Câu chuyện của 2 em học sinh Vi Tuấn Khanh và Vi Nhật Cảnh đã trở thành một biểu tượng đẹp về tình bạn và tinh thần tương thân, tương ái. Suốt 12 năm qua dù nắng nóng hay mưa gió, Tuấn Khanh luôn đồng hành, giúp đỡ, cõng người bạn khuyết tật của mình là Nhật Cảnh đến trường.

Vi Tuấn Khanh (SN 2006), sinh ra một một gia đình đồng bào dân tộc Thái nghèo ở xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu, Nghệ An). Khanh có dáng người nhỏ thó, da đen nhẻm. Được biết, nhà Khanh thuộc diện khó khăn nhất bản. Bố mẹ Khanh vì bệnh tật quanh năm đau yếu triền miên.

Cậu học sinh nghèo 12 năm làm đôi chân cho bạn khuyết tật đến trường, không quản nắng nóng hay mưa gió-1
Suốt 12 năm qua dù nắng nóng hay mưa gió, Tuấn Khanh luôn đồng hành, giúp đỡ, cõng người bạn khuyết tật của mình là Nhật Cảnh đến trường

Gia cảnh nghèo túng, không có tiền mua thuốc điều trị nên bố mẹ Khanh chỉ biết trông chờ vào những lá thuốc hái từ rừng đem về sắc uống để cầm cự nên sức khỏe ngày càng giảm sút. Là con đầu nên dù mới 11 tuổi, Khanh đã phải cùng bà nội 75 tuổi cáng đáng việc nhà.

Dẫu vậy, hoàn cảnh của Khanh vẫn may mắn hơn người bạn cùng bản Vi Nhật Cảnh. Căn bệnh bại não khiến tay chân Cảnh bị co quắp, đi lại hết sức khó khăn ngay từ khi còn nhỏ. Chị Vi Thị Hòa nói về đứa con tật nguyền của mình mà không khỏi nghẹn ngào: “Cháu nó bị dị tật bẩm sinh. Khi cháu cất tiếng khóc chào đời, thấy tôi ốm yếu, bệnh tật nên cha của cháu đã nhẫn tâm bỏ hai mẹ con lại rồi đi biệt tích. Lúc Cảnh chập chững biết đi, gia đình tôi phát hiện chân cháu có vấn đề và đưa đi khám thì bác sỹ kết luận cháu bị bại não nhẹ, rồi đôi chân co quắp không thể đứng dậy được”.

Cậu học sinh nghèo 12 năm làm đôi chân cho bạn khuyết tật đến trường, không quản nắng nóng hay mưa gió-2
Thương bạn, nhiều năm nay, Tuấn Khanh trở thành đôi chân của Cảnh, ngày ngày đưa bạn đến trường

Do đó thương bạn, nhiều năm nay, Tuấn Khanh trở thành đôi chân của Cảnh, ngày ngày đưa bạn đến trường. Từ nhà Cảnh tới trường dài khoảng 1,5 cây số. Để có thể đến trường, Khanh cùng bạn phải mất tầm 30 phút đi bộ. Theo những người dân địa phương, trước đây khi Khanh và Cảnh bước vào lớp 1, con đường đến trường ấy toàn đá sỏi, lại phải đi qua khe nên học sinh trong bản tới trường gặp rất nhiều trở ngại. 

Vào những ngày mưa, nước dâng cao cũng là lúc Khanh cõng bạn đi qua phải đánh cược với tử thần trước dòng nước xiết và những mỏm đá trơn trượt. Nhớ lại những lần vượt khe đưa bạn đến trường, Khanh vẫn còn run: “Mấy năm cõng bạn đi học, em sợ nhất là mỗi lần trời mưa, đi qua khe nước dâng lên to. Có lần trời mưa to, đường trơn, em cõng bạn đi học về bị ngã, cả hai bị ướt hết quần áo, em còn bị trật khớp chân”.

Cậu học sinh nghèo 12 năm làm đôi chân cho bạn khuyết tật đến trường, không quản nắng nóng hay mưa gió-3
Để không bị muộn giờ học, hằng ngày Khanh và Cảnh thường dậy từ lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị sách vở rồi bắt đầu cuộc hành trình đến lớp

Để cõng bạn đi hết chặng đường tới lớp rồi lại về nhà thì cứ đi được một đoạn Khanh phải dừng lại nghỉ lấy sức rồi tiếp tục đi tiếp. Để không bị muộn giờ học, hằng ngày Khanh và Cảnh thường dậy từ lúc 5 giờ sáng để chuẩn bị sách vở rồi bắt đầu cuộc hành trình đến lớp. Trước đây, Cảnh được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 xin nguồn tài trợ được một chiếc xe lăn nhưng do đường xấu, sức khỏe của em rất yếu nên không thể tự đẩy xe lăn đến trường.

Tiếp đó, năm học 2014-2015, Ban giám hiệu, thầy cô tại trường Khanh và Cảnh đang theo học đã quyên góp và mua được một chiếc xe đạp cho người chị gái của Cảnh đưa em tới trường. Tuy nhiên, Cảnh vẫn không thể tự ngồi sau xe đạp và vẫn phải nhờ tấm lưng gầy yếu của Khanh.

Cậu học sinh nghèo 12 năm làm đôi chân cho bạn khuyết tật đến trường, không quản nắng nóng hay mưa gió-4
Trước đây, Cảnh được Ban giám hiệu Trường Tiểu học Châu Hạnh 2 xin nguồn tài trợ được một chiếc xe lăn nhưng do đường xấu, sức khỏe của em rất yếu nên không thể tự đẩy xe lăn đến trường

Khó khăn, vất vả là vậy nhưng suốt 5 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, mùa đông giá rét hay những ngày hè oi bức, Khanh không để bạn mình phải nghỉ học dù chỉ một hôm, hay thậm chí chậm giờ. Khánh luôn tự nhủ mình cố gắng và động viên bạn vượt khó vươn lên, hoàn thành chương trình trên lớp.

Không chỉ giúp đỡ bạn đến trường, Tuấn Khanh còn giúp đỡ bạn trong học tập. Suốt 5 năm học tiểu học, cả Khanh và Cảnh luôn là những học sinh điểm cao của lớp, được nhiều giấy khen của trường. Cảnh cho rằng, để đạt được những thành quả đó, bên cạnh sự nỗ lực vượt khó của bản thân còn có những giọt mồ hôi nhọc nhằn của người bạn đã tình nguyện làm đôi chân để em đến trường, động viên em trong những lúc khó khăn nhất.

Cậu học sinh nghèo 12 năm làm đôi chân cho bạn khuyết tật đến trường, không quản nắng nóng hay mưa gió-5
Vi Tuấn Khanh được vinh danh là Gương thanh thiếu nhi Nghệ An tiêu biểu năm 2019

Năm lớp 10, lớp 11 Khanh đạt học khá, năm lớp 12 là học sinh giỏi. Chia sẻ về cậu học trò của mình, cô Hòa giáo viên chủ nhiệm của Tuấn Khanh cho biết: "Tuấn Khanh là 1 học sinh chăm ngoan, học giỏi. Luôn hòa đồng, giúp đỡ bạn bè, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Gia đình của Khanh khó khăn, nhưng em luôn cố gắng trong học tập và công việc.

Tuấn Khanh là 1 tấm gương sáng để các bạn trẻ học tập và noi theo. Tuấn Khanh và Nhật Cảnh là đôi bạn cùng tiến. Dù cả hai đều có hoàn cảnh khó khăn, nhưng các em luôn đồng hành, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, biết vươn lên trong cuộc sống".

Theo Gia Đình Việt Nam