Dược sĩ Phan Quốc Kinh, "cha đẻ" của thuốc này, vừa qua đời ngày 17/8 ở tuổi 83.
Trước đó, kể về sự ra đời của loại thuốc này, dược sĩ Phan Quốc Kinh cho biết, những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, người dân Việt Nam còn phải gánh chịu hậu quả của dịch lỵ nguy hiểm.
Dược sĩ Phan Quốc Kinh, "cha đẻ" của thuốc Berberin vừa qua đời.
Dịch lỵ lan nhanh ở các tỉnh đồng bằng, miền núi, nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy liên tục đến kiệt sức rồi tử vong.
Đầu năm 1972, lãnh đạo Bộ Y tế dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn và Giáo sư Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức họp khẩn cấp các nhà y dược học để bàn biện pháp dập tắt dịch.
Hội nghị đã vạch ra cụ thể các biện pháp hữu hiệu để phòng và chống dịch lỵ nguy hiểm này như: các biện pháp xử lý môi trường, phác đồ điều trị, cấp cứu mà trong đó cốt lõi nhất là phải có thuốc đề phòng và điều trị lỵ do vi khuẩn amip gây ra.
Lúc đó dược sĩ Phan Quốc Kinh 35 tuổi, đứng lên thay mặt cho trường Đại học Dược Hà Nội xin nhận nhiệm vụ này và hứa sẽ cung cấp đủ thuốc cho Bộ sau 6 tháng.
Sau 10 ngày, hàng trăm bài thuốc nam điều trị lỵ được đưa về và nhóm của ông đã chọn ra hơn 20 cây thuốc có khả năng chống vi sinh vật gây bệnh lỵ. Bắt tay ngay vào việc thu hái dược liệu ở Sa Pa (Lào Cai), nhóm chế ra được 2 loại thuốc: Codanxit, Berberin clorid.
Sau 3 tháng, với sự nỗ lực của nhóm các nhà khoa học Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… Dược sĩ Phan Quốc Kinh đã nghiên cứu thành công thuốc dập bệnh lỵ.
2 loại thuốc đó là Berberin (chiết xuất từ hoàng liên gai, hoàng bá) và Codanxit (chiết từ cây hoằng đằng và cỏ sữa lá lớn), có tác dụng chống lại các vi khuẩn gây bệnh và chống lại amip gây dịch lỵ.
Giáo sư Tôn Thất Tùng đã sử dụng cho bệnh nhân ở bệnh viện Việt Đức và trên chính bản thân ông, kết quả đều rất tốt. Ngay lập tức, hai loại thuốc trên đã được sản xuất ở quy mô rộng để đáp ứng nhu cầu cấp thiết lúc bấy giờ và dập tắt dịch lỵ.
Trong suốt quãng thời gian cống hiến cho nền Y Dược học nước nhà, Dược sĩ Phan Quốc Kinh và các cộng sự đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất gần 20 loại thuốc từ nguyên liệu Việt Nam.
Ông còn có vinh dự được phân công bào chế thuốc bổ, tăng cường sinh lực cho lãnh tụ Cách mạng Lào Kaysone Phomvihane, giúp đỡ ngành Dược Campuchia sản xuất thuốc Berberin từ cây vàng đắng.
Nhiều công trình nghiên cứu của TS. Phan Quốc Kinh đã được công bố trong các tạp chí khoa học của Liên Xô, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ.
Những điều ít người biết về thuốc Berberin
Berberin là loại thuốc có hoạt tính kháng sinh chống viêm. Berberin có nguồn gốc thảo dược, được chiết xuất từ rễ và thân cây vàng đắng.
- Công dụng
Berberin điều trị nhiễm khuẩn đường ruột và không làm ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của hệ vi khuẩn có ích ở ruột. Một số kháng sinh đường ruột nếu dùng phối hợp với berberin sẽ hạn chế được tác dụng phụ gây ra bởi các thuốc kháng sinh đối với hệ vi sinh vật đường ruột.
Thuốc Berberin được chỉ định điều trị với hội chứng lỵ, bệnh lỵ trực khuẩn, tiêu chảy, viêm ruột, viêm ống mật.
Berberin còn được bào chế thành thuốc nhỏ mắt điều trị viêm kết mạc, đau mắt đỏ do kích thích bên ngoài như (gió, nắng, lạnh, bụi, khói...) và điều trị bệnh đau mắt hột. Ngoài ra, thuốc còn giúp ngăn ngừa nhiễm nấm, bội nhiễm nấm và có tác dụng chống lại tác hại của vi khuẩn tả và E.coli ngoại độc tố bền với nhiệt.
- Liều dùng
Người lớn: bạn uống 4-6 viên 50mg hoặc 1-2 viên 100mg mỗi lần, 1 ngày 2 lần.
Trẻ em: tuỳ theo độ tuổi của trẻ mà bạn cho trẻ dùng từ 1/2-3 viên 50mg mỗi lần, 1 ngày 2 lần.
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc. Thời gian dùng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, tình trạng nhiễm khuẩn hay nhiễm amib, sẽ do bác sĩ điều trị quyết định.
- Cách dùng
Bạn nên uống thuốc một lần vào buổi sáng trước bữa ăn, và một lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Khi uống, nếu có dùng thêm thuốc khác, bạn nên uống cách xa 1-2 giờ.
Bạn không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định. Sử dụng thuốc quá liều sẽ gây hại tới vị do tính quá hàn của berberin, làm cho tiêu hóa kém đi. Lúc này, bạn ngừng dùng thuốc và uống gừng hoặc viên gừng.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, bạn hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
Theo Dân Việt