Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu chặt biển số bắt nguồn từ việc một số thanh niên cắt, bẻ hoặc làm biến dạng biển số xe của mình hoặc người khác, sau đó quay video hoặc chụp ảnh để khoe khoang trên mạng xã hội.

Những hình ảnh, video này thường được chỉnh sửa, gắn kèm những biểu tượng thể hiện sức mạnh, cá tính, thu hút sự chú ý và lượt thích từ bạn bè và người theo dõi, khiến họ lầm tưởng rằng đây là cách để thể hiện bản thân và tạo dựng danh tiếng trong cộng đồng mạng.

Cụ thể, vào 2h ngày 23/12/2024, 11 đối tượng có hộ khẩu trường trú tại TP.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã tụ tập tại TP.Đông Triều đi 5 xe mô tô che biển số xe, mang theo vũ khí, hung khí để đi "chặt biển".

Cảnh báo trào lưu chặt biển số xe để khoe chiến tích trên TikTok-1

Khoảng 2h19 cùng ngày, phát hiện thấy anh P. điều khiển xe mô tô đi trên km 79+400 quốc lộ 18A, thuộc phường Yên Thanh, TP.Uông Bí chở theo anh T. đi làm về, cả nhóm đuổi theo, dùng chai lọ thuỷ tinh để ném và dùng hung khí để đập phá, chiếm đoạt biển số xe đem về cất giấu, chờ đăng tải lên mạng.

Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.Uông Bí đã khởi tố, bắt tạm giam 11 đối tượng để điều tra về tội Cướp tài sản. Đáng chú ý, các đối tượng đều trong độ tuổi vị thành niên (năm sinh từ 2007- 2009).

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, do bị ảnh hưởng trào lưu "chặt biển" trên mạng xã hội nên đã thành lập nhóm mang theo hung khí, đi trên các tuyến giao thông tìm các xe mô tô mang biển số của địa phương khác để ép xe và dùng vũ khí chặt vào phần tấm chắn bùn sau của xe có gắn biển kiểm soát và lấy những tấm chắn bùn gắn biển kiểm soát đó mang về để đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội Tiktok để được lên xu hướng.

Đối tượng nào chặt được càng nhiều biển và đăng lên mạng khoe thì sẽ càng được nổi tiếng, nhiều người tung hô hơn nữa mà không hề biết hậu quả pháp lý dành cho hành vi trên là rất nghiêm trọng.

Vụ án trên là bài học cảnh tỉnh cho các thanh thiếu niên, đang có tâm lý muốn được thể hiện bản thân và nhiều người ghi nhận mà không có kiến thức về ứng xử xã hội, kiến thức pháp luật và sự kèm cặp, giáo dục từ gia đình và nhà trường.

Để ngăn chặn sự lan truyền của những trào lưu độc hại, cần sự chung tay của gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng. Trong đó, trước hết các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn để theo dõi, quản lý và định hướng con em mình sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, có trách nhiệm; Nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và ý thức xã hội cho học sinh, giúp các em hiểu rõ hơn về những giá trị thực sự trong cuộc sống. Và hơn ai hết, mỗi thanh thiếu niên cần có sự tỉnh táo và ý thức trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, để tránh bị lôi kéo vào những xu hướng tiêu cực, gây hại cho bản thân và xã hội.

Theo Người Đưa Tin