Thiếu vắng 2 gương mặt nổi bật là NSƯT Hữu Châu (Lô tô) và Lương Mạnh Hải (Khi con là nhà), cuộc đua Nam chính ở giải Cánh diều Vàng bớt đi nhiều gay cấn. Trong tình hình các vai nam khác không mấy xuất sắc, Ban Giám khảo có lẽ nên “đôn” nhân vật của Nhan Phúc Vinh trong Đảo của dân ngụ cư lên vai chính để trao giải cho xứng đáng.
Nhan Phúc Vinh ấn tượng nổi bật
Đảo của dân ngụ cư, không phải nói nhiều, chính là tác phẩm xuất sắc nhất mùa giải Cánh diều năm nay. Nó là phim hiếm hoi (chính xác là duy nhất) được gọi là phim nghệ thuật trong 13 tác phẩm dự tranh giải lần này.
Được nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập chuyển thể từ truyện của nhà văn Đỗ Phước Tiến, Đảo của dân ngụ cư là một tác phẩm có dấu ấn tác giả rất mạnh: vừa ám ảnh vừa quyết liệt với bạo lực và tình dục, đồng thời đậm bản sắc văn hoá - một tạng rất hợp gu với các liên hoan phim quốc tế. So với mặt bằng điện ảnh Việt, phim có sự xuất sắc rõ ràng ở mọi khâu: Kịch bản, Bối cảnh, Quay phim, Âm nhạc, Âm thanh và Diễn xuất, trong đó đáng phải kể đến vai diễn ấn tượng của Nhan Phúc Vinh.
Phạm Hồng Phước và Nhan Phúc Vinh.
Vinh hoá thân rất tuyệt vào vai Miên, một chàng trai Khmer bạo lực, bản năng, hoang dã. Anh có nhiều scene tạo ấn tượng thị giác rất mạnh, khó quên, như cảnh xẻ thịt dê máu bắn toé lên khuôn ngực trần vạm vỡ, cảnh cuồng ghen chạy theo đuổi đánh con dê trong đêm tối trong tiếng nhạc réo rắt, cảnh làm tình mãnh liệt với Chu (Ngọc Thanh Tâm) trên căn gác hay cảnh trần truồng bị đánh ngã lăn xuống cầu thang khi bị ông chủ Chệt Liếm (Hoàng Phúc) phát hiện.
Bộ 3 diễn viên chính của phim “Đảo của dân ngụ cư”.
Ở LHP Việt Nam năm ngoái, Vinh được giải Nam phụ xuất sắc. Tuy nhiên, với thời lượng xuất hiện, vai trò trong chuyện phim, có thể “đôn” anh lên vai chính cho đỡ “phí”. Bởi so sánh tương quan với các vai Nam chính khác, vai của anh không kém dày dặn mà lại hay hơn hẳn. Ban Giám khảo nên linh động điều này, dù trên generic phim Phạm Hồng Phước mới là diễn viên Nam chính của Đảo của dân ngụ cư.
Năm 2011, BGK Cánh diều Vàng đã chủ động làm điều này một cách rất đáng khen. Khi đó, trên generic phim và trong cả ấn tượng của khán giả, vai Nương (Ninh Dương Lan Ngọc) chỉ là vai thứ sau vai Sương (Đỗ Hải Yến) của Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình). Tương tự là vai Lê Long Đĩnh (Nguyễn Đình Toàn) cũng chỉ là vai thứ sau Lý Công Uẩn (Quách Ngọc Ngoan) trong Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh).
Lan Ngọc và Đỗ Hải Yến trong “Cánh đồng bất tận”.
Ai cũng chắc mẩm Ngọc Ngoan và Hải Yến tranh giải ở hạng mục Nam - Nữ chính còn Đình Toàn - Lan Ngọc tranh Nam - Nữ phụ. Nhưng, trong lễ trao giải, chiến thắng hạng mục diễn viên chính xuất sắc là Đình Toàn và Lan Ngọc. Tức Ban Giám khảo đã chủ động “đôn” vai diễn của họ lên cho xứng tầm. Đó là một quyết định rất đúng đắn. Năm nay, cũng cần BGK linh hoạt như thế cho vai diễn rất hay của Nhan Phúc Vinh. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng diễn viên thắng giải Nam chính còn lép vế hơn Nam phụ.
Các gương mặt đáng nói khác
Là một giải thưởng tổng kết năm của nền điện ảnh, nhưng Cánh diều Vàng không đánh giá toàn bộ các tác phẩm ra mắt trong năm, mà chỉ xem xét chấm giải những bộ phim nhà sản xuất gửi đến dự thi. Chính cách thức tổ chức này khiến giải bỏ lỡ nhiều tác phẩm chất lượng.
Đơn cử, năm nay hạng mục Nam chính mất đi sự cạnh tranh quyết liệt của 2 vai diễn đáng nhớ trong 2 bộ phim không gửi dự giải: ông/bà chủ gánh Lô tô Lệ Liễu (NSƯT Hữu Châu) trong Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh) và người cha làm nghề phối giống cho heo tên Quang (Lương Mạnh Hải) trong Khi con là nhà (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng).
Hữu Châu trong “Lô tô”.
Lương Mạnh Hải của “Khi con là nhà”.
Nhìn vào lực lượng năm nay, ngoài sự nổi trội của Nhan Phúc Vinh (nhân vật hay đồng thời diễn viên tốt), các diễn viên nam khác có phần nhạt hơn hẳn về dấu ấn. Ngô Kiến Huy có lợi thế hơn cả khi có vai chính trong 2 bộ phim tham gia là Cô gái đến từ hôm qua (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) - một phim dễ thương, trong sáng, hài hước về tuổi học trò và Yêu đi đừng sợ (đạo diễn Stephan Gauger) - một phim tình cảm pha chút kinh dị.
Trong Cô gái đến từ hôm qua, Huy có rất nhiều đất diễn để thể hiện. Tuy nhiên, nhân vật không đòi hỏi diễn nội tâm và Huy chủ yếu diễn bằng cơ mặt, chỉ dừng ở mức đạt. Thêm vào đó, sự chênh lệch lớn giữa tuổi của diễn viên và tuổi của nhân vật khiến màn hoá thân thiếu chút chân thực và thuyết phục. Trong Yêu đi đừng sợ, Huy cũng đóng tròn vai nhưng bản thân nhân vật lại nhạt, không có gì đáng nói.
Ngô Kiến Huy của “Yêu đi đừng sợ”.
Và trong “Cô gái đến từ hôm qua”.
Dạ cổ hoài lang (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) thuộc số hiếm hoi những phim làm về thân phận con người trong Cánh diều mùa này. Dù phim chưa thật điện ảnh lắm, nhưng vai diễn của Hoài Linh là một trong những vai nam hay. Danh hài đã rũ bỏ ấn tượng “hài nhảm” ở nhiều phim Tết trước đó để vào một vai bi ít nhiều xúc động.
Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) cũng tạo nên một nhân vật nam mới mẻ, thú vị và Kiều Minh Tuấn diễn khá ra nét một tay chơi bị dắt mũi bởi cô gái tuổi teen lắm chiêu (Kaity Nguyễn).
Kiều Minh Tuấn.
Bạn gái tôi là sếp (đạo diễn Hàm Trần) phát hiện ra gương mặt mới Đỗ An. Anh ưa nhìn và có nét diễn tương đối duyên dáng.
Đỗ An.
Trong các vai diễn còn lại thì: Rocker Nguyễn (Sắc đẹp ngàn cân) bình bình trong một bộ phim tàm tạm, Quý Bình (Ở đây có nắng) thường thường trong một bộ phim hơi dở, Minh Beta (Ngày mai Mai cưới) kém biểu cảm trong một bộ phim duyên dáng còn Bình Minh (Giấc mơ Mỹ) diễn nhạt trong một bộ phim quá tệ.
Theo Sao Star