Mấy chục năm theo lĩnh vực thể thao, câu chuyện tiền thưởng luôn là một vấn đề nóng và nhạy cảm. Với các đội tuyển bóng đá nam - nữ, đó là những cuộc bình bầu thiếu công bằng, mà ở đó, cán bộ "ăn theo" thường đạt mức A như những cầu thủ cống hiến nhiều.

Còn phổ biến nhất là những lời than thở từ vận động viên về việc họ bị cắt 10% để biếu xén cho "các cô, các chú đã giúp đỡ mình"…

Tôi đã từng đặt câu hỏi thẳng với một cán bộ cao cấp của ngành thể thao về cái nạn này. Rất thân và rất tin tưởng, ông kể:

"Nhục lắm, đau lắm. Khi tôi vừa lên chức, sau một kỳ đại hội thể thao, có nhiều vị huấn luyện viên đã gặp và gởi tôi phong bì bảo rằng đây là lộc các cháu gởi chú. Tôi bảo, lộc gì mà lộc, đó là mồ hôi nước mắt của các vận động viên, tôi dứt khoát không nhận.

Nhưng huấn luyện viên thì bảo tại anh mới lên nên không biết, chuyện này xưa nay rồi. Anh không nhận chúng em không yên lòng.

Họ nói quá, tôi đành xử sự cho qua chuyện bằng cách nhận rồi trao lại và bảo mình đã nhận cho yên lòng, và xin biếu lại để các em liên hoan. Biếu xén để thể hiện sự biết điều đã trở thành một thứ văn hóa kỳ lạ".

Cắt 10% tiền thưởng của VĐV: Luật bất thành văn! - 1
Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương (Ảnh: Tố Linh).

Khi vụ việc ở đội thể dục dụng cụ nổ ra, tôi có viết một bài trên trang cá nhân của mình đề cập đến cái văn hóa biết điều kỳ lạ đó, và có không ít dân làng thể thao bình luận, nhắn tin thể hiện sự đồng tình.

Một cựu cua rơ xe đạp nổi tiếng nhắn: "Vận động viên chuyên nghiệp ở các môn hầu như ít nhiều đều là nạn nhân của vấn nạn này, lâu dần nó hiển nhiên là chuyện bình thường, chán riết hết muốn nói".

Một cựu vận động viên điền kinh thì nhắn: "Lý do em giã từ điền kinh sớm cũng vì chuyện này. Tiền bị cắt không lớn, nhưng nó kỳ. Mình không tuân theo 'luật' chung thì bị đì".

Một cựu ngôi sao thể dục dụng cụ chua chát nhắn: "Buồn lắm anh ơi, chuyện này là luật bất thành văn trong làng thể thao. Cái văn hóa của mình nó thế. Đi về không có quà thì các bạn ở nhà làm văn phòng, tài vụ, kế toán, lo thủ tục visa…họ buồn.

Mà họ buồn thì lần sau không khéo mình lại bị trễ nải thủ tục, chạy tới chạy lui vô cùng mất công. Riết rồi chuyện bất thường đã thành bình thường. Sau chuyện này, em cược là mọi chuyện cũng đâu vào đấy, chẳng qua đen thôi, đỏ quên đi"…

Mọi chuyện bắt đầu từ câu chuyện đồng lương quá thấp, cộng thêm vào đó là một thời chúng ta xem chuyện đi nước ngoài là một đặc ân; đã vậy đi rồi thi đấu có huy chương, có tiền thưởng thì lại càng phải biết điều.

Biết điều thì mọi chuyện về sau mới thông suốt. Riết rồi nó thành thói quen, thành một thứ văn hóa tệ hại. Người bị cắt cũng cho là bình thường, và người nhận lại càng bình thường.

Vụ việc bùng ra ở đội tuyển thể dục dụng cụ sau khi vận động viên bị loại khỏi đội tuyển, cho thấy câu chuyện đã đến mức "lành làm gáo, vỡ làm muôi"...

Thật sự, nếu scandal ở đội tuyển thể dục dụng cụ là cá biệt thì còn mừng, chứ nếu đã trở thành một thứ văn hóa biết điều kỳ quặc thì mới thật là đau lòng. Đau vì không biết sẽ phải giải quyết ở khâu nào mới được xem là gốc gác của vấn đề!?

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện của cậu con trai đi học rồi ở lại Úc làm việc, sinh sống. Khi nó đang làm luận án tiến sĩ, trong một lần về thăm nhà, tôi có hỏi "con có mua gì qua làm quà cho Giáo sư hướng dẫn không?".

Nó trợn mắt ngạc nhiên: "Tại sao phải thế? Con mà mua quà cho ổng là ổng nghi ngờ mình có gì không đàng hoàng ngay. Ngay con mời đi ăn tối, ổng và con cũng hiểu rằng phần ai nấy trả.

Sinh nhật con hay sinh nhật ổng, đều mời nhau và nói rõ là mời một ly rượu hay một chai bia, chứ phần ăn thì của ai trả nấy. Tất cả đều minh bạch sòng phẳng".

Trong câu chuyện ở đội thể dục dụng cụ nói riêng, làng thể thao nói chung, tôi chưa dám nói là tiêu cực mà chỉ dừng lại ở cái "văn hóa biết điều" của người Việt, đã thấy nó là một thứ kỳ quặc, đẩy chúng ta vào một mớ bùng nhùng trong các mối quan hệ xã hội. Đặc biệt, giữa sự biết điều và tiêu cực, nhũng nhiễu là một làn ranh hết sức mỏng manh.

Chấn hưng văn hóa là đây chứ đâu…

Theo Dân trí