"Bà ơi cho con 2 bát cháo mang về", "Bà ơi cháu lấy đĩa lòng nhiều rau thơm nhé", "Cho tôi nửa bát cháo với cốc trà xanh"...
Chưa đến 12 giờ trưa mà con ngõ nhỏ số 18 Lò Sũ đã đông vui như hội làng. Con ngõ nằm lọt thỏm giữa cái khách sạn và nhà hàng tráng lệ, chỉ đủ một người đi qua, trần thấp tẹt, những bức tường loang lổ cũ kỹ phản chiếu lại ánh nắng chói chang.
Trong con ngõ cổ kính đầu phố Lò Sũ, người ta đã quá quen với cụ bà bên rổ lòng dồi.
Đối diện với dãy công tơ điện to như hầm tránh bom là mấy chiếc rổ đựng lòng tràng luộc sẵn, trắng nõn, đặt trên cái bàn inox. Một bà cụ đứng lom khom cắt lòng ra đĩa. Trông cụ già lắm rồi mà vẫn nhanh nhẹn vô cùng, khách gọi gì cũng chuẩn bị đâu ra đấy, cứ đi vào lại đi ra trong con ngõ sâu hút.
Đấy là cụ bà Phạm Thị Tiền (85 tuổi), chủ nhân hàng cháo lòng, bún đậu ngót 30 năm tuổi trong ngõ 18 Lò Sũ. Nửa năm trước, cụ còn bày lòng luộc ra ngoài vỉa hè cho khách dễ thấy, nhưng bây giờ chỉ treo vỏn vẹn tấm biển nhỏ "Cháo lòng bà Tiền" ngoài gốc cây. Khách muốn ăn thì gửi xe trên vỉa hè, rồi đi bộ vào sâu trong ngõ.
85 tuổi rồi nhưng cụ Tiền vẫn tự tay phục vụ khách hàng.
Nhiều thế hệ người Hà Nội đã gắn bó với hàng cháo lòng, dồi rán của cụ Tiền suốt 3 thập kỷ qua.
Nếu từng ăn ở đây một lần, chắc chắn sẽ ấn tượng khó quên bởi hàng cháo lòng cũ xưa này có chỗ ngồi ăn khá độc đáo.
Trong khu tập thể cũ xây chia ô nhỏ như tổ ong, sẽ có vài căn phòng xen kẽ nhau bày bàn ghế, trải chiếu dưới sàn rất sạch sẽ. Đấy là các phòng dành cho khách tới ăn cháo. Còn những căn phòng khác xung quanh, nhớ để ý cho khéo, không lại đi nhầm vào nhà hàng xóm của bà Tiền!
Muốn ăn ở đây thì phải chịu khó len vào sâu trong ngõ, tầng 1 kín chỗ thì chịu khó leo lên tầng 2.
Từ sáng đến chiều, quán lúc nào cũng đông nghịt khách, nhiều người "nghiện" món lòng tràng ở đây đến nỗi ngày nào không ăn là cảm thấy bứt rứt.
Tầm 11h trưa, bàn nào cũng chật ních.
Con ngõ bé tí teo mà mát như tủ lạnh. Tranh thủ vãn khách, cụ Tiền ngồi nghỉ, uống ngụm chè tươi. Mời tôi ăn miếng mít, bà cười tươi rói, khoe hàm răng đều tăm tắp, rụng mỗi chiếc hàm trên bên phải.
"Tôi là gái làng Chuông, Hà Tây cũ, nhà cố nông, nghèo lắm. 15, 16 tuổi làm du kích, sau chuyển sang làm cán bộ huyện Thanh Oai. Số tôi cũng nhiều cái lận đận, 2 lần đò, được cái bù đắp là ông nhà đây hiền lành, thương vợ con, chăm chỉ làm việc, sống tình nghĩa.
Cái ngõ này có 5 nhà tất cả, hồi xưa chồng tôi làm chủ nhiệm HTX mực in nên được phân nhà trong dãy này, chia căn bé lắm, tôi mở quán cháo đến bây giờ phải thuê lại mấy nhà.
Khách cứ hay hỏi sao mỗi lần đến lại ngồi một chỗ khác nhau, không thuê hẳn mấy nhà liền nhau rồi sửa lại quán to hơn. Làm gì có nhiều tiền đâu, mà toàn nhà cũ cả rồi, giờ dỡ ra nhỡ sập...".
Không gian chật chội nên gia đình bà Tiền tận dụng mọi góc tường để đặt bếp, chế biến đồ ăn.
Một đĩa lòng dồi thập cẩm luộc rán thế này có giá 50 ngàn đồng, đủ cho 2 người ăn no bữa trưa...
Nước chấm, mắm tôm ở đây ngon và sạch đến nỗi khách ăn chấm còn... nhiều hơn cả lòng.
Chồng bà Tiền mất cách đây đã lâu, 2 ông bà có với nhau 6 mặt con thì 1 người chết trẻ, hiện tại còn 1 người con trai và 4 cô con gái. Cô Minh - con gái lớn của bà đã ngoài 50, nhưng khuôn mặt nhìn trẻ trung chẳng khác gì bà.
"Ngày xưa mẹ tôi bán nhiều thứ lắm, đủ các nghề, từ bánh mì, bún ngỗng, mía, ốc vặn... rồi bán cả phụ tùng trên phố Huế, nhặt giấy bồi phơi sông. Sau bán cháo lòng thì thấy ổn định, khách đông, nên quyết định chuyển hẳn sang. Mẹ tôi truyền nghề cho các con gái, con dâu, bây giờ có cả cháu nội cháu ngoại rồi, cũng được 3 thế hệ nối tiếp".
Nhắc đến món cháo lòng đậu xanh được ưa chuộng nhất tại quán, cô Minh cười bảo, vốn dĩ món ấy chẳng ai nghĩ ra cả, một hôm có vị khách cho miếng dồi vào bát cháo, chẳng may bục vỏ, đậu xanh rơi ra ngoài, khách ăn thử thấy ngon nên bảo bà Tiền hay là nấu đỗ xanh vào cháo lòng luôn. Chẳng ngờ, nó lại trở thành "best- seller" ở quán.
20 ngàn là đủ một bát no bụng, mát ruột trong ngày hè nóng nực, nhưng muốn đầy đặn ngon hơn thì nên gọi bát 25 hoặc 30 ngàn.
Một ngày, quán cháo bà Tiền bán hết 1 nồi gần 5kg gạo.
Có người mua cháo không, có người mua ăn kèm với dạ dày, lòng, tràng tùy ý thích.
Gánh cháo nhỏ đã nuôi sống qua 3 thế hệ, nổi danh phố cổ nhờ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ này.
Hơn 50 năm sống trong con ngõ bé tí, 30 năm bán lòng, những người phụ nữ trong gia đình bà Tiền đã quen với những mẹt rau sống, lòng luộc, nồi cháo đậu xanh nghi ngút sớm chiều. 11 giờ trưa mới bắt đầu có khách tới đông, nhưng từ 4 - 5 giờ sáng bà đã lục đục dậy, cùng các con chuẩn bị nguyên liệu.
Một ngày quán cháo bà Tiền bán hết khoảng 200 – 300 bát, lòng dồi khoảng chục bộ. Ngoài món cháo lòng đậu xanh trứ danh, ở đây còn bán cả bún đậu mắm tôm rất ngon, lúc nào cũng tấp nập khách đến tận 10 giờ tối.
Những vị khách quen thuộc của quán cháo là dân văn phòng ở khắp các con phố gần Lò Sũ. Thậm chí, có người ở tận mạn Long Biên, Cầu Giấy... cũng cất công đến tận con ngõ tí hon ấy để được thưởng thức món ăn dân dã quen thuộc do bà cụ vui tính làm ra, hương vị vẫn quyến rũ ngon bùi như ngày đầu tiên.
Cụ Tiền bảo: "Ngày xưa nghèo lấy đâu ra nhiều thịt thà mà ăn, có miếng tràng non cổ hũ là sang lắm rồi đấy. Cái món cháo lòng này vốn tôi cũng đi học mót đấy, vừa kiên trì vừa có tâm mới được như bây giờ.
Xung quanh đây, đầu phố một hàng cháo, bên kia đường cũng cháo, cạnh nhà cũng có người từng mở hàng bán giống y mình luôn, nhưng tôi vẫn trụ được vì tôi luôn tâm niệm làm đồ ăn phải sạch sẽ, giá cũng rẻ thôi, vì toàn món bình dân cả. Hồi đầu có 2 hào 1 bát cháo thôi, mấy chục năm mới lên 20 - 30 nghìn như bây giờ".
"Nhiều khách đến đây ăn chỉ là phụ, lúc nào cũng muốn gặp tôi, hỏi bà Tiền bằng được dù chỉ dăm ba câu chào".
Nhiều năm trước, khi còn khỏe mạnh hơn bây giờ, sáng nào bà cũng cần mẫn ngồi ở vỉa hè trước ngõ, bên quầy hàng con con, nếu không bán hết, buổi chiều bà quẩy gánh sang phố Hàng Tre. Hỏi người dân trên phố ấy về cụ bà bán lòng luộc, chắc chắn có khối kỉ niệm hay ho mà họ vẫn nhớ.
Đến tuổi gần đất xa trời, bà Tiền chẳng có ước mong gì nữa, bà hài lòng với tất cả, vì con cái đã trưởng thành có hiếu với bà, quán cháo cũng luôn đắt khách, chưa một ngày đìu hiu.
Hàng trăm nghìn người từng đi qua con ngõ 18 Lò Sũ còn yêu mến bà Tiền vì hiếm có chủ quán nào thân thiện như bà, khách tới ăn còn kéo cả vào phòng, trò chuyện, xem ảnh ngày xưa, nhấp vài ba chén trà đàm đạo như cố nhân.
Và rất nhiều người đã phải tròn mắt ngạc nhiên khi biết, cụ bà tóc bạc rụng gần hết đầu ấy có sở thích là... nhảy hip hop, bà còn biết làm cả những động tác khó mà thanh niên trẻ khỏe chưa chắc đã "biểu diễn" được!
Ngồi hết cả một buổi trưa tôi mới đứng dậy ra về. Bà cụ lúc lắc cái búi tóc giả đằng sau, vừa tiễn vừa kể nốt chuyện phiếm: "Mấy năm trước tóc tôi còn dài chấm lưng, xong con gái tôi cắt hộ, cắt thế nào hết cả tóc, nhìn buồn cười quá nên tôi mới phải dùng cái búi giả này, trông đẹp chứ cô?".
Theo Tri Thức Trẻ