Trong vòng chưa đầy 20 giờ đồng hồ, câu chuyện hẹn hò của một nữ sinh viên đã thu hút được tới hơn 22.000 lượt thích, 5.900 bình luận và hơn 1000 chia sẻ.
Qua nội dung bài tâm sự được đăng, cô bé sinh viên năm nhất kể về buổi đầu làm quen với một anh sinh viên năm 4 có ngoại hình ổn, chịu khó và đặc biệt là vừa làm vừa học, tự kiếm tiền chi trả cho việc học. Như vậy là cũng khá “chuẩn” để làm quen, tìm hiểu. Mọi chuyện đều rất hoàn hảo cho tới khi… trả tiền.
Một ngày đi chơi của chàng và nàng:
Ăn cơm: tổng cộng hết 178K, chàng trai đưa 180k và cố đợi nhân viên để lấy lại 2K tiền thừa.
Uống trà sữa: 49K, chàng trai đưa 50K và 4K để lấy lại được 1K tiền dư.
Chốt ngày bằng việc đi xem phim và rủi thay lại… thừa 2K và chàng trai vẫn kiên trì lấy lại số tiền lẻ.
Xem phim xong, chàng trai đưa cô gái về và nhận được lời trách cứ về việc sân si mấy đồng tiền lẻ không cần thiết, học kinh tế lại không biết tính toán. Nhưng điều khiến cư dân mạng bất ngờ chính là câu trả lời của anh chàng: “Người ta có công ăn việc làm, có người trả lương cho người ta rồi, anh lấy mấy đồng lẻ ấy sau này cho người vô gia cư với ăn xin. Cũng là cho nhưng cho như vậy có phải hay hơn không”.
Kết quả là sau lần hẹn hò “đầu kiêm cuối” đó, cô nàng chính thức “không tiếp chuyện” anh chàng một lần nào nữa.
Nguyên văn câu chuyện của nữ chính chia sẻ như sau:
“Em năm nhất bên ***, có 1 anh năm tư bên NEU tán em, nói sơ qua thì ngoại hình anh cũng ổn, cũng cao, không béo không gầy, về học thức thì anh này năm cuối nhưng vừa làm vừa học, cũng tự kiếm được tiền để chi trả cho việc ăn học của anh ở trên này... Anh ấy mới làm quen em 1 tháng trước và hôm chủ nhật vừa rồi là lần đầu tiên 2 đứa đi chơi với nhau...
Đầu tiên là 2 đứa đi ăn cơm... Em sẽ bỏ qua đoạn ăn cơm mà đến đoạn thanh toán luôn. Lúc thanh toán hết 178K, em thấy anh ấy đưa 180K xong em nghĩ là thôi 2K lấy làm gì vì bạn nhân viên kêu không có tiền lẻ, chờ tí bạn ấy đi lấy tiền lẻ trả cho. Vậy mà anh ấy đứng đấy, chờ trả 2K bằng được xong còn bảo:
- Bạn nhanh giúp mình nhé, mình đi có việc bây giờ.
Ôi dào, bận thế thì thôi cho người ta 2K rồi đi cho xong. Sau khi lấy xong 2K còn thừa, 2 đứa lại đi uống trà sữa...uống trà sữa thì có mình em mua uống thôi, hết 49K, anh ấy đưa 50K, bạn nhân viên kêu không có tiền lẻ trả lại, em thì nghĩ là thôi chuẩn bị lên rạp chiếu phim rồi, phim sắp chiếu rồi còn chưa mua vé... đi cho nhanh, vậy mà anh ấy còn hỏi:
- Bạn có 5K không, mình có 4K nữa này.
Rút liền trong ví 2 tờ 2K đưa thêm, người ta đành trả lại anh 5K... xong lại còn trách là:
- Các bạn bán lẻ như này thì nên chuẩn bị tiền lẻ để trả khách chứ.
Đã muộn thì chớ, phi thẳng đến rạp chiếu phim, mua vé xong mua bỏng, hình như lại thừa 2K tiếp, hình như người ta vội làm nên quên trả. Em mới bảo:
- Thôi anh vào luôn rạp xem cho nhanh.
Vậy mà anh ấy vẫn cố với ra:
- Bạn ơi mình còn thừa 2K nữa.
Bạn nhân viên mới xin lỗi xong gửi lại anh ấy 2K. Người ta có câu "Quá tam ba bận" 3 lần trong 1 ngày thấy khó chịu vì 1 việc ấy làm em đi xem cũng mất cả vui. Đến lúc đưa em về tới phòng em nói thẳng luôn là:
- Anh bỏ cái tính sân si mấy đồng tiền lẻ đi, người ta làm được mấy đâu cho người ta 1,2K thì đáng là gì mà anh cứ sân si. Thời gian đòi 1,2K đó anh đi làm nhiều việc khác có phải hay hơn không.
Xong anh ấy bảo:
- Người ta có công ăn việc làm, có người trả lương cho người ta rồi, anh lấy mấy đồng lẻ ấy sau này cho người vô gia cư với ăn xin, cũng là cho nhưng cho như vậy có phải hay hơn không.
Em không thèm nói chuyện với anh ấy nữa, cứ thích lý sự cùn, có khi anh ấy đòi 1, 2K như vậy nên mới có tính để dành tiền ăn học được hay sao ấy. Có ai thấy khó chịu như em không, dân kinh tế mà không biết làm kinh tế gì cả...thời gian ấy đầu tư làm việc khác, bỏ qua mấy đồng tiền lẻ ấy có phải em với anh ấy vui hơn rồi không. Giờ em không tiếp chuyện anh ấy nữa. Ok.”
Sau khi câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều cư dân mạng tỏ ra ngao ngán và bức xúc với lối suy nghĩ của cô sinh viên năm nhất. Hầu hết mọi người đều cho rằng cô bé chưa đi làm nên không biết quý trọng đồng tiền và anh chàng này mới là đúng là mẫu người “hiếm có khó tìm”.
Tài khoản B.B.B bức xúc: “Các chiêu trò trà sữa 49K hay tất cả những sản phẩm gì có số 9k đằng sau là bài toán kinh doanh của các ông lớn cả đấy, 1 người /1k, Ngày họ bán cho 200 người đều không lấy lại = 200K, 1 tháng = 6 triệu, đủ để người ta trả lương cho 2 bạn sinh viên như bạn đi làm thuê đấy”.
“Tiền nào mà chả là tiền. Mới sinh viên mà ra vẻ 1, 2K là mấy đồng tiền lẻ , bạn đi gửi xe xem không có 2K lẻ có phải móc 500K ra bạn cũng phải móc thôi”. – Tài khoản N.H.Đ bình luận.
Tài khoản M.M chỉ ra những điều rất có lý mà cô nàng đã “vô tình” bỏ qua trước khi đánh giá hành động của chàng trai: “Đi ăn + uống nước + xem phim đều là bạn ấy trả tiền đấy em gái. Khi chưa tự mình làm ra tiền thì em sẽ không biết trân quý tiền làm ra. Em trai đó sai rồi, đã sân si tiền lẻ mà không chịu sân si tiền chẵn, cái tiền bỏ ra vì bạn ấy. Chỉ tiếc là em trai chi tiền cho nhầm người rồi, combo tiền cả ngày dành cho bạn cho mấy người vô gia cư chắc có ý nghĩa hơn nhiều”.
Đồng tình với suy nghĩ đó, tài khoản D.H.Đ cũng đưa ra lời bình luận hài hước: “Em ơi anh chờ mãi cái đoạn em dành trả tiền hoặc chia đôi với anh ấy mà không thấy... Em ơi nếu đã không san sẻ nổi một nghìn với người ta thì đừng nói người ta sân si vài đồng lẻ, theo anh thấy em mới là người sân si đấy vì đến 1 nghìn lẻ em cũng không muốn bỏ ra mà. Người khôn như em anh bỏ đầy”.
Bức xúc của cô gái tưởng sẽ được cộng đồng mạng ủng hộ, chia sẻ, thật không ngờ lại bị vùi dập “te tua” đến vậy. Không biết nên chia buồn với cô gái vì quen phải anh chàng ki bo đến từng xu tiền lẻ hay chúc mừng chàng trai vì đã thoát khỏi một cô nàng không biết quý trọng đồng tiền?
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên có cái nhìn công bằng hơn cho cả hai. Ở mỗi độ tuổi, mỗi thời điểm với kinh nghiệm sống khác nhau sẽ có những cách đánh giá vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Không rõ câu chuyện tình yêu chưa kịp chớm nở này có vì 1, 2K tiền lẻ mà lụi tàn hay không? Nhưng đây cũng là bài học cho nhiều người, nhất là các bạn trẻ nên biết quý trọng đồng tiền, kể cả đó chỉ là 1, 2K. Tiền của bạn, rõ ràng bạn có quyền tiêu theo cách mình muốn, chỉ là đồng tiền được cho đi đúng người, đúng thời điểm mới thực sự có ý nghĩa và giá trị.
Dương Dương (tổng hợp)
Theo Vietnamnet