Do có công việc gấp, Thùy Phương (Hà Nội) cần bay từ Hà Nội vào TPHCM và quay trở lại trong vòng 24 giờ. Theo giá vé hiện tại, chuyến bay khứ hồi Hà Nội - TPHCM trong ngày 25/3 có giá vé khoảng trên dưới 4 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí) cho một hành khách. Mức giá này khá cao trong khoảng 2 năm gần đây.
Cụ thể, với chiều bay từ Hà Nội vào TPHCM, Viettravel có chuyến bay với giá rẻ nhất, 1,6 triệu đồng, khởi hành lúc 8h. Trong khi đó, các hãng bay khác như Vietjet, Bamboo Airways, Vietnam Airlines với giờ bay tương tự, giá vé dao động từ 2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/vé.
Thông thường, khách hàng thường quan điểm rằng bay giờ đẹp giá cao, những khung giờ như sáng sớm hoặc đêm muộn, giá vé sẽ rẻ hơn. Tuy nhiên, thời điểm này, dù khách hàng lựa chọn bay vào sáng sớm (5h sáng), giá vé thậm chí còn đắt hơn so với những khung giờ hành chính trong ngày.
Ví dụ, trong ngày 25/3, nếu khách hàng lựa chọn bay chuyến bay Hà Nội - TPHCM lúc 9h sáng khai thác bởi Vietjet Air, giá vé máy bay là 2,2 triệu đồng/vé. Với chặng bay tương tự cũng khai thác bởi Vietjet Air trong cùng ngày, khởi hành lúc 22h, có giá 2,9 triệu đồng/vé.
Giá vé nhiều chặng bay phổ biến hiện nay ở mức tương đối cao (Ảnh: VNB).
Ngọc Nhi - người thường xuyên đặt vé máy bay Đà Nẵng - TPHCM, cho biết thời điểm này, giá vé máy bay "đắt một cách khó hiểu". Ngày trước, giá vé máy bay khứ hồi cho chặng này khoảng 2 triệu đồng nhưng hiện tại là 3,5 triệu đồng/vé.
Ngọc Nhi cho biết cô thường bay vào ngày trong tuần, giờ bay linh động, chuyến bay Đà Nẵng - TPHCM khai thác bởi Vietjet Air có mức giá rẻ nhất khoảng 1,7 triệu đồng/vé. "Giá vé máy bay như vậy hạn chế việc di chuyển, công tác. Tôi chỉ đi khi thật sự cần thiết", Ngọc Nhi cho hay.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực tài chính sáng 18/3, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho rằng về chuyện giá vé máy bay tăng cao thời gian qua "không hẳn do vấn đề cung cầu hay nhiên liệu…".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhiều quốc gia đã thực hiện bỏ giá trần vé máy bay để doanh nghiệp tự quyết định theo cung cầu thị trường.
Tuy nhiên Luật Giá vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay, khung trần đó do Bộ Giao thông vận tải quy định. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bay đang thực hiện đúng theo khung quy định, không vi phạm quy định của pháp luật về giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Dân trí bên lề hội nghị Hàng không Quốc tế (IAS) diễn ra sáng 28/2, ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết Việt Nam hiện là một trong số ít quốc gia trên thế giới còn kiểm soát giá trần và giá sàn vé máy bay.
Trong tương lai, hàng không Việt Nam hướng đến thị trường cởi mở, giá vé do thị trường điều tiết.
Thực tế, khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hiện tại đã được áp dụng từ năm 2015, tức cách đây gần 10 năm. Ông Hà cho rằng các yếu tố đầu vào như giá nhiên liệu, tỷ giá đã thay đổi rất nhiều, không còn phù hợp với khung giá hiện tại.
"Đây là điều kiện cho các hãng hàng không bù đắp chi phí bị điều chỉnh trong suốt gần 10 năm qua, đồng thời là cơ hội để các hãng tiếp tục điều chỉnh dải giá của mình trên mảng đường bay nội địa", ông nói.
Liên quan tới giá máy bay, Cục Hàng không Việt Nam trước đó khuyến cáo hành khách nên mua vé máy bay qua phòng vé hoặc các đại lý chính thức của hãng.
Hành khách cần cẩn trọng khi mua vé qua các kênh trung gian không có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, khách cần lưu ý mức giá vé máy bay không được cao hơn mức giá vé quy định.
Theo Dân Trí