Sống trong rừng sâu, Hadzabe là bộ lạc duy nhất ở châu Phi vẫn còn duy trì lối sống săn bắn hái lượm như tổ tiên loài người cách đây hàng ngàn năm. 

Người Hadzabe sống trong những túp lều nhỏ và thấp làm bằng cành lá cây khô. Khu vực sống của họ có rất nhiều loài cây và động vật mang lại nguồn thức ăn nuôi dưỡng cả một cộng đồng. 

Cây bao báp với kích thước khổng lồ cũng là một nguồn thức ăn và dự trữ nước cho người Hadzabe. Đó là lý do người ta gọi cây bao báp là cây của sự sống. Những ngày đi săn không thành công, họ sẽ ăn quả của cây bao báp, trái cây rừng và các loại lá cây.

Chàng trai Việt đi săn cùng bộ lạc săn bắn hái lượm duy nhất ở châu Phi-1
Rừng cây bao báp ở Tanzania - nơi vẫn còn bộ lạc săn bắn hái lượm duy nhất ở châu Phi

Những người đàn ông Hadzabe có kỹ năng săn bắn rất giỏi. Theo chân họ, Thanh Quốc đã chứng kiến cảnh săn linh dương diễn ra chỉ trong chớp mắt.

Những cuộc đi săn của người Hadzabe thường diễn ra vào buổi tối hoặc sáng sớm. Trên đường đi, họ thường bắn chim bằng cung tên để kiếm thêm chút thức ăn cho cộng đồng của mình. Mỗi mũi tên được bắn ra, dù có văng đi rất xa, họ cũng luôn nhặt lại để dùng tiếp cho những lần sau.

Vào mùa mưa, khu vực nơi bờ sông cũng là địa điểm quen thuộc để săn mồi bởi các loài động vật thường đến đây uống nước. Càng đi xa khỏi cộng đồng mình sống, người Hadzabe càng có cơ hội săn được nhiều hơn. Có những chuyến đi săn phải đi tới 20km mới có thành quả mang về.

Chàng trai Việt đi săn cùng bộ lạc săn bắn hái lượm duy nhất ở châu Phi-2
Khu vực bộ lạc Hadzabe sinh sống (màu vàng)

Việc người Hadzabe được phép săn linh dương cũng là một câu chuyện dài của lịch sử. Năm 1971, Tanzania có chương trình thống nhất các bộ lạc, trong đó các bộ lạc được đề nghị lại gần khu vực trung tâm để chung sống cùng nhau.

Sau nhiều lần di chuyển, người Hadzabe vẫn quay trở lại rừng sâu. Họ cho rằng cuộc sống hiện đại không phù hợp với truyền thống, văn hóa của mình.

Từ đó, Chính phủ đồng ý với mong muốn của bộ tộc này, kèm theo điều kiện: Chỉ được phép đi săn trong phạm vi giới hạn, không được khai thác ở những khu bảo tồn. 

Ngoài ra, họ không được phép săn bắn 5 loài động vật quý hiếm gồm: Sư tử, voi, báo đốm, tê giác và trâu rừng.

Chàng trai Việt đi săn cùng bộ lạc săn bắn hái lượm duy nhất ở châu Phi-3
Giữa hàng ngàn dấu chân trên cát, người Hadzabe vẫn phát hiện được dấu chân của con mồi

Mỗi khi đi săn, những người đàn ông thường dắt theo hàng chục con chó. Đàn chó sẽ giúp làm phân tán sự chú ý của con mồi để thợ săn dễ bề tấn công. 

Khi phát hiện ra dấu chân của con mồi trên cát, những người đàn ông này thảo luận đường đi của nó, lần theo và dùng cung tên bắn. 

Chỉ một loáng sau, Quốc đã thấy người đàn ông mang về con linh dương vừa bắn được. Họ nhanh chóng làm thịt, loại bỏ lông, da và phần ruột của con vật. 

Họ nhóm lửa theo cách cổ xưa là dùng 2 cây gỗ. Một cây gỗ mềm được đục lỗ trên thân, sau đó họ đặt một đầu của chiếc que gỗ cứng vào lỗ.

Bằng cách dùng lực tay, họ xoay thật nhanh và mạnh que gỗ cứng. Khói bắt đầu bốc lên. Vụn lá khô được đặt vào, nhờ những cơn gió tự nhiên, lửa được tạo ra. 

Chàng trai Việt đi săn cùng bộ lạc săn bắn hái lượm duy nhất ở châu Phi-4
Người Hadzabe vẫn tạo lửa theo cách tổ tiên truyền lại

Họ lấy một chút thịt từ con linh dương để nướng tại chỗ, không cần bất cứ gia vị nào. Phần còn lại, họ phơi lên cây để mang về cho cộng đồng của mình đang chờ ở nhà. 

“Cái tài của họ là khả năng bắn cung chính xác và phát hiện con mồi bằng cách nhìn dấu chân trên cát, trong khi có hàng ngàn dấu chân giống nhau mà người bình thường không phân biệt nổi” – Quốc nói.

“Người ta nói văn hóa thì luôn đẹp. Những người Hadzabe đang sống đúng như văn hóa, truyền thống của họ, giống như tổ tiên họ cách đây hàng nghìn năm”.

Chàng trai Việt đi săn cùng bộ lạc săn bắn hái lượm duy nhất ở châu Phi-5
YouTuber Kẻ du mục trải nghiệm đi săn cùng người Hadzabe

Theo VietNamnet