Mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cứu người đàn ông 63 tuổi bị mèo cào rồi tự điều trị dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng cánh tay sưng to, lở loét, nhiễm trùng, chảy dịch vàng.

Mắc bệnh hiếm gặp từ mèo

Trước đó, ông bị mèo cào gây vài vết xước nhỏ vào mặt trước cẳng tay trái rồi tự sát khuẩn tay bằng ôxy già và mua thuốc Rifamycin về rắc lên vết thương. Hai ngày sau, khu vực gần vết thương xuất hiện nốt đỏ kèm theo ngứa và mụn nước.

Thấy vậy, ông tiếp tục tự bôi thuốc thêm 5 ngày nữa. Lúc này cánh tay trái bị sưng đau tại các nốt mèo cào, vết thương lan rộng ra khắp 1/2 cẳng tay, chảy dịch vàng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán viêm mô bào sau mèo cào.

Cảnh báo nhiễm bệnh từ thú cưng-1
Bệnh nhân nhiễm bệnh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh)

Theo bác sĩ Trần Văn Long, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, viêm mô bào thường khởi phát ở một vùng da sưng, sau đó lan rộng nhanh chóng. Khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, có vết cắt hoặc vết trầy xước, vết đứt, nứt trên da, các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào lớp bên dưới da, gây ra tổn thương viêm, nhiễm trùng. Nếu không được điều trị có thể đe dọa đến tính mạng.

Cảnh báo nhiễm bệnh từ thú cưng-2
Nhiều trường hợp nhiễm bệnh

Điều đáng nói, loại thuốc Rifamycin mà bệnh nhân dùng để rắc lên vết thương là thuốc kháng sinh sử dụng trong điều trị lao nhưng nhiều người dân lạm dụng làm thuốc bôi, rắc ngoài da.

Việc rắc bột kháng sinh trực tiếp vào vết thương hở sẽ làm kích thích da, các phản ứng viêm tại chỗ nên dễ gây dị ứng, thậm chí sốc phản vệ, trong khi đó nồng độ kháng sinh thấm vào các mô bị tổn thương cũng không có tác dụng phòng chống nhiễm khuẩn.

Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) cũng tiếp nhận và điều trị một nam bệnh nhân 37 tuổi mắc bệnh hiếm gặp sau khi bị mèo cắn. Hai tháng trước, người đàn ông này trong khi bắt mèo làm thịt đã bị mèo cắn vào ngón tay. Bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi tình trạng nhiễm khuẩn huyết.

Bác sĩ Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết bệnh mèo cào, cắn được thế giới công nhận là bệnh nhiễm trùng thường do trực khuẩn Bartonella henselae gây ra.

Mèo là ổ chứa tự nhiên của Bartonella henselae gây bệnh nhiễm khuẩn huyết trong hồng cầu và loại sinh vật này có thể tồn tại 1 năm hoặc lâu hơn ở một số con mèo. Khi xâm nhập vào cơ thể con người qua vết cào, cắn, vi khuẩn sẽ tấn công hệ thống hạch bạch huyết gây tình trạng viêm hạch tại chỗ.

Bệnh nhân sẽ có biểu hiện sưng tấy, đau, đóng vẩy đen tại vị trí bị mèo cào, cắn hoặc liếm. Sau một thời gian vẩy bong nhưng vết thương không liền sẹo như vết thương thông thường mà vẫn sưng, phù nề, các hạch bạch huyết gần vùng cắn có thể bị sưng to gây tình trạng sốt, chán ăn, nhức đầu kéo dài 2-5 tháng.

"Bệnh mèo cào nếu phát hiện muộn có thể biến chứng nghiêm trọng vào nội tạng gây tổn thương gan, thận; biến chứng thần kinh gây viêm não, động kinh; biến chứng vào mắt gây mù lòa… ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng của người bệnh" - bác sĩ Đức cảnh báo.

Nhiều ổ độc âm thầm

Theo các bác sĩ, hiện tượng nuôi thú cưng - đặc biệt là chó, mèo - gia tăng ở giới trẻ và nhiều gia đình là tác nhân khiến số người mắc các bệnh từ động vật xu hướng ngày càng tăng.

Bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết chỉ tính riêng bệnh giun đũa chó, mèo mỗi năm cả nước cũng ghi nhận khoảng 30.000 người nhiễm được phát hiện và điều trị tại các cơ sở y tế.

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) trong năm 2023 cũng đã tiếp nhận thăm khám, điều trị cho hơn 15.500 người nhiễm giun đũa chó, mèo.

"Trong cơ thể con người, trứng giun đũa chó, mèo không thể phát triển thành giun mà ở dạng ấu trùng. Các ấu trùng này đi đến phổi, não, gan…, đặc biệt gây ngứa ở da. Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác là ổ ấu trùng giun sán" - bác sĩ Cảnh nói.

Bệnh giun, sán ở chó, mèo lây sang người qua nhiều con đường khác nhau. Ấu trùng có trong phân của thú cưng thải ra ngoài môi trường không may lây nhiễm vào các nguồn nước, thực phẩm như rau củ quả.

Nếu người nào có thói quen ăn rau sống, đồ chưa qua nấu chín sẽ rất dễ bị lây nhiễm giun, sán chó, mèo. Hoặc khi lông của chó, mèo bay vào đồ ăn của người cũng rất dễ bị nhiễm giun, sán.

Các chuyên gia cảnh báo việc nhiều người nuôi thú cưng - nhất là giới trẻ có thói quen ôm ấp thú cưng, chơi cùng, ngủ cùng chó, mèo - là nguy cơ tiềm ẩn nhiễm giun đũa chó, mèo và nhiều căn bệnh khác. Trên cơ thể chó, mèo thường xuyên có các loại sinh vật ký sinh như sán dây, ve, rận…

Nếu để chó, mèo ngủ chung giường, những ký sinh vật này có thể chuyển sang người và gây nên một số bệnh như hen suyễn, dị ứng…

Giới chuyên môn cũng lưu ý người bị nhiễm giun đũa, giun móc từ chó, mèo thường tới bệnh viện trong tình trạng bị ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da đã nhiều năm. Bởi khi bị ngứa, người bệnh thường nghĩ ngay tới các bệnh về da liễu và đi khám chuyên khoa da liễu, chuyên khoa dị ứng, miễn dịch nhưng điều trị bệnh không thuyên giảm.

Chỉ khi được phát hiện và điều trị tình trạng nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo, khi đó bệnh mới thuyên giảm.

"Để không bị nhiễm bệnh từ chó, mèo, không ăn ngủ chung, ôm hôn; không để chúng liếm vào mặt. Nên vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chúng nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ. Tiêm vắc-xin đầy đủ cho thú cưng và nên tẩy giun cho chó, mèo định kỳ 3-6 tháng/lần để giảm nguy cơ truyền bệnh cho người" - một chuyên gia khuyến cáo. 

Dễ nhầm với bệnh khác

Theo thống kê từ Cục Thú y, cả nước hiện có 7,6 triệu con chó, mèo, nhiều nhất tại Hà Nội (trên 425.000 con), Nghệ An (trên 355.000 con), Thanh Hóa (trên 322.000 con)... 70%-90% người nhiễm giun đũa chó mèo có biểu hiện ngứa ở ngoài da hoặc có nổi mẩn, phát ban ngoài da.

Nhiều người lầm tưởng nên đi khám ở các bệnh viện da liễu nhưng không tìm ra được nguyên nhân bệnh.

Theo Người lao động