Vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý những cá nhân vi phạm đạo đức, pháp luật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chẳng hạn ca sĩ, diễn viên...
Theo bà Thanh Huyền, những cá nhân vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức có thể bị cấm sóng tức hạn chế biểu diễn, đăng tải thông tin trên mạng xã hội, xuất hiện trên các đài phát thanh, truyền hình. Quy định này đang được thảo luận và có thể sớm áp dụng trong năm 2023.
Vấn đề này được công chúng đưa ra bàn tán sôi nổi suốt thời gian qua và hầu hết khán giả đồng tình.
Nghệ sĩ càng cần nâng cao trách nhiệm truyền tải văn hóa
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) - trao đổi việc cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm mạng xã hội (phong sát) các nghệ sĩ vi phạm đạo đức, pháp luật là nên làm và cần thực hiện nhanh chóng trên nền tảng các quy phạm pháp luật được xây dựng hoàn thiện.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng trong hành vi của nghệ sĩ, pháp luật có các quy định nên cấm sóng, cấm quay lại biểu diễn trong khoảng thời gian nhất định hoặc vô thời hạn.
Biện pháp này sẽ là hành lang kiểm soát, giúp các nghệ sĩ có định hướng hoạt động nghề nghiệp một cách nghiêm túc, chuẩn mực hơn, trả lại môi trường trong lành cho nghệ thuật.
Diễn viên Hữu Tín bị bắt vì sử dụng ma túy.
Hoạt động trong môi trường giải trí, nghệ thuật, ca sĩ Lưu Hiền Trinh bày tỏ bất cứ lĩnh vực, ngành nghề gì, tuân thủ pháp luật và thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ công dân là việc mỗi cá nhân phải làm.
Hơn nữa, những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật càng nên có trách nhiệm về việc truyền tải văn hóa đối với công chúng. Lý do là nghệ sĩ có lượng người theo dõi đông đảo và phần lớn trong số đó là khán giả trẻ tuổi. Đối tượng này dễ làm theo hướng dẫn, hành động của ca sĩ, diễn viên họ thần tượng.
“Về việc sẽ xử lý các cá nhân vi phạm, tôi cũng chưa nắm rõ bộ ban ngành đưa ra phương án như thế nào. Do đó, tôi chưa dám đưa ra ý kiến. Tuy nhiên, tôi mong những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cố gắng hoạt động một cách nghiêm túc và cống hiến thật nhiều cho nghệ thuật Việt Nam”, Lưu Hiền Trinh nói.
Nói về vấn đề trên, chuyên gia truyền thông Phan Vĩnh Phúc cho rằng nếu cấm vĩnh viễn và gỡ mọi tác phẩm, sản phẩm liên quan như Trung Quốc đang làm, không chỉ nghệ sĩ vi phạm mà nhà sản xuất cũng bị ảnh hưởng lớn. Do đó, theo ông, vấn đề này cần xem xét thật kỹ.
“Vi phạm đến mức nào thì cấm vĩnh viễn, hay cấm trong thời gian bao lâu. Đây là việc cần xét trong tương quan với các luật và văn bản dưới luật đã có. Tôi nghĩ, giải pháp là nâng cao nhận thức của người làm nghệ thuật, truyền thông và cả khán giả”, chuyên gia nói.
Mức phạt chưa đủ răn đe với nghệ sĩ vi phạm trên mạng xã hội
Cũng trong hội nghị, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nói thêm mức phạt hiện nay với nghệ sĩ vi phạm trên môi trường mạng chưa đủ răn đe. Theo đó, các nghệ sĩ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng hoặc 10-15 triệu đồng.
“Các nghệ sĩ, người nổi tiếng vi phạm phát ngôn hay quảng cáo sai phạm, ngoài xử phạt hành chính sẽ có các giải pháp khác, chẳng hạn khóa kênh, cắt nguồn tiền quảng cáo và tới đây cắt sóng, cấm biểu diễn”, ông Tự Do nhấn mạnh.
Hòa Minzy từng chịu mức phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tin giả về Covid-19.
Trao đổi với chuyên gia truyền thông Phan Vĩnh Phúc đồng tình với quan điểm trên. Ông nhận định các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt 10-15 triệu đồng, trong khi hợp đồng biểu diễn, quảng cáo họ nhận có thể lên tới 100 triệu đồng. Ngay cả khi phát ngôn thiếu chuẩn mực, mức phạt cũng thấp hơn so với thu nhập nghệ sĩ nhận được từ một show diễn.
Ông Phúc nhận định mạng xã hội là truyền thông nội nhân, liên nhân, nhóm, nên không có tính pháp nhân. Việc nghệ sĩ và người có ảnh hưởng không phân biệt được các loại hình truyền thông nên phát ngôn thiếu chuẩn mực là do thiếu kiến thức về truyền thông.
Nên chăng các nghệ sĩ phải là thành viên của tổ chức nghề nghiệp như hội sân khấu, điện ảnh, biểu diễn... và được đào tạo để tránh rủi ro.
Theo chuyên gia này, cần đào tạo về nhận thức pháp luật và kỹ năng truyền thông, nhất là chức năng giáo dục của truyền thông cho những người nổi tiếng, KOL, TikToker...
Còn luật sư Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ những năm gần đây, mạng xã hội trở thành công cụ hữu hiệu để các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng bá hình ảnh, nhưng cũng là nơi dễ dàng thực hiện nhiều hành vi vi phạm vì nhiều mục đích khác nhau.
Không ít ca sĩ, người mẫu, diễn viên… dù biết trước việc thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử phạt nhưng vẫn bất chấp, bởi số tiền thu về cao hơn nhiều lần so với mức xử phạt.
“Chế tài xử phạt vi phạm hành chính của nghệ sĩ trên môi trường mạng theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành rơi vào các mức từ 5-10 triệu đồng hoặc từ 10-15 triệu đồng. Mức này thấp hơn nhiều lần so với các quốc gia trong khu vực.
Mức xử phạt như trên là chưa đủ sức răn đe với những người nổi tiếng, nhất là những nghệ sĩ có tác động, sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng. Nếu tăng tiền xử phạt cũng không đủ sức răn đe vì lợi nhuận thu về từ cộng đồng mạng là rất lớn”, luật sư nói.
Do đó, theo luật sư, việc đưa ra những biện pháp xử phạt như ông Lê Quang Tự Do trình bày là cần thiết để làm sạch không gian mạng của giới nghệ sĩ.
Theo Zing