Mới đây, cư dân mạng không khỏi hốt hoảng và “sốc” nặng trước hình ảnh quý cô xinh đẹp, sinh năm 1998 ở Lào Cai bỗng dưng có "3 lỗ mũi" sau khi đi nâng mũi bằng sụn tự thân.
Hình ảnh phần mũi sau khi can thiệp đang bị hoại tử rỗng bên trong và đóng vảy đen bên ngoài được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, tạo làn sóng phẫn nộ. Nhiều người đã phải thốt lên vì sao có thể dùng phương pháp nâng mũi kém khoa học tới vậy.
"Lần đầu tiên mình thấy công nghệ rạch đầu mũi nhét sụn vào xong khâu lại. Đã thế người đi làm đẹp tiền mất tật mang còn bị bóc phốt ngược do không chăm sóc kỹ nên bị biến chứng. Giờ thì chữa sao?", một tài khoản mạng xã hội bức xúc bình luận.
Hình ảnh cô gái có "3 lỗ mũi" sau khi đi nâng mũi bằng sụn.
Được biết, ban đầu cô gái trẻ này có ý định thực hiện phẫu thuật ở Hà Nội nhưng do bạn bè mách có cơ sở thẩm mỹ gần nhà của bác sĩ ở viện 108, cô tin tưởng nên quyết định nâng sụn mũi tại đây. Sau khi nâng, mũi cô bị sưng to và có dấu hiệu nhiễm trùng, đầu mũi đóng vảy lớn, bóc ra mũi bị thủng một lỗ to, trông giống như mọc thêm lỗ mũi thứ 3 xấu xí.
Tình trạng cấp bách như vậy nhưng khi gọi điện cho cơ sở này họ lại đổ tại do cô vệ sinh bẩn, phủ nhận lỗi về mình.
Lỗ mũi thứ 3 xuất hiện là do sụn cấy ghép không sống được, bị đào thải tạo lỗ hổng lớn
Trao đổi với TS.BS Nguyễn Huy Thọ, Nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm Mặt và Tạo hình Bệnh viện Trung ương 108 về vấn đề trên, bác sĩ Thọ cho hay, tỷ lệ biến chứng sau khi nâng mũi bằng sụn tự thân thường rất thấp. Trường hợp của bệnh nhân trên cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để tháo miếng sụn ra, tránh hoại tử đầu mũi dẫn tới việc phục hồi lại rất khó khăn.
Phẫu thuật nâng mũi dạng này phần lớn là thành công, cho bạn sống mũi đẹp tự nhiên, tuy nhiên cũng có trường hợp sụn không sống được và bắt buộc phải tháo gỡ.
“Thời gian đầu sau khi ghép, bắt buộc sụn phải được nuôi dưỡng bằng dung dịch thẩm thấu để tạo môi trường tốt cho sụn sống. Nếu môi trường nuôi cấy không được đảm bảo đủ điều kiện, sụn sẽ bị đào thải. Tỷ lệ sụn tự thân bị đào thải sau ghép trên thế giới rơi vào khoảng 2-3%”, TS.BS Nguyễn Huy Thọ cho biết.
Nâng mũi bằng sụn thường ít xảy ra biến chứng, trường hợp ngoại lệ có thể do tay nghề bác sĩ
Bác sĩ Huy Thọ cho biết trong phẫu thuật thẩm mỹ, nâng mũi hoàn toàn có thể can thiệp ở phần đỉnh mũi. Đây được gọi là phương pháp bọc đầu mũi bằng sụn tự thân, được áp dụng cho những trường hợp mũi quá mỏng cần phải bọc thêm sụn ở đỉnh mũi giúp cho mũi dày, cao và đẹp hơn.
“Phương pháp nâng mũi bằng sụn tự thân và nhân tạo nếu được thực hiện đúng quy trình và bác sĩ có chuyên môn thì tỷ lệ biến chứng xảy ra rất thấp. Việc phẫu thuật đặt sụn mũi sẽ có nguy cơ biến chứng cao đối với các trường hợp khách hàng làm ở các cơ sở không có uy tín, nhân viên thực hiện không có kiến thức chuyên môn về phẫu thuật thẩm mỹ”, TS.BS Nguyễn Huy Thọ nói.
Qua thực tế, bác sĩ Thọ cho biết trường hợp bị biến chứng phải tháo ra chỉ chiếm khoảng 0,7%, ghép sụn nhân tạo tỷ lệ biến chứng chỉ khoảng 0,5%. Để tránh biến chứng, bạn cần phải làm ở các cơ sở thẩm mỹ có bác sĩ chuyên môn cao. Tay nghề bác sĩ đóng vai trò rất quan trọng, họ sẽ làm cho sụn tiếp xúc tối đa vào tổ chức xung quanh để nuôi dưỡng được sụn.
Bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, khi tiến hành phẫu thuật nâng mũi ngoài chọn cơ sở uy tín thì cần phải tìm hiểu về phương pháp nâng mũi mình dự định thực hiện ưu và nhược điểm.
“Trước khi nâng mũi tôi luôn giải thích cho bệnh nhân nguy cơ biến chứng bệnh nhân có thể gặp phải. Bất kỳ ca phẫu thuật thẩm mỹ nào đều có những biến chứng nhất định và bệnh nhân cần phải biết nguy cơ có thể gặp phải. Khi bệnh nhân biết được những thông tin đó sẽ có những lựa chọn đúng đắn”, TS.BS Nguyễn Huy Thọ nói.
Nâng mũi bằng sụn nhân tạo mang tính chất độn là chính để làm sống mũi cao. Hạn chế của phương pháp này là chỉ thích hợp với người có khuyết điểm sống mũi thấp.
Còn đối với nâng mũi bằng sụn tự thân, dùng sụn tai bọc toàn bộ sống mũi, thích hợp với mũi đỏ và mỏng, tỷ thất bại thường không cao.
Theo Emdep