Theo kế hoạch ban đầu, đảm nhận trọng trách cầm Quốc kỳ dẫn đầu phần diễu hành của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024 là 2 tuyển thủ Lê Đức Phát (cầu lông) và Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung).

Hai chân dung vàng

Tuy nhiên, do cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt bận tập trung chuẩn bị cho việc thi đấu buổi sáng ngay sau lễ khai mạc, đoàn TTVN đã quyết định chọn nhân sự thay thế bằng nữ cua-rơ Nguyễn Thị Thật.

Chỉ là một nghi thức thuần túy tại lễ khai mạc các sự kiện thể thao lớn, thế nhưng cầm quốc kỳ dẫn đầu đoàn thể thao quốc gia vừa là nhiệm vụ vừa là vinh dự lớn lao cho những vận động viên được giao trọng trách này.

Cả thế giới sẽ dõi theo những người cầm quốc kỳ, để có được hình dung ban đầu về diện mạo, thành tích của cả đoàn thể thao trong suốt đại hội.

Tay vợt cầu lông 26 tuổi Lê Đức Phát của đoàn TTVN với chiều cao 1,8 m và có lẽ đây là một trong những yếu tố quan trọng để chàng sĩ quan mang cấp hàm trung úy của Trung tâm TDTT Quốc phòng 2 (Quân khu 7) được chọn làm người cầm cờ.

Thành tích của Lê Đức Phát cũng đáng chú ý, đủ để anh tự tin dẫn đầu đoàn TTVN khi xếp hạng 70 thế giới nội dung đơn nam và xếp hạng 34 toàn vòng loại Olympic Paris 2024.

Chân dung 2 tuyển thủ cầm Quốc kỳ Việt Nam tại Olympic-1
Lê Đức Phát (trái) và Nguyễn Thị Thật sẽ đảm nhận trọng trách cầm Quốc kỳ Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Paris. (Ảnh: NAM ĐINH)

Từ năm 2022 đến nay, Lê Đức Phát là tay vợt nam số 1 Việt Nam. Anh là VĐV duy nhất của thể thao Quân đội tham gia tranh tài tại Olympic Paris 2024, cũng là tay vợt nam cầu lông thứ hai trong lịch sử thể thao Việt Nam, sau người thầy, người đàn anh Nguyễn Tiến Minh góp mặt ở những ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh bằng suất chính thức.

Được chọn thay thế cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt, cua-rơ Nguyễn Thị Thật là chiến binh kỳ cựu của làng xe đạp chuyên nghiệp Việt Nam.

Tay đua nữ sinh năm 1993 này chính là VĐV Việt Nam đầu tiên giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Cô từng mang về HCV đầu tiên cho xe đạp Việt Nam tại đấu trường SEA Games, nội dung đường trường đồng hàng nữ.

Nguyễn Thị Thật cũng đã mang về 3 HCV nội dung đường trường nữ châu Á cùng HCB tại đấu trường Asian Games. Cô đến Paris sau khi vừa tham gia hàng loạt giải đấu lớn tại châu Âu, mới nhất là giải đua lừng danh Giro d'Italia.

Tại Olympic Paris, cô cua-rơ quê An Giang sẽ thi đấu nội dung xuất phát đồng hàng của xe đạp đường trường nữ.

Khai mạc Olympic trên sông

Nếu như 3 năm trước, lễ khai mạc Olympic Tokyo diễn ra tại cầu trường không một bóng khán giả giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội thì lần này, Olympic Paris sẽ tiếp tục đi vào lịch sử khi lần đầu tiên, lễ khai mạc Thế vận hội không được tổ chức trong khuôn viên một sân vận động cụ thể.

Theo tổng đạo diễn Thomas Jolly, lễ khai mạc Thế vận hội tại một trong những thành phố lãng mạn nhất hành tinh phải diễn ra trong bối cảnh độc đáo, giúp du khách và khán giả truyền hình trên toàn cầu sẽ được ngắm một Paris đầy chất thơ vào buổi hoàng hôn, một lễ khai mạc được tổ chức trên dòng sông Seine nổi tiếng giữa lòng thủ đô nước Pháp.

Lễ khai mạc Olympic Paris sẽ bắt đầu từ 19 giờ 30 phút ngày 26-7 (giờ địa phương). Khoảng 7.000 vận động viên đại diện cho 206 đoàn thể thao các quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ ngồi thuyền chạy dọc một đoạn sông Seine dài khoảng 6 km, từ cây cầu Austerlitz nổi tiếng đến tháp Eiffel huyền thoại. Hai tuyển thủ Nguyễn Thị Thật và Lê Đức Phát không phải đi mà đứng đầu mũi thuyền cầm Quốc kỳ Việt Nam. 

Theo Người Lao Động