Câu chuyện của bạn Võ Huyền Trang chia sẻ trên mạng xã hội mới đây về món quà Tết mà học sinh dành tặng cho mẹ mình – một giáo viên vùng cao với gần 30 năm tuổi nghề khiến ai cũng cảm động.
Trang kể về câu chuyện của mẹ mình như sau: “Mẹ mình là giáo viên dạy cấp 1 trên vùng núi cao ở Hoà Bình và đây là quà Tết của học sinh trường mẹ. Đi dạy ở vùng cao cũng 28 năm rồi mà năm nay là năm đầu tiên được học sinh tặng quà Tết.
Mình không hiểu các thầy cô dạy ở thành phố hay những nơi "văn minh" hơn khi nhận được những món quà Tết đắt tiền đẹp đẽ hơn sẽ có cảm giác thế nào, chứ mẹ mình khi nhận được những túi gạo nếp này mẹ mừng lắm vì trong gần 30 năm đi dạy học lần đầu được bọn nhỏ nó tặng quà, hôm trước vừa nấu cơm cho bọn nhỏ ăn Tết thì hôm sau mỗi đứa một túi mang biếu cô.
Đầu năm học vừa rồi mẹ mình có chuyển vào 1 chi xa hơn, mấy đứa trời lạnh chỉ mặc độc một cái áo và đi dép chứ làm gì có đủ áo ấm với tất mà đi, giữa giờ ra chơi thì đốt một đống lửa rồi cả thầy cả trò cùng sưởi, mẹ mình có gửi ảnh cho xem nhìn thương lắm nhưng mà vui..."
Món quà Tết đặc biệt mà học sinh vùng cao tặng cô giáo
Trao đổi với PV, Trang cho biết mẹ cô đang dạy học tại một điểm trường thuộc huyện Đà Bắc, Hòa Bình nơi đó chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số rất khó khăn.
Trong một dịp Trang đi cùng mẹ lên trường mẹ dạy học cô cảm thấy rất xót xa cho những em học sinh ở đây, dưới cái lạnh cắt da, cắt thịt mà có em chỉ một manh áo phong phanh, chân xỏ đôi dép tổ ong. Có chiếc áo khoác đồng phục các em mặc đi mặc lại, hôm nào lỡ té bẩn là hôm sau chỉ có một manh áo “chống rét”.
Mặc dù vậy nhưng các em rất ngoan và quý thầy cô giáo. Dù mẹ Trang bịt khăn kín mít không nhìn thấy mặt mà các em ai cũng nhận ra, ríu rít chào cô giáo.
Nói về món quà Tết, Trang chia sẻ mẹ cô nhận được vào hôm thứ 6 (ngày 9/2), buổi học cuối cùng của năm cũ. Cuối tuần mẹ Trang mang ra khoe với Trang rồi mẹ đã khóc vì thương học sinh.
Sau khi thấy học sinh mang gạo đến tặng, mẹ Trang có dặn các em mang về nhà nhưng các em học sinh nhất định để lại làm quà Tết cho cô.
Con đường mang cái chữ đến cho các em học sinh, mẹ Trang và các cô giáo vùng cao đã phải rất vất vả để vượt qua những con đường như thế này ( Ảnh: NVCC)
Trang cho biết, trường mẹ Trang dạy là chi phụ, cả trường có 48 học sinh và 4 giáo viên. Mẹ cô đi dạy học mỗi lần đi đi về về hơn 100km, đường vào trường là đất đỏ đi lại rất khó khăn, có hôm bị sạt đất mẹ Trang và các cô giáo khác còn phải dắt xe trên con đường lầy lội để đến trường dạy học.
Dù vất vả nhưng mẹ cô vẫn rất yêu nghề, yêu học sinh của mình, chính vì thế các em cũng rất tình cảm với các thầy cô giáo đã kiên trì bám bản đem con chữ đến cho các em.
Sau khi đọc được bài viết của Trang nhiều bạn đọc bày tỏ sự cảm thông đối với những vất vả của các cô giáo vùng cao, đồng thời cũng cho rằng các em nhỏ vùng cao và người vùng cao tuy cuộc sống vất vả nhưng rất tình cảm.
“Những bịch gạo nếp đơn sơ vậy thôi nhưng chan chứa bao tình cảm của cha mẹ và các em học sinh. Người dân phải đổ rất nhiều mồ hôi công sức mới có được những hạt gạo như vậy, còn các cô để cõng chữ đến cho các em cũng phải vượt qua bao gian nan, thương lắm cả cô lẫn trò” – M.N bình luận.
“Ai từng tiếp xúc và gắn bó với người vùng cao mới thấu hiểu sự vất vả của họ nhưng họ sống rất tình cảm. Chúc cô giáo nhiều sức khỏe và gắn bó, mang con chữ đến cho các em” – N.H.B nói.
Theo Khám phá