Những ngày qua, một trong những câu chuyện đẹp có sức lay động nhất trên MXH chính là câu chuyện Mỹ Tâm hát cùng một người khuyết tật tại một sân khấu bên đường. Trên đường đi diễn về ngang qua một sân khấu gây quỹ của người khuyết tật sáng đèn nhưng không có khán giả, cô đã quyết định quay đầu xe lại và lên sâu khấu thể hiện ca khúc "Sầu tím thiệp hồng".

Câu chuyện Mỹ Tâm hát cùng người khiếm thị xuất hiện trong đề kiểm tra Văn - Ảnh 1.

Không màu mè hay lộng lẫy, nữ ca sĩ giản dị giới thiệu mình tên Tâm, quê ở Đà Nẵng và cùng song ca với ca sĩ của chương trình. Hành động đẹp, đầy tính nhân văn của Mỹ Tâm đã nhận được rất nhiều sự yêu mến của cư dân mạng. Mới đây, trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau) đã đưa câu chuyện này vào đề kiểm tra môn Ngữ Văn cuối kì.

Câu chuyện Mỹ Tâm hát cùng người khiếm thị xuất hiện trong đề kiểm tra Văn - Ảnh 2.

Cả hai phần Đọc hiểu và làm văn đều đề cập đến câu chuyện của Mỹ Tâm. Câu hỏi ở phần hai rất thú vị khi yêu cầu học sinh hóa thân thành người nghệ sĩ mù trên sân khấu để kể lại cảm xúc của mình khi được hát cùng với Mỹ Tâm. Có thể thấy, các thầy cô giáo đã nhanh chóng chú ý những sự kiện gần gũi và có sức ảnh hưởng cũng như tính giáo dục để đưa vào đề bài nhằm khiến học sinh hứng thú hơn khi làm bài.

Câu chuyện Mỹ Tâm hát cùng người khiếm thị xuất hiện trong đề kiểm tra Văn - Ảnh 3.

Các học sinh tỏ ra rất hứng thú với đề bài vừa ý nghĩa vừa mang tính thời sự này. Bạn T.U (THPT Đầm Dơi) chia sẻ trên trang cá nhân: "Suy cho cùng, ở xã hội mà không có khái niệm về thời gian, con người ta phải chạy đua nhau về tiền bạc, địa vị hay cơm áo gạo tiền. Để những lúc bạn thấy chông chênh, muốn gục ngã mà buông bỏ nhất, chỉ cần có một người chịu đứng lại, nhắc cho bạn lí do tại sao bạn bắt đầu, như vậy đã là quá đủ.

Thảng hoặc, tôi có suy nghĩ, giữa thế giới có hơn 8 tỉ người này, thì liệu, có được mấy ai chịu vì ai mà ngoảnh đầu lại? Và nếu đó không là Mỹ Tâm thì mọi chuyện sẽ diễn ra như thế nào? Chắc có lẽ nó sẽ diễn ra một chiều hướng khác, có thể tốt hơn. Hoặc cũng có thể, người ta sẽ chẳng hề biết đến, về một người nghệ sĩ mù đứng hát và không một khán giả nào chịu nán lại bằng đôi chút thời gian ít ỏi để thưởng thức, biết đâu được, phải không?"

Thầy Phú Đức (giáo viên môn Tiếng Anh, THPT Lê Minh Xuân, TPHCM) cũng tỏ ra rất thích thú trước đề bài vừa gần gũi vừa mang tính giáo dục rất cao này. Thầy cho biết mình cũng thường xuyên cập nhật tin tức thời sự hay những vấn đề học sinh quan tâm để khơi gợi sự hứng thú học tập nơi học sinh. Ví dụ như khi học sinh đã phát cuồng với ca khúc Pen Apple Pen thì thầy sẽ yêu cầu viết lại câu "I have a pen. I have Apple" bằng cấu trúc: "Both...and". Có thể thấy, đề thi các môn, nhất là các môn Xã hội ngày càng trở nên gần gũi với đời sống của giới trẻ. Đây cũng là một động lực để các bạn học sinh học tập và có cái nhìn, sự đánh giá tốt hơn về các vấn đề trong cuộc sống của mình.

Theo Trí Thức Trẻ