Người tham gia Dare Pong phải thực hiện các thử thách táo bạo hoặc uống đồ có cồn để giành được giải thưởng cuối cùng.

Trò chơi mới du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam - Dare Pong - đang hấp dẫn giới trẻ bởi luật chơi cùng các thử thách táo bạo như để đối thủ liếm kem trên người, hôn sâu, nhảy sexy, đổ nước đá vào quần lót, cởi đồ của đối phương bằng răng...

Bên cạnh việc thu hút hàng triệu lượt xem cho mỗi video, Dare Pong cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Trò chơi phản cảm cần bị tẩy chay

Dare Pong rất được ưa chuộng ở các nước phương Tây với tên gọi phổ biến hơn là Fear Pong. Còn ở Việt Nam, trò chơi này mới du nhập vào hơn 3 tháng.

Luật chơi Dare Pong cũng như nội dung các "dare" gần như trung thành với bản gốc Fear Pong ở Mỹ. Giới trẻ nước ngoài vốn có lối suy nghĩ, cách sống khá thoáng nên đa số tỏ ra thích thú trước các thử thách được đặt ra.

Trái lại, phần lớn dân mạng Việt cho biết họ phải lấy tay che mắt khi theo dõi người tham gia Dare Pong "chơi tới bến" vì cảm thấy quá phản cảm.


Người chơi Mai Hương của mùa 2 thực hiện "dare" lapdance (nhảy sexy) cho bạn chơi nam trong 30 giây. Ảnh cắt từ clip.

"Chỉ bình luận một từ cho chương trình là: 'Tục' và khuyên ê-kíp nên chấm dứt phát hành vì chúng ta không thể kiểm soát việc trẻ em có xem được chương trình hay không", độc giả Lương bình luận.

3 người đọc Hoàng Phụng, Quang Định, Mạnh đều có chung đánh giá Dare Pong là trò chơi phản cảm, dung tục, cần được dẹp bỏ.

"Thô lỗ quá! Hôn người lạ say đắm như người yêu mình vậy, lại còn liếm kem trên bụng nữa chứ? Game show ngày càng nghèo nàn quá lại hóa ra lố bịch", một độc giả viết.

Quân thì nhận định ai tôn trọng thân thể mình đã không tham gia trò chơi táo bạo này.

"Trò chơi làm tư tưởng đạo đức bị ảnh hưởng, mất đi giá trị thuần phong mỹ tục, không phù hợp với văn hóa Việt Nam mà sao không bị cấm phát sóng?", Phạm Đình Quân đặt câu hỏi.


Các "dare" được cho rằng quá táo bạo và gây cảm giác phản cảm cho người xem. Trong hình, người chơi nam đang thực hiện thử thách cởi đồ đối thủ bằng răng. Ảnh cắt từ clip.

Không giả tạo như một số game show được dàn dựng

Sau khi phát hành 9 tập của mùa 1 có lượng người xem khoảng hơn 30 triệu, ê-kíp Dare Pong tiếp tục khởi động mùa 2.

Bên cạnh việc thay đổi khung cảnh rộng hơn, phía sản xuất đã đề thêm dòng cảnh báo: "Clip có nội dung nhạy cảm và một số cảnh khiến người xem cảm thấy khó chịu" trước mỗi video. Sức hút của trò chơi cũng không hề giảm.

Độc giả Diễm Ngân nhận xét Dare Pong khá thú vị, kịch tính và thách thức độ "lầy" và "chịu chơi" của người tham gia.

Uyên Phương cho rằng Dare Pong thu hút không chỉ bởi các "dare" khó mà còn ở sự kết nối, trò chuyện giữa 2 bên tham gia.

"Mình nghĩ Dare Pong là nơi người lạ có thể tới tìm nửa kia, đôi đang yêu nhau tới 'test' độ ăn ý, người yêu cũ có cơ hội gặp lại, trò chuyện và có khi là nói lời xin lỗi với nhau. Đừng vội đánh giá trò chơi này là dung tục", người này viết.


Một số độc giả cho rằng Dare Pong là cầu nối cho hai bên tương tác và tìm hiểu nhau nhiều hơn. Các cặp người yêu cũ cũng có cơ hội nói lời xin lỗi. Ảnh cắt từ clip.

Những người ủng hộ Dare Pong tiếp tục phát hành cho rằng ai chỉ trích trò chơi phản cảm, lố bịch thì không nên xem nữa.

"Bớt nói những câu đạo lý sáo rỗng đi, thời hiện đại rồi! Tôi thấy hoàn toàn bình thường. Chương trình này mới là thực tế, không giả tạo như những game show hẹn hò ngày nay", một độc giả tự nhận mình sinh năm 2000 bình luận.

Đạt đồng tình: "Cũng có gì to tát đâu. Thế kỷ nào rồi? Cái gì cũng phát triển, con người cũng phải nghĩ thoáng ra chứ. Cái gì vừa mới phát triển đã phản đối, nói rằng thô lỗ, lố bịch, không hợp với phong tục... Thế thôi dẹp đi khỏi cần phát triển gì cả".

Độc giả Duy Anh nhận định video Dare Pong nên gắn nhãn 18+ để giới hạn đối tượng xem. Người nào cảm thấy có hứng thú thì theo dõi, còn không thích thì không nên xem.

Theo Zing