Ngày 3/6, Cục quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an đã có buổi làm việc với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh về hệ thống phần mềm quản lý tăng ni, phật tử.
Tại buổi làm việc, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 khẳng định: Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng với lực lượng Công an nhân dân trong việc giữ gìn, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, tuyên truyền các chư vị phật tử tuân thủ quy định pháp luật nhà nước, tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm tại nơi cư trú.
Bộ Công an luôn trân trọng và ghi nhận những đóng góp trên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 phát biểu. (Ảnh: Trọng Phú)
Trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay, để giảm công việc hành chính cho các chư vị tăng ni, giúp nâng cao hiệu quả công việc, hỗ trợ phương thức trực tuyến giảng pháp đến công chúng, qua đó góp phần vào khối đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, cùng với chính quyền các cấp xây dựng phát triển đất nước văn minh, Bộ công an đã phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý tăng ni, phật tử.
Hệ thống quản lý tăng ni, phật tử gồm có các phân hệ sau: Ứng dụng di động cho phật tử (đăng nhập thông qua VneID, đăng ký ghi danh phật tử, đăng ký quy y tam bảo, nghe giảng pháp online…); Phần mềm quản lý tăng ni (quản lý, thống kê danh sách tăng ni, phật tử, hồ sơ cập nhật thông tin tăng ni, hồ sơ xuất gia…); Phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo (hồ sơ thụ giới tỷ khiêu/tỷ khiêu ni; Hồ sơ thụ giới sa di/sa di ni, hồ sơ thuyên chuyển nội tỉnh…).
Lực lượng chức năng hướng dẫn tăng ni sử dụng phần mềm quản lý tăng ni, phật tử. (Ảnh: Trọng Phú)
Bên cạnh việc giúp cho tăng ni, phật tử dễ dàng tra cứu thông tin và thực hiện nhiều thủ tục, hệ thống phần mềm quản lý tăng ni, phật tử còn giúp cho người dân dễ dàng nhận diện các đối tượng giả làm tăng ni, “núp bóng” phật giáo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Thời gian vừa qua nổi lên các vụ án như: Tịnh Thất Bồng Lai, hay người đàn ông tự xưng là Đại đức Thích Tâm Phúc…
Trao đổi về vấn đề này, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng C06 nhấn mạnh, với phần mềm quản lý tăng ni, phật tử, người dân sẽ dễ dàng xác định được đâu là các đối tượng giả mạo, lừa đảo:
“Ngày nay, một số đối tượng mạo danh là tăng ni, phật tử mượn bóng nhà chùa để lừa đảo. Hệ thống quản lý xuyên suốt sẽ khẳng định người này tu ở đâu, theo tôn giáo nào.
Khi đã được ghi danh, quản lý trên hệ thống rồi thì không thể có việc những nhóm đối tượng lợi dụng tôn giáo để lừa đảo người dân, hoặc giả danh làm từ thiện. Tất cả những nội dung này khi chúng ta đã đưa quản lý vào hệ thống, chúng ta sẽ khắc phục được những tồn tại đó”.
Cũng nói về vấn đề này, Thượng tọa Thích Minh Trí, Tổ phó Thường trực của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về chuyển đổi số khẳng định, việc quản lý tăng ni, phật tử không chỉ có lợi cho Phật Giáo mà còn có lợi cho toàn xã hội:
“Hiện nay, quản lý số đối với tăng ni thì mọi việc sẽ rất rõ ràng. Vì ai cũng có mã số định danh, ngoài mã số định danh của công dân còn có mã số định danh của người xuất gia.
Bất kể anh đi đâu, người khác có thể biết anh là người xuất gia hay không phải người xuất gia. Điều này không chỉ thuận lợi cho Phật Giáo mà còn có lợi cho toàn xã hội, để giữ gìn an ninh trật tự chung cho toàn xã hội”.
Thời gian tới, C06 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thí điểm các chức năng của phần mềm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, thân thiện, tiện lợi nhất cho người sử dụng tại các tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên, trước khi triển khai mở rộng trên toàn quốc.
Theo VOV