"Hùng ơi, em về rồi…!", bà Hương nghẹn ngào khóc khi nhìn thấy em trai của mình về tới đầu làng trên chiếc xe lăn.

Với ông Mã Văn Hùng (53 tuổi, quê Đà Nẵng), khung cảnh nay đã khác rất nhiều, con đường vào nhà đã được thảm nhựa, cây mai quen thuộc nay đã lớn hơn rất nhiều và bung nở vàng cả góc sân, nhưng có một điều không bao giờ thay đổi là ở căn nhà quen thuộc có những người thân quen đang chờ ông.

Chị gái bật khóc đón em trai về quê ăn Tết sau 29 năm xa nhà-1
Chị gái ông Mã Văn Hùng bật khóc trong niềm hạnh phúc khi đón em trai trở về quê Đà Nẵng đón Tết sau 29 năm (Ảnh: Duy Tài).

Đây là cái Tết sum vầy đầu tiên sau 29 năm ông sống nơi "đất khách, quê người". Hàng xóm đã đến hỏi thăm, chia vui cùng gia đình ông. 

Ông Hùng là con thứ 6 trong gia đình thuần nông ở thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng).

Năm 23 tuổi, trong một lần đi làm phụ hồ, ông không may bị tai nạn tàu hỏa, phải vào TPHCM để chữa trị và từ đó cuộc đời phải gắn liền với chiếc xe lăn.

Sau khi xuất viện, ông một mình mưu sinh ở TPHCM. Bị khuyết tật, ông vào ở một trung tâm bảo trợ xã hội. Ở đây, ông được học nghề đan len, sau đó nên duyên với một người con gái chung số phận tật nguyền.

Ông Hùng thổ lộ, một tháng chỉ kiếm được hơn 2 triệu đồng để chi tiêu ở TPHCM, đến bữa ăn còn lúc có, lúc không, hơn nữa, khả năng di chuyển hạn chế, nếu về quê phải có thêm người lành lặn đi cùng để phụ giúp, người thân ở quê cũng không khá giả nên chuyện về quê ăn Tết càng xa vời với ông.

29 năm là 29 lần giao thừa lẻ loi ở TPHCM. Cái Tết ở quê người cũng rất đơn giản, chỉ có 2 vợ chồng cùng mâm cơm. Nhưng điều đặc biệt, cái Tết nào, vợ ông cũng làm củ kiệu muối để ông nhớ hương vị quê nhà. 

Chị gái bật khóc đón em trai về quê ăn Tết sau 29 năm xa nhà-2
Ông Hùng chỉ còn 1 quả thận và phải đặt ống thông tiểu (Ảnh: Hoài Sơn).

Tưởng chừng về quê ăn Tết chỉ là ước mơ, ông Hùng bất ngờ nhận được hỗ trợ từ nhóm Bếp bên sườn đồi, hội đồng hương Đà Nẵng tại TPHCM.

"Khi nghe tin, tôi cũng đang nằm trên giường bệnh", ông Hùng nói và cho hay lúc đó, ông rất vui mừng nhận lời nhưng rồi lại buồn rầu vì lo sợ sức khỏe không ổn định.

Nhưng vì quyết tâm thực hiện ước mơ ở tuổi xế chiều, ông cố gắng bình phục để chờ ngày về quê hương, thắp cho ba, mẹ nén nhang, ăn bữa cơm tất niên, sum vầy cùng gia đình.

Khi nhận được vé về quê, ông vui mừng sắp xếp đồ đạc trước đó 2 ngày. Tối 1/2, ông trằn trọc không thể nào ngủ được. Cứ nằm một lúc lại dậy nhìn đồng hồ, đến 24h, ông đã thức dậy và ra sân bay. 

Chị gái bật khóc đón em trai về quê ăn Tết sau 29 năm xa nhà-3
Chân ông Hùng có nhiều vết tổn thương và mất khả năng di chuyển (Ảnh: Hoài Sơn).

Trong lần đầu tiên trên "chuyến bay hạnh phúc", ông Hùng như đang mơ khi ông sắp được về quê hương, nơi có người anh, người chị đang chờ mình. Chuyến về quê này chỉ mình ông Hùng, còn người vợ ở lại TPHCM.

Với ông Hùng, đây là lần về quê ăn Tết đầu tiên sau 29 năm, ông sẽ không còn phải nuối tiếc 4 chữ "về quê ăn Tết". 

Không giấu được cảm xúc hạnh phúc khi gần 30 năm gia đình đoàn tụ dịp Tết, ông Trương Văn Bình (64 tuổi, anh rể ông Hùng) đã thao thức cả đêm để chờ tin em rể trở về. Ông Bình tưởng rằng, em rể mình sẽ không có ngày về quê thăm anh em.

Còn vợ ông Bình là bà Hương cũng lục đục dậy từ sáng sớm, đi ra đi vào chờ tin em trai. Khi thấy bóng dáng chiếc xe lăn về tới đầu ngõ, bà Hương òa khóc trong hạnh phúc rồi ôm chầm lấy em trai. Tết năm nay, gia đình bà sẽ có một cái Tết đoàn viên trọn vẹn.

Anh Đào Duy Tài, chủ kênh Bếp bên sườn đồi cho hay, khi biết được hoàn cảnh của ông Hùng, kênh đã quyết định hỗ trợ vé cho ông và một người chị gái khác của ông hiện làm giúp việc ở TPHCM cũng đã 29 năm chưa được về quê ăn Tết.

Theo Dân trí