Theo quan điểm tâm linh của người Việt, cắt tóc hay móng tay, móng chân vào ngày mùng 1 đầu tháng sẽ đem lại sự xui xẻo. Bởi tóc hay móng tay, móng chân là bộ phận của con người, không nên cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể trong những ngày đầu tháng, đầu năm.
Kiêng cắt tóc đầu tháng
Tùy theo quan niệm của từng địa phương mà ngày đầu tháng được hiểu khác nhau. Có nơi gọi là ngày đầu tháng tức là ngày mồng 1 âm lịch hàng tháng nhưng cũng có một số nơi coi các ngày mồng 1 đến mồng 10.
Vậy những điềm kiêng kỵ trong những ngày đầu tháng là gì? Kiêng xuất tiền, kiêng cắt tóc, kiêng thăm gái đẻ, kiêng ăn thịt chó, thịt vịt, mực...
Từ xưa đến nay, những điềm kiêng kỵ này, đã được dân gian chiêm nghiệm, đúc kết và đã trở thành phong tục truyền lại cho đến ngày nay.
Bà bầu không được cắt tóc vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng
Ông bà xưa cho rằng mái tóc gắn liền với sinh mệnh con người, nên khi mang thai nếu người mẹ cắt tóc sẽ rút ngắn cuộc đời của đứa trẻ, do đó người ta rất kị việc bà bầu đi cắt tóc.
Nhưng trong thực tế, phụ nữ khi mang thai nếu cắt tóc ngắn sẽ giúp họ thoải mái hơn nhiều.
Bên cạnh đó, việc bà bầu đến tiệm làm tóc để gội đầu hay làm đẹp đều không ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, cần hạn chế việc tiếp xúc với các loại thuốc nhuộm hay tẩy tóc vì trong những chất này chứa nhiều thành phần độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Vào tháng cô hồn không được cắt tóc
Theo dân gian, tháng cô hồn là khoảng thời gian do Diêm Vương mở cửa để những vong hồn có thể trở về dương gian để thăm viếng gia đình của mình. Việc cắt tóc vào ngày này khiến cơ thể bị suy yếu, dễ bị ma quỷ xâm nhập, quấy rối.
Nhưng thực chất, đây chỉ là những việc được dân gian truyền miệng chứ không dựa trên bất kì cơ sở khoa học nào. Vì vậy chúng ta không cần phải quá kiêng kỵ trong việc cắt tóc vào tháng cô hồn.
Có cơ sở khoa học nào không?
Theo các nhà tâm linh, những kiêng kỵ này toàn truyền miệng, không có cơ sở khoa học nào cả. Cũng có một số trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên nên người ta mặc nhiên coi sự hên xui là 50/50, "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" của người Việt.
TS Nguyễn Ngọc Mai (Viện Nghiên cứu Con người) cho rằng, quan điểm tâm linh của người Việt cho rằng tóc là một bộ phận của con người, không muốn cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể đầu năm mới, đầu tháng mới bởi cắt là mất, cắt là có thể gặp những chuyện không suôn sẻ, hoặc hay ốm đau.
Thực chất đây là kiêng kỵ truyền miệng, chưa có khảo sát xã hội học nào chứng minh đúng hay sai.
Ngày nay nhiều thanh niên quan tâm đến những kiêng kị như đầu năm, đầu tháng như không cắt tóc, hay đầu tháng không đi thăm phụ nữ đẻ... có thể do bản lĩnh của lớp trẻ ngày càng yếu, ảnh hưởng bới sự tác động của kinh tế thị trường biến động, khiến cái được, cái mất, sự hợp tan, thăng tiến chỉ trong giây lát... Vì vậy họ tìm đến sự hỗ trợ về tinh thần bằng cách đi lễ, giải hạn, và kiêng kị nhiều hơn.
Mùng 1 kiêng ăn một số món
Mọi người cho rằng nếu ăn thịt chó, thịt vịt, mực hay xôi trắng vào ngày mùng 1 sẽ bị hãm tài, gặp những điều không may mắn, mất tiền, mất của, việc không thành, gặp bệnh cũng lâu khỏi.
Người dân miền Trung còn kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt trong ngày đầu tháng. Họ cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp vận xui. Thậm chí một số vùng còn không ăn tôm vì sợ đi giật lùi như tôm. Dù không có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ điều này nhưng từ trước đến nay hầu hết người Việt Nam cũng "tự biết" kiêng kỵ.
Không làm đổ vỡ đồ dùng
Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kỵ.
Việc kiêng kỵ cho đến nay vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh được nhưng những điều thế này luôn thuộc về thế giới tâm linh, ai tin thì sẽ theo, còn ai không tin thì cứ hành động một cách bình thường.
*Bài viết chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm vui
Theo Khỏe & Đẹp