt ông ấy đi. Lúc đầu, cũng thấy ngại vì sợ mọi người xì xào. Nhưng cứ nghĩ cảnh ông ấy phải mò mẫm từng bước nên tôi... kệ dư luận, cứ giúp ông ấy. Lâu dần thành quen, chúng tôi có tình cảm quý mến với nhau lúc nào không hay”.
Là con út trong gia đình có đến 6 chị em nên bà Bình không có điều kiện được học hành đầy đủ. Lớn lên, bà đi làm thuê mong có tiền sinh hoạt và phụng dưỡng bố mẹ già. Mải làm kinh tế, khi ngoảnh lại thì tuổi đã nhiều, nghĩ đến cảnh về già không có người nương tựa, bà lại khóc. Sau nhiều lần được người thân động viên, vượt qua mặc cảm, bà đã “xin” được ba người con gái là chị Lâm Thị M, Lâm Thị C và Lâm Thị N.
Theo lời kể của bà, vì hoàn cảnh gia đình và thương mẹ nên chị N sớm tự lập và đi bán hàng thuê ở TP Hạ Long, sau đó một người bạn rủ sang Trung Quốc lấy hàng và kẻ đó đã lừa bán chị. Không thấy con gái về, bà Bình đã nhờ người đi tìm, nhưng càng tìm càng bặt vô âm tín. Kinh tế kiệt quệ, tuổi thì đã cao, bà đành phó mặc cho số phận định đoạt. Thấy hoàn cảnh thương tâm, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh đã bàn với gia đình đưa bà vào đây để chăm sóc.
Nói về những người con của mình, bà Bình nghẹn ngào: “Trong số những người con gái của tôi, chỉ có M lấy chồng và sinh được ba người con. Còn C bị bệnh tật từ nhỏ và mất cách đây 5 năm. Nhưng khổ nhất vẫn là đứa út, hiện nay không biết còn sống hay đã chết”.
Còn ông Chíu Gì Tình cũng có số phận bất hạnh và cuộc đời đẫm nước mắt. Ngay từ lúc sinh ra ông đã bị mù cả hai mắt. Khi tuổi cao, ông lập gia đình với một người phụ nữ ở Hải Dương. Vợ chồng ông sinh được hai người con một trai, một gái. Ở với nhau được khoảng 4 năm, người vợ đem hai con sang Trung Quốc và từ đó đến nay không về.
Nhiều lần ông đã nhờ người viết thư và tìm kiếm giúp nhưng tin tức vợ con vẫn bặt vô âm tín. Không vợ, không con, không gia đình, ông Tình được người thân gửi vào Trung tâm để sinh sống và nương tựa vào những người bạn cùng cảnh ngộ. “Có lẽ, vợ bỏ đi vì thấy cuộc sống quá khốn khó khi phải gắn bó với người tàn tật như tôi. Tôi không trách bà ấy, tôi chỉ thương cho số phận hẩm hiu của mình và hai người con nhỏ khi phải sống nơi xứ người”, ông Tình rưng rưng.
Đến tình yêu hồi sinh
Bà Bình kể, bà và ông Tình vào Trung tâm đến nay đã được 6 năm. Thời gian đầu, bà cũng ngại ngùng nhưng trong quá trình sinh sống, bà luôn để ý đến ông Tình vì sự khổ hạnh và hai mắt của ông bị mù. Trong những buổi sinh hoạt hay lao động tập thể, bà Bình đã mạnh dạn giúp đỡ ông từ việc đi lại hay lúc đi ăn cơm và những hoạt động của Trung tâm. Thời gian rảnh rỗi, hai ông bà ngồi với nhau chia sẻ câu chuyện về hoàn cảnh gia đình. Từ sự sẻ chia đó đã vô tình đưa hai số phận bất hạnh xích lại gần nhau. Các cán bộ của Trung tâm chính là các "bà mối" mát tay giúp hai số phận hẩm hiu tìm thấy hạnh phúc ngọt ngào.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, bà Phạm Thị Thanh Ngoan, Trưởng phòng Quản lý tư vấn (Trung tâm Bảo trợ xã hội Quảng Ninh) cho hay, trường hợp của ông Tình, bà Bình ai ở trong Trung tâm này cũng biết. Hai ông bà không chỉ có hoàn cảnh khốn khó và số phận bất hạnh mà còn có nỗi đau khi người thân bỏ nhà đi mất tích. Sau khi vào Trung tâm, hai ông bà đã đồng cảm và có tình cảm với nhau, giúp đỡ nhau từ những việc làm nhỏ nhất. “Biết được tình cảm ấy, lãnh đạo Trung tâm chúng tôi đã xin ý kiến gia đình của hai người và tạo điều kiện cho ông bà được ở gần nhau với mục đích giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt để hai người được sống vui vẻ. Đây là việc làm thể hiện tính nhân văn, chúng tôi luôn mong muốn các cụ được sống hạnh phúc trong ngôi nhà chung...”, bà Ngoan cho biết.
Ông Tình tâm sự, tuy không nhìn thấy khuôn mặt và vóc dáng của bà Bình, nhưng qua giọng nói và hành động của người bạn già, ông đã cảm nhận được tình cảm dạt dào của bà dành cho mình. Đặc biệt, mỗi khi gia đình có việc hay đến Tết, chỉ cần một trong hai người về quê là người còn lại thấy nhớ nhung và tìm cách gọi điện thoại để nói chuyện bằng được.
“Tôi cảm ơn bà Bình nhiều lắm! Chính bà ấy đã giúp tôi có được giây phút bình yên sau nhiều biến cố trong cuộc đời. Cho đến lúc này, tôi có thể cảm nhận được hạnh phúc thật ngọt ngào. Nếu như không có các cán bộ của Trung tâm tạo nên mối lương duyên thì có lẽ mãi mãi tôi và bà Bình không thể tìm thấy niềm hạnh phúc cuối đời”, ông Tình tâm sự.
(Bài viết đã được thay đổi tiêu đề)
Theo GĐ&XH