Hôm qua, loạt hình siêu điển trai của anh chàng “cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam” Nguyễn Quang Đạt bất ngờ được cư dân mạng truyền tay nhau và dĩ nhiên là ngay lập tức, nhân vật chính trong loạt hình này trở thành tâm điểm được tìm kiếm.

Sinh năm 1991 nhưng đã được gắn mác nghề nghiệp cơ trưởng, Quang Đạt nhận được nhiều sự ngưỡng mộ từ mọi người. Có thể nói, hiện nay, anh chàng đang là cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam. Ít ai biết, trước khi theo đuổi những chuyến bay, Quang Đạt từng là sinh viên trường ĐH Ngoại thương. Anh chàng đã quyết định bỏ việc học trong ngôi trường danh giá nhất nhì này để chọn ước mơ mang đầy hương vị phiêu lưu và căng thẳng.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh chàng cơ trưởng tài ba này, để hiểu hơn về cậu cũng như về việc Đạt trở thành cơ trưởng khi tuổi đời còn rất trẻ. Và đặc biệt hơn thế, ekip chụp hình đã có dịp theo chân anh chàng “rong ruổi” trên bầu trời từ Sài Gòn ra Hà Nội, để ghi lại không khí một ngày làm việc căng thẳng của một cơ trưởng là thế nào.



Ngành hàng không đòi hỏi khá khắt khe ở ngoại hình. Vậy nên việc đầu tiên trong một ngày làm việc của Quang Đạt là sửa soạn tươm tất.

Chào Quang Đạt, vừa mới được thăng chức cơ trưởng, cảm giác của bạn thế nào?

Cũng hơi lâng lâng một chút vì đối với một phi công, ngày bạn trở thành cơ trưởng của một chiếc máy bay thương mại lớn thực sự là dấu mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp. Đặc biệt là sau một khoảng thời gian học tập và huấn luyện tương đối dài và căng thẳng thì khi hoàn thành mình thực sự rất vui.

Nhưng sau khi lâng lâng thì cũng phải trở lại mặt đất với hiện thực là mình là một cơ trưởng mới tinh, chưa nhiều kinh nghiệm và khá trẻ, chặng đường sắp tới chắc sẽ còn phải cố gắng rất rất nhiều.

Theo thống kê thì Đạt là cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam, thậm chí là trẻ nhất toàn thế giới, điều này có đúng không vậy?

Nếu để thống kê trên toàn thế giới thì chắc sẽ rất tốn công sức đây nên mình không dám hứa. Nhưng ở Việt Nam thì chắc là mình là cơ trưởng lái máy bay thương mại “non” nhất.





Họp lại với tổ bay trước giờ bay.

Tin chắc nhiều người chưa hiểu rõ lắm về khái niệm “cơ trưởng” là phải làm những gì đâu, bạn có thể giải thích chút được không?

Với một máy bay chở khách thì sẽ có thể có hai phi công hoặc nhiều hơn. Mọi người hay hiểu nhầm là chỉ có cơ trưởng mới là người điều khiển máy bay, nhưng thực ra không phải. Cả cơ phó và cơ trưởng sẽ thay nhau giữ nhiệm vụ phi công điều khiển máy bay, thực hiện việc cất hạ cánh và điều khiển dọc đường bay.

Tuy nhiên trong một chuyến bay sẽ chỉ có 1 cơ trưởng, hay được gọi là người chỉ huy tàu bay. Là người chịu trách nhiệm cho sự an toàn của hành khách và máy bay, cũng như là người có quyền hạn lớn nhất và luôn là người đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến chuyến bay.

Vì sự quan trọng của cơ trưởng nên các quy định của các tổ chức hàng không quốc tế trao cho người chỉ huy này rất nhiều đặc quyền mà không ai can thiệp được để đạt được mục đích quan trọng nhất là giữ cho chuyến bay an toàn.

Đạt đã mất bao lâu để phấn đấu lên vị trí này?

Chắc là khoảng 6 năm, từ những ngày bay huấn luyện đầu tiên, mỗi ngày đi bay là một ngày học và tích lũy kinh nghiệm để có thể tự tin tiếp nhận vị trí này.





Theo ngành hàng không có phải là ước mơ của bạn không vậy? Con đường vào ngành của bạn như thế nào?

Mình may mắn vì công việc này đến với mình rất đúng thời điểm, khi mình vừa bắt đầu học đại học thì mình nhận được thông báo là đã trúng tuyển chương trình học bổng đào tạo của Jetstar Pacific. Và khi thời cơ đến thì quan trọng là bạn nhận ra và tận dụng thôi đúng không?

Đạt cảm thấy thế nào khi hầu hết thời gian của bạn là… bay qua bay lại trên bầu trời?

Tự hào mà nói văn phòng của mình chắc là văn phòng có view đẹp nhất thế giới. Cho nên thật khó để cảm thấy chán khi vừa làm việc vừa được ngắm nhìn cảnh vật cực kỳ ngoạn mục từ độ cao 10 cây số so với mặt biển.

Không biết các bạn làm văn phòng có bao giờ thấy nhớ bàn phím không nhưng có những lần sau 1-2 tuần nghỉ phép không đi làm, mình thấy nhớ cái cảm giác cầm cần lái trong những chuyến bay từ Sài Gòn lúc sáng sớm, máy bay lượn trong bầu không khí êm ru, nhìn thấy bên phải mình là mặt trời đang mọc trên thành phố và cả triệu con người bắt đầu thức dậy trong bình minh. Một cảm giác rất khó tả.


Theo bạn thì đâu là cái được và mất lớn nhất của công việc này?

Mỗi ngày đi làm phải di chuyển hơn 4000km, nhận trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trung bình hơn 600 con người và một cỗ máy trị giá gần trăm triệu đô. Chắc cũng là tương đối áp lực với một chàng trai 23.5 tuổi như mình.

Cái được lớn nhất chắc là sự trưởng thành. Hiểu tầm quan trọng của việc mình làm giúp mình giữ thái độ nghiêm túc trong công việc và nghiêm khắc với bản thân mình. Trở thành phi công đòi hỏi rất nhiều kiến thức, khả năng vận hành máy móc và cả các kỹ năng mềm trong giao tiếp với đồng nghiệp nên mỗi ngày mình đều cố gắng hoàn thiện bản thân, học từ những điều mình làm chưa tốt.

Còn mất thì chắc là bản chất phi công không phải là một công việc bình thường. Bạn thường xuyên phải dậy sớm từ 3-4h sáng, hoặc về nhà rất muộn 1-2h khuya. Mình không có thứ bảy chủ nhật hay lễ tết mà chỉ có ngày bay và ngày nghỉ. Nên nhiều lúc rất khó để có thời gian chia sẽ với gia đình và bạn bè.




Vậy còn thu nhập của nó mang lại thì sao?

Xứng đáng với công sức bỏ ra và cũng khá tốt so với tuổi đời của mình. Đủ để mình lo cho bản thân, phụ giúp bố mẹ và dành dụm cho tương lai, nhưng không cao như mọi người đồn đại đâu. (cười)

Không ít cô gái đã dành lời khen cho ngoại hình điển trai của Đạt đấy, bạn có nghĩ ngoại hình của mình mang lại ít nhiều lợi thế trong công việc không?

Trong công việc thì chắc là không. Kiến thức và ngoại ngữ mới thực sự cho mình lợi thế trong công việc

Mình nghĩ là ngoài đời Đạt cũng có nhiều “vệ tinh” lắm đây?

Máy bay của mình chưa bay tới vũ trụ nên chắc vẫn dưới tầm theo đuổi của nhiều vệ tinh. 



Đạt có thể bật mí về mẫu bạn gái mà mình thích được không?

Thông minh và luôn quan tâm chăm sóc người khác. Và xinh đẹp (dĩ nhiên rồi).

Những công việc ngành hàng không, đặc biệt là tiếp viên hàng không xem ra chưa bao giờ hết “hot” với các bạn trẻ, bạn có lời khuyên gì với những bạn trẻ này không?

Ngành hàng không là một ngành khó và đòi hỏi cao, tiếp viên hàng không cũng không phải là các “bình hoa di động” như mọi người hay nghĩ mà rất cần kiến thức, ngoại ngữ và khả năng giao tiếp. Nên nếu bọn có ước mơ thi phải cố gắng ngay từ bây giờ.

Còn dự định trong tương lại của bản thân mình, Đạt có thể chia sẻ cùng độc giả chứ?

 Mình sẽ tiếp tục phát triển sự nghiệp, hy vọng sẽ có thể có cơ hội trong mảng đào tạo. Còn về cuộc sống cá nhân, chắc sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa để giúp đỡ bố mẹ vì đã hy sinh rất nhiều để mình có những thành công bước đầu này.

Cảm ơn Đạt về những chia sẻ này!
 
Theo Trí Thức Trẻ