Sau thành công của Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử (2017)Quỳnh búp bê, Gạo nếp gạo tẻ (2018), năm nay, màn ảnh Việt tiếp tục có những bộ phim gây bão, nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả truyền hình như Về nhà đi con, Tiếng sét trong mưa.

Phim truyền hình năm 2019 cũng được đánh giá là đa dạng về đề tài khai thác. Ngoài việc tiếp tục ưa chuộng bộ phim về đề tài gia đình, màn ảnh năm nay cũng đánh dấu sự trở lại của dòng phim cảnh sát hình sự sau thời gian vắng bóng. Chất lượng phim Việt được cho là ngày càng tốt hơn. Tuy vậy, câu chuyện dán dãn 18+ vẫn là vấn đề gây tranh cãi.

Cảnh nóng và chuyện hàng xóm lên màn ảnh Việt 2019 ra sao?-1
Về nhà đi con là một trong những phim gây chú ý năm 2019.

Khi "chuyện hàng xóm" lên phim

Cơn sốt Về nhà đi con trên sóng giờ vàng VTV dịp đầu năm nay tiếp tục chứng tỏ dòng phim về gia đình vẫn được nhiều khán giả ưa chuộng. Khán giả Việt đã xem Về nhà đi con với đầy đủ cung bậc “hỉ nộ ái ố”, có căm phẫn, tức giận, cũng có cả thương xót, đồng cảm, buồn đau.

Vừa xem, vừa bàn luận, vừa thao thao bất tuyệt bình phẩm, vừa dự đoán kết quả và so sánh chuyện phim với hàng loạt sự vụ có thật ngoài đời. “Sao Vũ giống chồng đứa bạn tôi thế, cũng đào hoa, lăng nhăng, bồ bịch”, “Cạnh nhà tôi có một ông giống hệt ông Sơn, cũng hiền lành, sinh con một bề, gà trống nuôi con”… là chia sẻ của đông đảo khán giả.

Tất cả nhân vật trong phim bỗng trở nên gần gũi như một người họ hàng xa, một bà hàng xóm, một chị đồng nghiệp. Và chẳng phải chuyện nhà ông Sơn, ông Luật nữa mà nội dung phim trở nên gần gũi như chuyện của láng giếng, ngoài phố hay nhà bên cạnh, chứng kiến từ cửa sổ phòng mình.

Về nhà đi con đã đến với khán giả bằng cách làm phim đơn giản, không lớp lang, không hiệu ứng cầu kỳ. Phim thật như chính bản thân câu chuyện, kịch bản, như đời sống đang chảy tràn trên màn ảnh, không màu mè, tô vẽ.

Phim đi vào từng bữa cơm gia đình, trong từng câu chuyện “buôn bán” nơi công sở, trong những cuộc “chát chít” đời thường. Khán giả có thể thấy một chị Huệ nhẫn nhịn, lấy chồng cờ bạc, vũ phu nhưng mãi không thể dứt bỏ được. Chị Huệ ấy cũng giống như một chị nào đó chúng ta quen, chị ấy sống bên kia đường, ngay cạnh nhà.

Khán giả cũng có thể nhìn thấy trong Khải sự nhu nhược, trong cô Xuyến sự lẳng lơ, trong Liễu sự tai quái, trong Linh sự tốt bụng, trượng nghĩa. Cùng với đó là thái độ bức xúc với Nhã "tiểu tam" do Quỳnh Nga thủ vai.

Như Sống chung với mẹ chồng trước đó, Về nhà đi con chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của dòng phim gia đình. Nói như NSƯT Trung Anh, gia đình thực sự là một giá trị gần gũi với số đông khán giả Việt, dễ chạm đến trái tim của mọi người.

Sau Về nhà đi, Hoa hồng trên ngực trái cũng là bộ phim về tình yêu gia đình. Tuy không thể gây bão như tác phẩm của đạo diễn Danh Dũng nhưng phim cũng nhận được sự quan tâm, bàn luận của nhiều khán giả. Hiện tại, đây cũng là bộ phim có rating tốt trên sóng VTV.

Cảnh nóng và chuyện hàng xóm lên màn ảnh Việt 2019 ra sao?-2
Sinh tử là bộ phim về đề tài chính luận.

Sự trở lại của dòng phim cảnh sát hình sự, chính luận

Ngoài đề tài gia đình, năm 2019, VFC - đơn vị sản xuất phim của VTV cũng quan tâm đến dòng phim cảnh sát hình sự. Vài năm trở lại, dòng phim cảnh sát hình sự bị cho là “chết” trên màn ảnh.

Những tác phẩm gần nhất như Bản di chúc bí ẩn, Câu hỏi số 5 không còn sức hút như trước. Từ năm 2015 đến nay, series này cũng không có tác phẩm mới. Thay vào đó, màn ảnh VTV đổi mới với việc khai thác sâu vào thế giới ngầm, đưa tội phạm trở thành nhân vật trung tâm, trong đó không thể không kể đến Người phán xử.

Hiệu ứng của Người phán xử từng khiến nhiều khán giả nghĩ rằng dòng phim cảnh sát hình sự sẽ càng khó trở lại. Do vậy, sự xuất hiện của Mê cung - một bộ phim thuộc dòng cảnh sát hình sự được cả báo giới lẫn khán giả quan tâm.

Phim Mê cung được giới trong nghề đánh giá cao về cấu trúc phim, hình ảnh lẫn cách sắp xếp tình tiết. Nhiều nhân vật trong phim thuộc dạng dị biệt của màn ảnh như Fedora của Doãn Quốc Đam. Phim kết thúc trong ngỡ ngàng, trái ngược hoàn toàn với dự đoán của khán giả. Nhiều người gọi đó là cú lừa ngoạn mục của đạo diễn.

Bên cạnh dòng phim cảnh sát hình sự, đề tài chính luận của trở lại màn ảnh. Sinh tử của NSND Khải Hưng đang được phát sóng trên VTV. Phim đề cập đến nhiều vấn đề gai góc, thậm chí có thể coi là nhạy cảm của màn ảnh. Tuy không gây bão như các phim đình đám khác nhưng Sinh tử cũng được một bộ phận khán giả quan tâm theo dõi, bình luận.

Cảnh nóng và chuyện hàng xóm lên màn ảnh Việt 2019 ra sao?-3
Sau Gạo nếp gạo tẻ của năm 2018, Tiếng sét trong mưa là một điểm sáng của phim truyền hình thị trường phía Nam.

Vẫn lúng túng trong dán nhãn 18+

Chất lượng phim truyền hình Việt được đánh giá là ngày càng tốt. Những đổi mới về đề tài, kịch bản, công nghệ làm phim góp phần không nhỏ vào thành công của phim truyền hình trong năm vừa qua. Tuy vậy, câu chuyện dán nhãn 18+ cho những bộ phim có cảnh nóng, đề tài nhạy cảm tiếp tục là vấn đề gây lúng túng.

Trường hợp của Tiếng sét trong mưa là một ví dụ. Sau Gạo nếp gạo tẻ của năm 2018, Tiếng sét trong mưa là một điểm sáng của phim truyền hình thị trường phía Nam. Phim nhận được nhiều phản hồi tích cực về chất lượng, đặc biệt ở phần đầu phim.

Phần đông khán giả cho rằng phim kể câu chuyện chân thực, kịch tính, góp phần lột tả góc khuất trong đời sống xã hội xưa. Tuy nhiên, phim cũng gây tranh cãi vì có những cảnh nóng, mối quan hệ tình cảm trái luân thường đạo lý.

Trong thời gian phim phát sóng, vấn đề giới hạn độ tuổi đối với Tiếng sét trong mưa được một số khán giả đặt ra trên mạng xã hội. Có ý kiến cho rằng, phim nên phát sóng ở khung giờ muộn hơn thay vì phát khá sớm như hiện tại, tức khung giờ vàng - 20h trên kênh Vĩnh Long. Hoặc, phim có thể dãn nhán 18+, như quy định của ngành thông tin - truyền thông.

Phần đông ý kiến cho rằng kịch bản của Tiếng sét trong mưa theo khá sát tác phẩm gốc nên có câu chuyện kịch tính, hấp dẫn, tình tiết dữ dội. Tuy nhiên, việc dán nhãn là cần thiết, ngay cả với một tác phẩm hay. Nhiều chuyên gia khẳng định với Zing.vn rằng việc dán nhãn là "văn minh", không hề ảnh hưởng đến hiệu ứng của phim.

Trước đó, vào năm 2018, Quỳnh búp bê cũng được đánh giá là bộ phim chất lượng tốt, chân thực. Tuy nhiên, phim cũng gây tranh cãi vì phát trên sóng giờ vàng VTV1 nhưng có nhiều cảnh nóng, mà không dán nhãn.

Vấn đề này sau đó được báo chí phản ảnh. Trên tinh thần cầu thị, từ tập 5 của Quỳnh búp bê, Đài truyền hình Việt Nam đã cho chạy dòng chữ: "Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem". Quỳnh búp bê sau đó vẫn là bộ phim được khán giả đón nhận.

Tuy nhiên, đạo diễn Tiếng sét trong mưa lại cho rằng việc dán nhãn là không phù hợp, thậm chí bất công với phim. Và thực tế là phim cũng đã không được dán nhãn. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối khi nhà đài và đoàn làm phim thiếu sự cầu thị. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc dán nhãn thực ra còn lúng túng ở Việt Nam do chưa có quy định cụ thể, rõ ràng.

Theo Zing