Chị em coi chừng mất Tết vì ăn kẹo giảm cân cấp tốc-1
Một loại kẹo giảm cân đang được bán trên thị trường. Ảnh: Chụp màn hình.

- “Mình muốn giảm cân đón Tết, các chị em cho mình xin bí quyết nhé”.

- “Từ giờ đến Tết giảm cân có kịp không ạ? Mẹ bỉm cần giảm 7 kg mỡ”.

- “Anh chị nào ăn kẹo ổi, kẹo dứa giảm cân chưa, cho em xin review với ạ?”.

Lướt một hội nhóm về giảm cân, giảm mỡ với hơn 50.000 người tham gia trên Facebook, không ít bài đăng hỏi về cách giảm cân nhanh chóng để kịp đón Tết. Bên dưới mỗi bài viết là hàng loạt bình luận bán các sản phẩm giảm cân cấp tốc như kẹo dứa 7 vị, kẹo chanh, kẹo ổi, kẹo chocolate, thạch táo…

Để tăng tính chân thật, mỗi bình luận bán hàng đều kèm theo ảnh “người thật, việc thật” với cam kết giảm 2-3 kg trong vòng 7 ngày nhưng không gây mệt mỏi, mất nước và tăng cân trở lại.

Tăng cân sau khi ăn kẹo giảm cân cấp tốc

Mong muốn có thân hình thon gọn để đón Tết, chị Thu Thủy (25 tuổi, sống tại TP.HCM) tham gia nhiều hội nhóm trên mạng xã hội để tìm cách giảm cân.

Mục tiêu của tôi là giảm 4-5kg/tháng. Tình cờ thấy bài đăng bán kẹo dứa giảm cân với cam kết giảm 2-3kg/tuần và liệu trình 21 ngày giảm 4-7 kg nên tôi rất tò mò và nhắn tin hỏi mua. Sau khi nghe người bán tư vấn, tôi đã mua thử một gói với giá khoảng hơn 200.000 đồng”, chị Thuỷ chia sẻ.

Chị em coi chừng mất Tết vì ăn kẹo giảm cân cấp tốc-2
Loại kẹo dứa giảm cân Thu Thủy mua qua mạng.

Theo chị Thủy, kẹo hình trái dứa trông rất bắt mắt với nhiều vị như dứa, cam, chanh, dâu, cà phê… Mỗi túi có 7 viên, mỗi ngày ăn một viên.

Người bán hướng dẫn tôi cứ ăn uống bình thường, nhưng hạn chế đồ ăn nhanh và nước ngọt. Họ tư vấn kẹo này sẽ giúp mình giảm cảm giác thèm ăn, giảm cân từ từ và không gây mệt. Tôi ăn hết một gói nhưng kết quả cơ thể không giảm cân mà còn tăng cân. Tôi nhắn tin hỏi người bán thì họ đã chặn tài khoản của mình”, chị Thủy nói.

Ngoài ra, loại kẹo giảm cân này cũng được bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh những lời khen “có cánh” trong việc giảm cân thần tốc chủ yếu từ những người bán, một số người đánh giá rằng kẹo dễ ăn, không gây mệt nhiều nhưng lại cảm thấy khát nước.

"Người bán cam kết giảm 2-3kg/ tuần nhưng ăn đến ngày thứ 5 thì thấy mất ngủ liên tục và cân nặng không thay đổi", một người từng sử dụng loại kẹo giảm cân này bình luận.

Giảm cân nhanh nhưng tăng lại cũng nhanh

Minh Ngọc (22 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết từng ăn kẹo giảm cân vị chocolate, gói kẹo có bao bì màu hồng và viên kẹo hình trái tim trông rất thu hút.

Bên cạnh việc cắt giảm tinh bột, tôi mua thêm kẹo chocolate để giảm cân nhanh hơn. Trong vòng 2 tháng, tôi giảm được gần 8 kg", Minh Ngọc cho hay.

Mỗi ngày sau khi ăn sáng, Ngọc ăn một viên kẹo giảm cân. Chị cho biết đã chi hơn 900.000 đồng cho 2 gói kẹo và ăn được gần 2 tháng.

Chị em coi chừng mất Tết vì ăn kẹo giảm cân cấp tốc-3
Loại chocolate giảm cân Minh Ngọc sử dụng. Ảnh: NVCC.

Sau khi giảm được cân theo mong muốn, Ngọc ngưng ăn kẹo và nhận lại kết quả bất ngờ. “Tôi tăng cân trở lại nhanh chóng sau khi dừng ăn kẹo. Tôi thừa nhận có nhiều lần đi ăn hàng quán với bạn trai nhưng không thể đến mức tăng nhiều kg đến thế”, Minh Ngọc nói.

Với Thanh Hương (29 tuổi, sống tại Hải Dương) lại có trải nghiệm từng dùng nhiều thực phẩm giảm cân dạng kẹo và thạch nhưng không có hiệu quả.

Chị mua những thực phẩm này có giá dao động từ vài trăm nghìn, nếu mua cả liệu trình thì tiêu tốn hơn 2 triệu đồng. "Lần gần đây nhất, tôi mua thạch dứa, mùi rất thơm và ăn thấy dai dai. Tuy nhiên, tôi ăn được nửa hộp thì bị hạ huyết áp, mệt mỏi, không muốn ăn và cũng không có sức để làm gì cả”, chị Hương chia sẻ.

Theo Thanh Hương, hiện tại chị tự giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống như kiêng đồ ngọt, hạn chế tinh bột và tập luyện nhiều hơn để kịp đón Tết.

Nguy cơ tiền mất tật mang

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng và tiết chế lâm sàng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho hay hiện nay rất nhiều người uống các sản phẩm giảm cân "thần tốc", không rõ nguồn gốc được quảng cáo và bày bán tràn lan trên mạng xã hội, đặc biệt trước mỗi dịp Tết.

Đáng chú ý, việc sử dụng này lại không có sự tư vấn từ các chuyên gia, bác sĩ nên gây ra không ít những hệ lụy khó lường. Bởi, các sản phẩm giảm cân trên có nguy cơ hủy hoại sức khỏe, gây mất nước, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng đến tính mạng.

Đồng quan điểm, tiến sĩ, dược sĩ Tạ Thanh Sơn (từng học tại Đại học Philipps Marburg; tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện công nghệ dược sinh học, Đại học Marburg, CHLB Đức), với các thực phẩm chức năng bán ở thị trường có liên quan tới sức khoẻ, người dùng bắt buộc phải xin ý kiến của bác sĩ, chuyên gia y tế trước khi sử dụng.

"Người dân không nên đặt hết niềm tin vào các sản phẩm giảm cân trên thị trường. Bởi hiện thị trường có nhiều sản phẩm còn cần đặt câu hỏi về nguồn gốc, chất lượng. Người dân sử dụng bừa bãi, không có chỉ định của bác sĩ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến tiền mất tật mang", TS.DS Thanh Sơn nói.

Theo vị chuyên gia này, thuốc giảm cân hoạt động theo hai nguyên tắc khác nhau:

Thứ nhất là ngăn chặn hấp thu chất béo từ hệ tiêu hóa. Với phương pháp này, các chất béo được liên kết và ngăn chặn sự hấp thu từ thức ăn. Tuy nhiên, các chất béo tốt và không tốt đều sẽ bị ngăn cản hấp thu.

Việc hấp thu chất béo lành mạnh là điều cần thiết để có một chế độ ăn uống cân bằng. Do đó, các thuốc thuộc nhóm này thường dẫn đến triệu chứng thiếu chất và suy dinh dưỡng nếu lạm dụng thời gian dài.

Thứ hai là ngăn chặn sự thèm ăn. Các chất thuộc nhóm này sẽ khiến bạn ít ăn hơn và do đó tự động giảm cân. Tuy nhiên, hiệu quả của hầu hết chế phẩm này vẫn chưa được chứng minh.

Thành công cũng chỉ được đảm bảo nếu bạn cũng chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Bởi các bữa ăn dù ít hơn nhưng có nhiều chất béo và đường, chúng cũng không có quá nhiều tác dụng giảm cân.

Theo tiến sĩ Sơn, nhiều loại chất cấm rất nguy hiểm cũng được bày bán trái phép dưới nhiều hình thức như Dinitrophenol (DNP). DNP đảm bảo rằng tất cả carbohydrate ăn vào qua thức ăn không được chuyển hóa thành năng lượng sử dụng được mà thành nhiệt. Kết quả là thân nhiệt tăng mạnh và dễ dàng lên tới 41 độ C ngay cả khi không gắng sức.

Dinophenol ban đầu được sử dụng để chế tạo chất nổ. Người uống thuốc sẽ sụt cân liên tục nhưng cũng bị chóng mặt và vã mồ hôi. Do những hậu quả khó lường, phương pháp giảm cân này đã bị cấm ở Mỹ và châu Âu từ năm 1930. Tuy nhiên, chúng có thể được đặt hàng bất hợp pháp trên các trang web.

"Ngành kinh doanh đồ ăn kiêng đang bùng nổ và những trường hợp lừa đảo cũng biết điều đó. Do đó, việc đặt hàng thuốc giảm cân từ các nhà cung cấp trên Internet kém đáng tin không được khuyến khích. Người tiêu dùng chỉ nên mua từ các nhà sản xuất uy tín, sản phẩm phải có thông tin và nguồn gốc rõ ràng", dược sĩ Thanh Sơn khuyến cáo.

BS Hưng cho rằng người dân không nên vì muốn giảm cân nhanh mà dùng các loại thuốc, trà, kẹo không rõ nguồn gốc, thành phần, xuất xứ.

“Nếu thực sự cần thiết phải giảm cân, người dân nên tới gặp và nghe theo chỉ định, tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo sức khỏe. Tránh tin lời quảng cáo, giới thiệu giảm cân nhanh chóng, thần tốc để rồi rước họa vào thân”, BS Hưng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Hồng Vũ, tiến sĩ về Sinh học phân tử trong y học, nghiên cứu viên sau tiến sĩ (Staff Scientist), Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ, cho hay một báo cáo được đăng trên tạp chí chuyên ngành năm 2015 thống kê ở Mỹ, khoảng 4.600 người phải đến phòng cấp cứu mỗi năm vì liên quan đến tim mạch (thường là đau ngực và tim đập mạnh) do liên quan các chất có trong thành phần các thực phẩm chức năng làm giảm cân.

"Dựa trên các thông tin khoa học, hiện nay chưa có loại thực phẩm chức năng hoặc trà thảo dược nào được chứng minh có thể sử dụng với mục đích làm giảm cân. Biện pháp giảm cân khoa học, an toàn nhất hiện nay là tập thể dục và không ăn quá nhu cầu cần thiết của cơ thể", TS Hồng Vũ nhấn mạnh.

Theo Zing