Khu vực đóng quân ở thị trấn Landi Kotal, Pakistan có một cây đa rất nổi tiếng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người bản địa và du khách.

Quấn quanh cây đa này là những sợi xích khổng lồ, với mục đích ngăn chặn nó thoát ra ngoài. Trên thân cây, người ta đóng một chiếc bảng với dòng chữ: "Tôi bị bắt", nhằm nhấn mạnh rằng, cây đa này hoàn toàn không có tự do.

Chuyện kể rằng, vào năm 1898, một sĩ quan quân đội người Anh tên là James Squid say rượu, nghĩ rằng cây đứng trước mặt đang chạy về phía mình. Lo sợ cây sẽ đe dọa mình, viên sĩ quan liền ra lệnh cho binh lính bắt trói cây đa lại. Hơn 100 năm sau đó, cây vẫn bị xiềng xích bởi cơn say rượu của người sĩ quan.

Cây đa tù tội bị bắt giữ hơn một thế kỷ chưa được thả xích-1

Tuy nhiên, người dân ở Landi Kotal lại không nghĩ như vậy. Một người dân sống trong khu vực đóng quân nói trên Tribune: "Thông qua hành động này, người Anh muốn cảnh báo chúng tôi rằng, nếu các bộ lạc dám hành động chống lại, họ cũng sẽ bị chịu sự trừng phạt tương tự".

Nhiều người cũng cho rằng, cây bị giam cầm là một câu chuyện ngụ ngôn, nói về sự hà khắc của đạo luật mà người Anh đã ban hành trong thời kỳ thuộc địa. Trong đó, luật pháp cho phép chính phủ được phép trừng trị bộ tộc hoặc gia đình nếu có cá nhân nào đó phạm tội.

Cây đa tù tội bị bắt giữ hơn một thế kỷ chưa được thả xích-2

Ngày nay, đạo luật FCR này vẫn tồn tại ở Landi Kotal, một thị trấn nhỏ nằm trong Các khu vực Hành chính Bộ lạc liên bang (FATA), tây bắc Pakistan. Theo đó, người dân không được quyền kháng cáo, quyền được đại diện pháp lý và quyền trình bày những bằng chứng.

Luật pháp quy định các cư dân ở đây có thể bị bắt mà không cần điều tra xem có phạm tội hay không, và chính phủ liên bang có quyền tạm giữ tài sản riêng của người phạm tội. Đây là một trong những điều luật được nhiều tổ chức trên thế giới phản đối, miêu tả là "vi phạm trắng trợn các quyền cơ bản của con người".

Năm 2008, Thủ tướng Pakistan bày tỏ mong muốn chính phủ chấp nhận yêu cầu bãi bỏ luật lệ hà khắc này nhưng không thành công. Tuy nhiên trong năm 2011, luật FCR đã được nới lỏng hơn như người phạm tội được phép tại ngoại, chính phủ sẽ phải bồi thường nếu truy tố sai. Phụ nữ, trẻ em và người già cũng được nương nhẹ hơn.

Theo VietNamnet