Mới đây, trang RT đã đăng tải video về tình trạng "tiền vứt đầy đường" ở Venezuela. Đây được xem là bằng chứng về lạm phát khủng khiếp ở quốc gia này.

Theo Bloomberg, mới đây Venezuela đã phá vỡ đợt siêu lạm phát kéo dài 4 năm, một trong những đợt lạm phát dài nhất thế giới, do chính phủ Venezuela đã làm chậm tốc độ in tiền và đồng đô la Mỹ trở thành đơn vị tiền tệ được ưa thích ở nước này.

Theo ngân hàng trung ương, giá đã tăng 7,6% trong tháng 12 so với tháng 11, đánh dấu một năm với lạm phát hàng tháng dưới 50%, ngưỡng mà hầu hết các nhà kinh tế thường sử dụng để xác định siêu lạm phát. Tính theo năm, Venezuela kết thúc năm 2021 với lạm phát ở mức 686,4%.

Ronald Balza, một giáo sư kinh tế tại Đại học Công giáo ở Caracas, cho biết: "Siêu lạm phát của Venezuela đã biến mất. Chính phủ đã không thực hiện bất kỳ biện pháp nào, họ chỉ ngừng làm những điều gây ra siêu lạm phát, đặc biệt là việc tăng tốc in tiền".

Theo Luis Oliveros - giáo sư kinh tế tại Đại học Central ở Caracas, việc cắt giảm in tiền xuất phát từ việc giảm chi tiêu của chính phủ, qua đó giúp cắt giảm thâm hụt tài chính xuống dưới 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm ngoái từ khoảng 30% GDP khi siêu lạm phát bắt đầu vào cuối năm 2017.


Siêu lạm phát ở Venezuela khiến đồng nội tệ gần như không còn giá trị.

Thay vì đồng bolivar - đơn vị tiền tệ chính thức của quốc gia, Venezuela đã chấp nhận đồng đô la Mỹ một cách không chính thức. Hơn 60% tất cả các giao dịch diễn ra bằng đồng này.

Ông Oliveros nói: "Mặc dù lạm phát tính theo đồng bolivar vẫn quan trọng, nhưng nó không phản ánh được tất cả thông tin về những gì đang diễn ra với giá cả. Chúng ta cần chú ý đến giá cả tính bằng đô la Mỹ".

Mặc dù đã thoát khỏi siêu lạm phát, quốc gia này vẫn phải chịu một trong những tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới.

Bên cạnh dữ liệu chính thức của chính phủ Venezuela, một chỉ số lạm phát song song do các nhà lập pháp đối lập thu thập cũng cho thấy giá cả đã giảm đáng kể vào năm ngoái.

Chỉ số Bloomberg’s Cafe Con Leche - theo dõi giá một tách cà phê ở Caracas hàng tuần - cho thấy mức tăng cũng đã chững lại, đặc biệt là kể từ khi chính phủ điều chỉnh lại tiền tệ trong nước, giảm sáu số 0 so với đồng bolivar trước đó.

Ngân hàng trung ương đã tăng cường các biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại hối, giữ cho đồng bolivar kỹ thuật số tương đối ổn định.

Kể từ tháng 10, họ đã tăng hơn gấp đôi nguồn cung đô la Mỹ của họ ra thị trường, bơm tới 100 triệu đô la Mỹ mỗi tuần và giữ tỷ giá hối đoái dưới 5 bolivar / đô la.

Một số tự hỏi liệu chính phủ có tiền để tiếp tục chính sách hay không. Dự trữ của ngân hàng trung ương Venezuela đã giảm xuống dưới 6 tỷ USD, mức thấp nhất trong ít nhất 30 năm, không bao gồm các quỹ IMF mà chính phủ không thể tiếp cận.

Các nhà phân tích cho biết chính phủ có thể sử dụng doanh thu từ dầu mỏ và các nguồn thu nhập ngoại tệ khác để can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Jose Manuel Puente, giáo sư của Trung tâm Chính sách Công tại IESA, cho biết: "Không sớm thì muộn, chúng ta sẽ thấy một sự điều chỉnh quan trọng trong tỷ giá hối đoái, và điều đó sẽ có tác động đến giá cả".

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị