Cay cú, ăn vạ khách hàng, đập hoa, sang năm cũng không khá được

Tôi bán quần áo, bị ế cũng đành chịu, vậy mà người bán hoa ế lại "dằn mặt" khách bằng việc đập hoa, với lối "ăn vạ" như thế thì sang năm cũng không khá lên được.

Biện minh cho hành động phá hủy, đập bỏ những chậu hoa còn tươi đẹp vào chiều 30 Tết, nhiều tiểu thương cho biết họ làm vậy để ngăn chặn tình trạng ép giá trong ngày cuối cùng của năm cũ.

Họ trách những người đợi đến chiều 30 Tết mới đi mua hoa để hưởng mức giá rẻ là thiếu nhân văn, không có lòng trắc ẩn, không thương cảm cho nỗi khổ cực của người trồng hoa, bán hoa…

Việc nhắc đến lòng trắc ẩn khiến người ta dễ bị cuốn theo, bị đánh lạc hướng và trở nên thông cảm, cho rằng hành động đập bỏ hoa là đúng. Nhưng thật vô lý khi người bán hoa đổ lỗi cho khách hàng, muốn họ chịu trách nhiệm cho hành động xấu xí, phản cảm, phá hoại vẻ đẹp và sự văn minh chốn công cộng của mình.

Đã kinh doanh thì phải chấp nhận có lúc đắt hàng, có lúc ế ẩm. Buôn bán không hiệu quả thì chỉ có thể trách bản thân kém, không “mát tay”, hoặc cùng lắm là đổ cho thời vận.

Thật nực cười nếu nói rằng “tôi buôn bán thua lỗ là do khách hàng không thương xót tôi, không mua hàng cho tôi vào những ngày giá cả đắt đỏ nhất; tôi phản ứng tiêu cực khi bán ế cũng là tại họ”!

Cay cú, ăn vạ khách hàng, đập hoa, sang năm cũng không khá được-1
Bán ế, tiểu thương bỏ hoa ngổn ngang. (Ảnh: Lê Văn Ngọc)

Tôi cũng là người kinh doanh, chuyên bán quần áo, váy vóc, suốt năm qua buôn bán ế ẩm. Nhiều bạn bè tôi kinh doanh   các mặt hàng khác cũng gặp cảnh tương tự.

Làm gì có ai oán trách thiên hạ không mua hàng cho mình, bảo họ là không biết thương người! Làm gì có ai mang hàng hóa ra nơi công cộng phá hủy để thể hiện thái độ “hờn dỗi cả thế giới”!

Hoa cũng là một mặt hàng bình thường như bao mặt hàng khác, sao các bạn lại muốn được biệt đãi, bắt cộng đồng phải điều chỉnh hành vi mua bán để đảm bảo các bạn không bị thua lỗ?

Hơn nữa, chớ mặc định rằng ai đi mua hoa vào chiều 30 Tết cũng là vì ham rẻ hay muốn lợi dụng tình thế buộc phải xả hàng của tiểu thương.

Cuối năm, rất nhiều người bận tối tăm mặt mũi, đến nỗi phải tới trưa, chiều 30 Tết mới có thể chạy ù ra chợ để sắm thực phẩm, quà bánh và mua ít hoa về trưng Tết. Mưu sinh thì ai cũng vất vả vậy đó, đâu phải chỉ có người bán hoa đâu mà trách cứ nhau? 

Hoa ngày cuối cũng kém đẹp, kém tươi, ít lựa chọn tốt hơn những ngày 25 – 26 Tết, giá rẻ là đương nhiên, mua muộn cũng là thiệt thòi rồi.

Còn nữa, nhiều người chờ ngày cuối mới ra chợ hoa để được giá rẻ, vì họ không thể chi nhiều tiền hơn. Họ nghèo nhưng vẫn cố gắng để ngày Tết có hương sắc của hoa tươi, vậy cũng đáng trách, cũng có lỗi với người bán hoa sao?

Quả thật cũng một số người có điều kiện mua hoa sớm với giá cao hơn nhưng vẫn đợi đến thời điểm đại hạ giá. Đó là một trong những thực tế khó khăn mà người kinh doanh phải chấp nhận đối mặt.

Bạn có thể xóa bỏ tư tưởng đó bằng cách dứt khoát không bán dưới mức giá mình chấp nhận, chứ đừng “dằn mặt” cả cộng đồng bằng việc ra sức vặn đứt, xé nát, băm nhỏ những bông hoa đang khoe sắc trước mặt mọi người. Đó là hành vi xúc phạm.

Hơn nữa, cái kiểu cay cú, ăn vạ khách hàng bằng cách đập hoa này cũng không thể giúp việc kinh doanh các năm sau khá lên được. 

Theo VTC

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtc.vn/cay-cu-an-va-khach-hang-dap-hoa-sang-nam-cung-khong-kha-duoc-ar853322.html

hình ảnh phản cảm khách hàng

Tin tức mới nhất