Tối 9/7, khi Vũ Cát Tường lần đầu công khai mình là người đồng tính, những khán giả thường xuyên theo dõi cô không bất ngờ. Tác giả Vết Mưa giải thích một trong những lý do quyết định come out là không muốn bị hỏi "Bao giờ lấy chồng".
"Tường không có nhu cầu phải giải thích về bản thân mình. Nhưng Tường nghĩ sau 30, Tường sẽ nhận được nhiều câu hỏi về 'bao giờ lấy chồng, khi nào lập gia đình'.
Nhưng Tường phải nói là 'I'm gay', để mọi người hỏi 'bao giờ lấy vợ'. Tường sẽ lấy vợ chứ không lấy chồng", cô nói.
Vũ Cát Tường nói rằng quyết định come out vì không muốn bị hỏi "Bao giờ lấy chồng?". Ảnh: Vũ Cát Tường.
"Khi nào cưới", "Bao giờ lấy chồng" vốn là câu hỏi khiến nhiều người độc thân trong độ tuổi kết hôn khó chịu. Nhưng với những người đồng tính, câu hỏi liên quan đến hôn nhân và giới tính bạn đời không chỉ khiếm nhã mà còn tạo nên sức ép tâm lý lớn.
Với những người người còn sợ định kiến xã hội, chưa sẵn sàng come out, bị giục "dựng vợ, gả chồng" trở thành nỗi ám ảnh, đôi khi khiến họ tìm cách khoác lên mình vỏ bọc bằng cách kết hôn với những người khác giới.
Áp lực bị giục cưới
Theo nhà báo Steven Petrow, tác giả của “Steven Petrow's Complete Gay & Lesbian Manners”, việc hỏi những người đồng tính rằng khi nào họ kết hôn là điều thô lỗ.
"Khi nhận được câu hỏi đó, bạn chỉ cần trả lời thẳng thắn 'Chúng tôi sẽ làm đám cưới khi nào chúng tôi muốn, trong trường hợp chúng tôi thực sự muốn làm vậy'", Petrow bày tỏ.
Joe Stone, tác giả bài viết "Stop Asking Gay Couples If They're Getting Married" trên trang GQ, nhận thấy câu "Bạn có nghĩ mình sẽ kết hôn" đang trở thành câu hỏi mới thay thế cho câu "Bạn nhận ra mình là người đồng tính từ khi nào".
Bản thân là người đồng tính, Stone không khỏi ám ảnh với những thắc mắc tương tự, lặp đi lặp lại từ mọi người xung quanh.
Theo Stone, quan niệm xã hội lan truyền niềm tin rằng mọi người thường lên kế hoạch cho đám cưới trong mơ từ khi còn nhỏ. Nhưng lớn lên là người đồng tính, Stone chưa bao giờ chia sẻ về nguyện vọng đó, bởi nó chưa bao giờ là lựa chọn anh dám nghĩ đến.
"Những người thuộc cộng đồng LGBT+ lớn lên với những trải nghiệm khác nhau trong quá khứ: định kiến xã hội, bị gia đình từ chối, đe dọa bạo lực.
Nhưng chưa nghĩ đến hôn nhân không có nghĩa tôi không yêu đối tác của mình, hay tôi không thể có được một đám cưới đồng tính tuyệt vời. Có lẽ nếu đủ thời gian, ngân sách và có kế hoạch, cuối cùng tôi sẽ kết hôn".
"Bao giờ kết hôn" luôn là câu hỏi khiến nhiều người thấy áp lực. Ảnh: Canadian Press.
Trong khi những người dị tính áp lực khi bị gia đình thúc giục kết hôn, sinh đẻ, người đồng tính mang nỗi sợ sẽ phải kết hôn với một người khác giới để tránh né sự kỳ thị từ xã hội.
Để che giấu mình là người đồng tính, Xiaoxiong (41 tuổi, Trung Quốc) và bạn gái của cô là Xiaojing đã quyết định kết hôn giả với những người đồng tính nam. Từ năm 25 tuổi, cô đã ám ảnh khi liên tục bị gia đình giục lấy chồng.
Nhiều người trong cộng đồng LGBT ở các quốc gia còn tư tưởng kỳ thị đồng tính không tránh được nỗi sợ rằng họ buộc phải kết hôn, sinh con theo kỳ vọng của gia đình và xã hội.
Xiaoxiong và bạn gái sống cùng nhau ở Thẩm Dương, thành phố thuộc tỉnh Liêu Ninh. Những dịp lễ đặc biệt, hai người tách ra, đi cùng người chồng trên giấy tờ về quê nhà, làm một người vợ truyền thống.
Xiaoxiong và bạn gái không phải những phụ nữ đồng tính duy nhất tìm cách thoát khỏi sự thúc giục kết hôn của gia đình. Nhiều người cùng hoàn cảnh đã lập nhóm để tìm kiếm "chồng hờ" làm vỏ bọc để sống yên ổn trước xã hội đầy định kiến.
Những người đồng tính nam ở thành phố Gia Định (tỉnh Hải Nam) như Ah Tao (30 tuổi) thường xuyên nhận được những câu hỏi mang ý tò mò chuyện hôn nhân.
Áp lực chuyện gia đình, con cái luôn hiện hữu, nhắc nhở Ah Tao rằng anh đang sống "không vợ, không con".
Tại Trung Quốc, quan niệm gia đình truyền thống vẫn có ảnh hưởng sâu sắc trong xã hội. Với nam giới, họ cần có trách nhiệm kết hôn, sinh con nối dõi bằng mọi giá.
Ngoài ra, do lo sợ tuổi già không có người chăm sóc, nhiều người đồng tính nam chấp nhận kết hôn.
Không phải người đồng tính nào cũng muốn kết hôn
Theo New York Times, nhiều cặp đồng tính coi hôn nhân là thể chế lỗi thời. Ở những quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới như Mỹ, hôn nhân tạo ra cho các cặp đồng tính nhiều gánh nặng tài chính và vướng mắc pháp lý.
"Cũng giống như rất nhiều người dị tính từ chối hôn nhân, không phải tất cả người đồng tính đều muốn kết hôn", Steven Petrow bày tỏ.
Nhiều người đồng tính gắn bó với bạn đời và lựa chọn không tiến tới hôn nhân. Ảnh: Dreamstime.
Catharine Stimpson, cựu trưởng khoa tại ĐH New York, cho biết là một người đồng tính nữ, bà không có nhu cầu kết hôn với bạn gái của mình dù hai người đã sống cùng nhau 38 năm.
"Được phép lựa chọn kết hôn không có nghĩa chúng tôi phải làm điều đó", Stimpson nói.
Erin McKeown, nữ nhạc sĩ sống ở vùng nông thôn Massachusetts (Mỹ), và bạn gái của mình là Rybaczuk quyết định không sống chung. Họ thích những khoảnh khắc bên nhau nhưng đồng thời cần khoảng không gian riêng.
"Thay vì đi theo lối mòn là kết hôn, sống thử và có con, chúng tôi thích cuộc sống hiện tại. Với những người trẻ tuổi thuộc cộng đồng LGBT, hôn nhân là điều quan trọng, nhưng họ cũng cho rằng bản thân có quyền tự do không kết hôn".
John D'Emilio, nhà nghiên cứu về giới và phụ nữ tại ĐH Illinois, tuân theo quan điểm riêng của mình về hôn nhân với tư cách một người thuộc cộng đồng LGBT+. Dù đã bên cạnh người bạn đời của mình hơn 3 thập kỷ, ông không có ý định kết hôn.
Theo Zing