90% những người bị viêm dạ dày là do vi khuẩn HP gây nên, nó cũng là nguyên nhân của viêm loét và ung thư dạ dày. Vi khuẩn này có nhiều trong nước bọt, trong mảng cao răng... nên rất dễ lây sang người khác do thói quen ăn uống, sinh hoạt.
Với thói quen ăn uống của người Việt, đa phần các bữa ăn không thể thiếu nước mắm. Hầu hết mọi người đều chấm. Trong trường hợp gia đình có một người bị viêm loét dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP, khi cả nhà cùng chấm ngập bát nước mắm, những người khác sẽ bị lây.
Hoặc khi đi ăn đám cưới, 10 người xa lạ cùng ngồi vào một mâm, cũng dùng chung bát nước chỉ cần một người bị nhiễm, 7-8 người kia chắc chắn bị theo. Thậm chí, khi đi ăn bún, phở, cơm cháo ngoài nhà hàng, 100 người uống chung một ly nước.
Chấm chung nước mắm có thể lây vi khuẩn HP. Ảnh: Sơn Trà.
Nhiều người thắc mắc: "Chồng tôi bị viêm loét dạ dày nhưng tại sao tôi không bị?". Trong trường hợp này, nếu người chồng viêm loét dạ dày không phải do nhiễm khuẩn HP thì sẽ không lây cho vợ.
Ngược lại, khi xét nghiệm có HP, người vợ nhất định sẽ mắc bệnh tương tự. Khi mới bị nhiễm con vi khuẩn này thường không có triệu chứng, chỉ có một số người sẽ cảm thấy đầy bụng, buồn nôn, chán ăn gây nên viêm cấp tính dạ dày rồi chuyển sang viêm mãn tính. Khi các ổ viêm loét đã bị tổn thương, nó sẽ ăn sâu vào các niêm mạc và các mạch máu gây ra xuất huyết dạ dày đi ngoài ra máu, nếu nó ăn sâu qua thành niêm mạc sẽ gây thủng dạ dày và gây ra viêm phúc mạc và các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Chuyện ăn uống vốn là chuyện tế nhị và khó thay đổi. Nhưng thói quen chấm chung nên thay đổi để tránh các nguy cơ lây bệnh. Chúng ta nên dùng mắm, đũa, vá riêng để múc thức ăn chung trong đĩa lớn. Điều này trong mắt nhiều người có thể là bày vẽ kịch cỡm nhưng rất có ý nghĩa về vệ sinh ăn uống.
Bởi những thói quen tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là mầm mống lây nhiễm bệnh tật. Muốn diệt HP đầu tiên phải diệt lối ăn uống cũ, nếu không ai cũng có thể lây bệnh.
Theo Zing