"Chúc mừng con gái yêu, thật tuyệt vời!"

Ngày thường, ông Nguyễn Văn Chuyền (67 tuổi) thường đi câu cá đến tận tối khuya mới về nhà tại thôn Nhuần (xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Nhưng chiều 9/5, ông nghỉ ở nhà một hôm, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Hưởng (68 tuổi) xem con gái thi đấu tại SEA Games 32

Vận động viên Nguyễn Thị Oanh, con gái thứ 7 của ông Chuyền và bà Hưởng, thi đấu môn điền kinh vượt chướng ngại vật với quãng đường 3.000m. Tuy nhiên, theo điều chỉnh bất ngờ của Ban tổ chức, nội dung 1.500m đáng nhẽ diễn ra vào ngày 11/5, được đẩy lên 20 phút trước vòng thi 3.000m.

Đây không chỉ là một bất lợi cho Nguyễn Thị Oanh trên sân vận động ở Campuchia, mà còn là thử thách tinh thần với bố mẹ cô tại quê nhà.

"Biết Oanh phải chạy hai vòng thi liên tiếp, tôi vừa xót con, vừa sợ con ngất xỉu như hồi SEA Games 2019", bà Hưởng lặng người. 

17h30, chân chạy quê Bắc Giang bước vào thi đấu 1.500m - vốn là nội dung sở trường "gặt hái" huy chương vàng của Oanh. Sau 800m, cô bắt đầu đẩy cao tốc độ, bỏ xa các đối thủ và về đích đầu tiên với thành tích 4 phút 16 giây 85.  

Sau khi về khu kỹ thuật, nữ vận động viên chỉ có khoảng 10 phút để chuẩn bị cho nội dung thi đấu tiếp theo, còn không kịp ăn mừng tấm huy chương vàng vừa đạt được.

Cô thay quần áo, đeo số bib mới (số báo danh thi đấu), điểm danh một lúc hai phần thi, đồng thời xin hoãn kiểm tra doping vì sợ không kịp giờ thi đấu.

17h50, Nguyễn Thị Oanh bước vào đường chạy 3.000m. "Trông con gái mệt mỏi quá, liệu chạy được không?", bà Hưởng một lần nữa tỏ vẻ lo lắng. 

Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-1
(Bà Nguyễn Thị Hưởng - mẹ vận động viên Nguyễn Thị Oanh).

Oanh thực hiện chiến lược chạy "núp gió" sau vận động viên Philippines trong 2.400m đầu tiên, rồi chọn quãng cuối của vòng thứ 8/9 để bứt tốc.

Sức bền bỉ và thể lực vượt trội giúp cô cán đích với kết quả 10 phút 34 giây 39, xuất sắc giành huy chương vàng thứ hai trong vòng chưa đầy 30 phút.  

Nhìn con gái nhễ nhại mồ hôi ăn mừng chiến thắng thông qua màn hình tivi, bà Hưởng mới yên lòng, thở phào nhẹ nhõm. 

"Chúng tôi phấn khởi và tự hào, song cũng thương con", ông Chuyền nói, quay sang trấn an vợ: "Con gái quyết tâm không từ bỏ phần thi nào. Kết quả thế là may rồi". 

Không thấy Oanh gọi điện về nhà, bà Hưởng lo lắng, nhưng không dám gọi sang Campuchia, sợ ảnh hưởng buổi luyện tập hay thi đấu của con.

Bà lặng lẽ lên trang Facebook cá nhân của nữ vận động viên, để lại một lời nhắn: "Chúc mừng con gái yêu, thật tuyệt vời!".

Hôm trước, sau khi về nhất nội dung 5.000m với tấm huy chương vàng đầu tiên tại SEA Games 32, Oanh vội gọi về chia sẻ niềm vui với bố mẹ.

Ông Chuyền vô cùng hạnh phúc, còn bà Hưởng rơm rớm nước mắt, dặn con giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị tốt cho những ngày thi tiếp theo.

Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-2
Vận động viên Nguyễn Thị Oanh - người giành 2 huy chương vàng trong 20 phút (Ảnh: Tiến Tuấn).

Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-3
Bà Hưởng gửi lời chúc mừng con gái trên Facebook của nữ vận động viên.

Từng định giải nghệ vì bệnh tật

Theo bà Hưởng, Nguyễn Thị Oanh đam mê điền kinh từ nhỏ. Mỗi sáng, cô học sinh lớp 6 dậy sớm, rủ chị gái chạy bộ thể dục quanh xóm từ 20 đến 30 phút.

Thấy nữ sinh sớm bộc lộ tài năng và triển vọng "nhà vô địch điền kinh", thầy cô tạo điều kiện cho Oanh tham dự các giải cấp huyện, tỉnh. Những năm đầu tiên Oanh thi đấu, vợ chồng ông Chuyền đều ra sân cổ vũ, bất chấp nắng mưa, mong con đỡ tủi thân. 

Nguyễn Thị Oanh sớm lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên đoàn thể thao Bắc Giang, dù chỉ cao 1m50, nặng chưa tới 40kg.

Năm 15 tuổi, Oanh được tuyển vào Trường năng khiếu thể dục thể thao Bắc Giang, bắt đầu theo đuổi con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp. 

Nửa tháng đầu, nhiều lần Oanh khóc, đòi về nhà. Những người được triệu tập cùng đợt với cô dần bỏ cuộc, mỗi mình "cô bé hạt tiêu" quyết tâm trụ lại. Hai năm sau, cô được gọi lên đội tuyển Quốc gia dưới sự dẫn dắt của HLV Trần Văn Sỹ. 

Ngày Oanh kiên định với giấc mơ thể thao chuyên nghiệp, bà Hưởng không phản đối, chỉ cảnh báo "con đường này vất vả, tuổi đời vận động viên thường ngắn ngủi".

gười mẹ đã từng hy vọng con gái vào Đại học, sau làm nghề bác sĩ hoặc giáo viên. Nhưng, tất cả nỗi niềm đó không thể chiến thắng nổi "đam mê cháy bỏng" của Nguyễn Thị Oanh. 

Chỉ một câu nói "Con thích chạy" của Oanh đã hoàn toàn chinh phục bà Hưởng. Từ đó, người mẹ để con gái thoải mái tự chạy trên đường đua sự nghiệp lẫn cuộc đời mình.

"Tuy vóc dáng nhỏ bé, nhưng ý chí lớn, Oanh đã quyết tâm thì sẽ phấn đấu đạt được bằng mọi giá", bà Hưởng tự hào nói. 

Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-4
Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-5
(Căn nhà cấp 4 của vợ chồng bà Hưởng tại xã Mỹ Hà, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).

Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-6
Bà Hưởng hãnh diện và tự hào khi con gái mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Tuy nhiên, thành công sớm nở chóng tàn với cô gái trẻ quê Bắc Giang. Cuối năm 2014, kết thúc Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VII, Oanh xuất hiện triệu chứng phù nề đột ngột.

Nhập viện, cô được chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận cấp, buộc tạm rời xa đường pitch để tập trung điều trị, lỡ hẹn với SEA Games 28 ở Singapore năm 2015. 

Oanh bị cấm vận động suốt 3 tháng, kể cả những hoạt động nhẹ nhàng nhất. Bà Hưởng bỏ mấy sào ruộng ở quê, xuống Hà Nội chăm sóc con gái. Nghe Oanh nói muốn giải nghệ, người mẹ liên tục động viên, giải thích căn bệnh chỉ mới chớm nở, còn cơ hội chữa trị. 

Sau ngày tháng nằm viện, hai mẹ con Oanh về Bắc Giang. Bà Hưởng tâm lý, dặn con gác chuyện tập luyện sang một bên, tập trung chữa trị dứt điểm, nhờ đó tinh thần cô dần ổn định.

Rời xa đường đua trong gần một năm, Oanh kiên trì với những bài tập phục hồi để tìm lại cảm giác đỉnh cao.

Tháng 9/2016, cô "tái xuất" đường pitch với tấm huy chương bạc nội dung chạy băng đồng cá nhân tại Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á diễn ra ở Đà Nẵng. 

Tại SEA Games 2017, nội dung sở trường 3.000 vượt chướng ngại vật của Nguyễn Thị Oanh bị hủy phút chót. Cô chuyển sang thi đấu 1.500m.

Chỉ trong thời gian ngắn, Ban huấn luyện phải thay đổi bài tập chóng mặt, tập trung vào cải thiện tốc độ và chịu đựng môi trường hiếm khí. Đáp lại sự nỗ lực này, Oanh xuất sắc đem về tấm huy chương vàng.

Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-7
Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-8
Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-9
Những tấm huy chương, bằng khen - tài sản quý giá trong căn nhà của gia đình Nguyễn Thị Oanh. 

Mong ước sửa nhà cho bố mẹ

Luyện tập và thi đấu xa nhà, Nguyễn Thị Oanh hiếm khi ở gần bố mẹ. Mỗi lần về Bắc Giang, cô chỉ ở nhà 1-2 ngày, lâu nhất là 3 ngày trong đợt Tết vừa qua.

Bà Hưởng nhớ lại, 6 chị gái lớn và em trai út của Oanh cũng tề tựu, cả gia đình quây quần bên 4 mâm cơm, ngồi tràn cả ra sân mới đủ diện tích. 

Từ lâu, mong ước của Oanh là xây dựng nhà mới khang trang cho bố mẹ, thay thế căn nhà 3 gian cấp 4 lợp ngói. Nhưng người mẹ chỉ mong con gái dành đủ tiền mua đôi giày tập luyện, "chứ bố mẹ già rồi, sống thế nào cũng được".

Trong căn nhà nông thôn đó, người phụ nữ U70 vẫn luôn trân trọng tài sản quý giá nhất - tủ kính trưng bày hàng chục huy chương và bằng khen từ các giải trong và ngoài nước của Nguyễn Thị Oanh. Thỉnh thoảng, bà lau chùi những tấm huy chương, như cách nâng niu và vơi bớt nỗi nhớ con gái. 

Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-10
Bà Hưởng lau chùi tủ kính trưng bày huy chương của con gái.

Cũng từ lâu, mong ước của vợ chồng bà Hưởng là đủ sức khỏe để làm chỗ dựa vững chắc cho Oanh phấn đấu. Ông bà biết nghề nào cũng vất vả, con gái đôi lần muốn giã từ sự nghiệp thể thao, nhưng chính sự quan tâm của gia đình, đồng nghiệp và bạn bè đã giữ lại "cô gái vàng" cho thể thao Việt Nam. 

Bà Hưởng nhớ lại, ngày lên đường sang Campuchia "săn vàng" SEA Games 32, Oanh gọi điện về nhà. Ông Chuyền chỉ dặn con gái đúng một điều: "Giữ gìn sức khỏe và cố gắng. Nếu không đạt được thành tích như mong đợi, cũng không sao". 

Chính câu nói đó đã tạo tâm lý thoải mái, góp phần hun đúc một Nguyễn Thị Oanh bản lĩnh và kiên cường của hôm nay. 

Căn nhà đơn sơ, ngập huy chương của người phi thường Nguyễn Thị Oanh-11
Nguyễn Thị Oanh tỏa sáng dù gặp khó khăn về lịch thi đấu ngày 9/5. (Ảnh: Khoa Nguyễn).

Theo Dân Trí