Vòng xoáy "thiêu thân"
Mấy tuần nay, chị Hoàng Thu (40 tuổi, Hà Nội) như người mất hồn, cả ngày cứ tha thẩn ngồi ước "giá như".
Giá như… chị tỉnh táo hơn trước chiêu trò lừa đảo không mới. Giá như… không vì ham chiếc váy mấy trăm nghìn mà đánh mất số tiền cả vài năm tích góp, làm lụng của hai vợ chồng.
Chị Thu kể, trong một lần lướt Facebook, chị tình cờ thấy thông tin về một chương trình quà tặng thời trang thiết kế cao cấp miễn phí dành cho thành viên may mắn.
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều chiêu thức lừa đảo tặng thời trang hàng hiệu để đánh vào tâm lý làm đẹp của chị em phụ nữ (Ảnh chụp màn hình).
Nhấn vào phần trò chuyện, ngay lập tức, chị Thu được nhân viên chăm sóc khách hàng liên hệ để cài đặt ứng dụng Telegram, tham gia nhóm nhận quà tặng.
"Họ hướng dẫn tôi tham gia like video (thích nội dung) của nhãn hàng trên Youtube và được gửi tặng từ 10.000 đến 20.000 đồng vào tài khoản. Sau đó, tôi được đưa vào nhóm cùng 3 người đăng ký nhận quà khác.
Họ yêu cầu tôi thực hiện 2 nhiệm vụ mua hàng để tăng doanh số cho nhãn hàng. Bằng cách chuyển khoản vài triệu đồng, tôi được cam kết sẽ nhận về khoản tiền hoa hồng bằng 30% số tiền đã nạp ngay sau đó", chị Thu nói.
Vì 2 lần đầu nhận lại tiền rất nhanh nên chị Thu không ngần ngại chuyển ngay 1.680.000 đồng và 7.999.999 đồng cho các đối tượng vào tài khoản mang tên Nguyễn Ngọc Thanh.
Qua nhiều lần giao dịch, số tiền chị Hoàng Thu đã chuyển cho nhóm lừa đảo là hơn 361 triệu đồng và được hứa trả về gần 374 triệu đồng.
Đến đây, một người xưng là giám đốc kinh doanh Lê Phương Tùng cho hay do chị Thu không tham gia đúng thời gian quy định nên phải làm thêm nhiệm vụ bổ sung dữ liệu gồm 2 đơn hàng là 30 triệu đồng và 60 triệu đồng nếu muốn nhận lại số tiền đã chuyển trước đó.
Thấy chị Thu có vẻ chần chừ, một trong ba người cùng thực hiện nhiệm vụ cho biết mình đã nhận được tiền, khuyến khích chuyển ngay.
Chuyển xong, chị Thu bất ngờ nhận thêm lý do số tiền nhận hiện tại quá hạn mức với thành viên mới nên cần nâng cấp lên tài khoản VIP với số tiền 150 triệu đồng.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị lại được yêu cầu chuyển phí thường niên 112 triệu đồng với cam kết lần này là lần cuối.
Cứ nghĩ đã sắp lấy lại tiền, chị Thu gom góp trong nhà, lấy tiền từ các khoản làm ăn để thực hiện yêu cầu trên. Qua nhiều lần giao dịch, số tiền chị Thu đã chuyển cho nhóm lừa đảo là hơn 361 triệu đồng, được hứa trả về gần 374 triệu đồng.
"Trong mỗi lần tôi do dự, lo ngại lừa đảo thì đều có 1 trong 3 thành viên cùng làm nhiệm vụ nói chuyện, gửi minh chứng là lệnh chuyển và nhận lại tiền của họ. Vậy là, tôi cứ lao vào bẫy lừa đảo như một con thiêu thân. Tôi không hiểu, lúc đó sao mình không đủ tỉnh táo để suy nghĩ gì. Tôi cứ chuyển tiền vào với mong muốn nhận được số tiền đã chuyển trước đó", chị Thu buồn bã kể lại.
Dọa điều tra vì trục lợi, gây thất thoát tài chính
Thực hiện hết các yêu cầu vẫn không thấy hoàn tiền, chị Thu hối thúc giải ngân thì được một người tự xưng Trần Anh Long - thanh tra của tập đoàn - cho biết giám đốc kinh doanh Lê Phương Tùng đã bị đình chỉ công tác để điều tra.
Người này "dọa nạt" hành vi chuyển tiền trước đó của chị Thu hợp tác với giám đốc Tùng có thể nguy hại cho phía doanh nghiệp, thất thoát tài chính.
Và rồi… họ cho biết không truy cứu trách nhiệm của chị Thu nhưng phải chuyển thêm 250 triệu đồng để làm thủ tục giải ngân.
Các đối tượng lừa đảo liên tục tìm cách trì hoãn việc hoàn tiền và khuyến khích nạn nhân nạp thêm để nhận lại khoản đã đóng trước đó. Khi không còn lý do, chúng quay sang dọa dẫm liên quan tới trục lợi (Ảnh: NVCC).
Khi chị Thu không muốn chuyển tiếp, nhóm đối tượng lừa đảo "dụ" sẽ giảm thêm 20% hay chấp nhận gặp mặt trực tiếp để làm việc.
Đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hình thức nói trên gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Lạng Sơn đề nghị người dân nâng cao cảnh giác, không rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo. |
Nhóm này cho biết trụ sở tại quận 10, TPHCM và hẹn lịch làm việc với chị Thu tại đây.
"Tôi đặt vé máy bay từ Hà Nội vào. Trong quá trình đó họ vẫn dụ tôi nạp tiền tiếp nhưng tôi không chấp nhận. Thế nhưng, khi tôi đến trụ sở theo lịch hẹn thì nhóm này đã xóa toàn bộ thông tin, cắt đứt liên lạc. Một lần nữa, tôi bị lừa. Mất công sức, tiền bạc đi lại song ra về tay trắng", chị Hoàng Thu chia sẻ.
Chị Thu không phải là trường hợp hiếm dính bẫy lừa đảo với kịch bản như trên. Chiêu thức "Tặng quà tri ân, chỉ tặng không bán" hay làm các nhiệm vụ chuyển khoản để nhận hoa hồng đã xuất hiện lâu nay vẫn khiến những vị khách nhẹ dạ cả tin sập bẫy.
"Không có bữa ăn nào là miễn phí"
Luật sư Trịnh Hữu Chung - Đoàn Luật sư TPHCM - phân tích, thủ đoạn lừa đảo trên không còn xa lạ nhưng liên tục được đổi mới với các chiêu thức tinh vi. Vài giao dịch ban đầu, kẻ gian sẽ chuyển đầy đủ tiền gốc, lãi nhằm tạo niềm tin và khơi gợi lòng tham của nạn nhân.
Càng về sau, số tiền giao dịch càng lớn hơn, đối tượng lừa đảo sẽ biến mất khi nạn nhân không còn khả năng nộp tiền hoặc "tỉnh ngộ".
Các đối tượng đã đánh vào tâm lý ban đầu là quà tặng miễn phí, dễ dàng kiếm tiền rồi sau đó là mong gỡ gạc lại số tiền trước đó hoặc lo sợ dính vào pháp luật…
Ngoài ra, vị luật sư cảnh báo việc cung cấp thông tin cá nhân như số tài khoản ngân hàng, địa chỉ nơi ở... cho các đối tượng lừa đảo cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Người dân cần nâng cao cảnh giác, tôi nghĩ rằng không có bữa ăn nào là miễn phí. Khi gặp nạn, người dân cần kịp thời báo cho các cơ quan chức năng nhằm kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm", luật sư Chung cho hay.
Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 3 nhóm lừa đảo chính với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam để cảnh báo người dân (Ảnh: BCP).
Chia sẻ về các thủ đoạn lừa đảo tinh vi hiện nay, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC - cựu hacker) cho biết đa phần kẻ lừa đảo sẽ đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền hay sợ hãi, gây bấn loạn để nạn nhân không đủ tỉnh táo nhận diện vấn đề.
Kẻ lừa đảo thường có thủ đoạn rất tinh vi, tổ chức bài bản và sử dụng sim rác, các tài khoản ngân hàng nhận tiền đều có thông tin chủ nhân là giả mạo.
Khi phía công an làm việc với ngân hàng để yêu cầu cung cấp dữ liệu, sao kê… thì quy trình, thủ tục phức tạp, mất rất nhiều thời gian.
Lúc đó, đã quá muộn để tìm được kẻ lừa đảo. Tiền không còn trong tài khoản cũ mà chuyển đi nhiều tài khoản khác nhau hoặc mua hàng trên các trang thương mại điện tử. Thậm chí, các tài khoản này ở nước ngoài. Đây cũng là điều khó khăn để công an điều tra, bắt giữ.
Theo Dân Trí