Trong cuộc sống, chúng ta thường gọi những kẻ đầu óc ngu dốt là "ngu muội". Chẳng hạn: "Cô ta đúng là kẻ ngu muội", hay "Đầu óc ngu muội như thế thì làm được việc gì",... Từ "ngu" là gì thì có lẽ ai cũng đã biết, nhưng còn từ muội thì sao? Có bao giờ bạn từ hỏi, tại sao "muội" lại đi với "ngu"?
Thực chất từ "muội" có nguồn gốc từ 昧 (Mèi), không phải từ 妹 - chỉ em gái. Từ 昧 có nghĩa: Mờ mờ, không sáng, hôn ám. Chẳng hạn như: "muội đán" 昧旦 - mờ mờ sáng, "ái muội" 曖昧 - mờ mịt. Ngoài ra có nghĩa: U mê, tối tăm, dốt. Chẳng hạn như: "hôn muội" 昏昧 - tối tăm không hiểu lẽ gì, "ngu muội" 愚昧 - dốt nát.
Từ điển Trần Văn Chánh giải thích "Muội" tức: U mê, tối, dốt: 蒙昧 Mê muội; 愚昧 Ngu dốt;... Từ điển Nguyễn Quốc Hùng cũng giải thích "Muội" tức: Tối tăm - Đầu óc tối tăm - Mắt mờ.
Ngoài ra, từ "muội" 昧 cũng có các nghĩa khác như:
- Giấu giếm, ẩn tàng. Chẳng hạn Như: "thập kim bất muội" 拾金不昧 - nhặt được vàng không giấu (thấy tiền của người khác làm rơi mất, không tham lấy làm của mình).
- Làm trái. Chẳng hạn như: "bất yếu muội trước lương tâm tố sự" 不要昧著良心做事 - không chịu làm việc gì trái với lương tâm.
- Mạo phạm, liều lĩnh. Chẳng hạn như: "mạo muội" 冒昧 - làm liều, làm bừa.
Ngoài "ngu muội", còn có từ "mông muội" cũng có nghĩa tương tự là "ngu dại, tối tăm" (sử dụng trong đời sống hàng ngày), Tuy nhiên "mông muội" còn một nghĩa khác. Đây là thuật ngữ khoa học dùng để chỉ giai đoạn đầu của lịch sử loài người (giai đoạn thứ hai gọi là dã man, giai đoạn thứ ba là văn minh). Người đầu tiên dùng thuật ngữ này là nhà triết học Anh Fơguxơn A. (A. Ferguson) (1767).
Theo Phụ nữ Việt Nam