Bắt đầu từ nước Nga, “Thử thách Cá voi xanh” nhanh chóng lan rộng ra thế giới và trở thành trào lưu nguy hiểm trong giới trẻ ở nhiều nước trên thế giới, dẫn đến hàng trăm vụ tự tử thương tâm. Tại sao chỉ là một trò chơi mà lại có nhiều người sẵn sàng chết vì nó?

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, không chỉ trò chơi này mà nhiều trò chơi khác tương tự đang tràn vào Việt Nam. Người tham gia thường là những thanh thiếu niên còn trong độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý. Ở tuổi này, các em thường có nhiều bất ổn về mặt tâm lý. Những lời chê bai, phê phán của những người xung quanh, đặc biệt là phụ huynh, khiến các em ảnh hưởng về tâm lý, cảm giác bị cô lập và khao khát được giải tỏa.

Hội Cá voi xanh đã đánh đúng vào điểm này, người cầm đầu trò chơi đã tạo ra một cộng đồng mà ở đây, các em có thể tâm sự, chia sẻ, có cảm giác được hòa nhập và là chính mình. Ở Việt Nam, khi các em bị bủa vây bởi quá nhiều áp lực từ điểm số, thi cử thì việc các em tìm đến những nơi được xem là “cứu cánh cho tâm hồn, giải thoát khỏi thực tại” sẽ là chuyện khó tránh khỏi.

Làm cách nào để tham gia trò chơi vẫn là một ẩn số. Nhiều người cho rằng, muốn tham gia trò chơi này, bạn phải mất công tìm những “chú cá voi”, nghĩa là người đang chơi, họ sẽ giới thiệu bạn với chủ nhân của trò chơi này.

Sau khi cài phần mềm bí mật mà người đó đưa cho, mỗi ngày những người chơi sẽ được gửi một thử thách, phải hoàn thành xong trong ngày. Nhiệm vụ sẽ từ dễ đến khó và hầu hết đều mang tính kích thích cảm giác như đi dạo ở nghĩa địa lúc nửa đêm, xem phim kinh dị và cao nhất là tự sát.

Chuyên gia Nguyễn An Chất phân tích, giới trẻ Việt Nam thường tiếp thu cái mới theo kiểu tò mò. Cái gì càng bí hiểm, càng mang tính chinh phục sẽ càng hấp dẫn các em. Và một khi đã tham gia và bị cuốn theo trò chơi với những quy tắc, luật lệ thì người chơi sẽ dần dần hoàn toàn tuân thủ, bởi lẽ khi tuân thủ, họ sẽ được công nhận và lúc đó cảm giác của người chơi từ chỗ tuân thủ mệnh lệnh sẽ trở thành làm chủ.

Trước thông tin trò chơi này tràn vào Việt Nam, chuyên gia An Chất đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh là: Nếu phát hiện con có dấu hiệu tham gia vào trò chơi này, tuyệt đối không dùng biện pháp cấm đoán. Bởi lẽ, trẻ luôn có tâm lý càng cấm càng làm. Hãy gần con, lắng nghe con, giúp con giải tỏa những áp lực và hướng dẫn các con tìm hiểu “những vùng sáng” trên môi trường Internet.




Thử thách "Cá voi xanh" khiến người trẻ bỏ mạng: 130 thiếu niên ở Nga đã thiệt mạng chỉ vì hưởng ứng trò chơi tự sát "Cá voi xanh".

Theo Lao Động