Chỉ một phút bất cẩn, cha mẹ mất con vì chôm chôm, hạt nhãn

Nhiều trường hợp trẻ tử vong do nuốt phải hạt nhãn, chôm chôm, vải,… hay nuốt phải những dị vật khác đang gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc làm cha mẹ nên chú ý cẩn thận khi cho trẻ ăn.

Tối 4/8 vừa qua, bé Nguyễn Trần Tường Vy (3 tuổi ) được gia đình đưa đến bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Nam trong tình trạng cơ thể tím tái, ngưng thở. Do tình trạng ngưng thở quá lâu nên khi vừa chuyển đến bệnh viện thì bé đã tử vong.

Được biết trước đó anh Quốc Anh (ba bé)  và vài người thân trong gia đình đang ngồi ăn tối thì bé Tường Vy chạy đến xin cha cho quả chôm chôm, anh Quốc Anh liền bóc vỏ ngoài của chôm chôm rồi đưa phần nhân (chưa bóc hạt) cho con. Bé Vy vừa cầm quả chôm chôm chạy vào nhà thì chỉ 1 phút sau anh nghe bé khóc thét lên. Nhìn con hai mắt trợn ngược, anh Quốc Anh nghi bé đã nuốt trọn cả phần nhân của quả chôm chôm (có cả hạt bên trong) nên dùng tay đưa vào miệng bé móc quả chôm chôm ra nhưng không được.

Lúc này thấy bé tím tái nên mọi người trong nhà hoảng hốt, cố gắng tìm nhiều cách để móc quả chôm chôm ra, nhưng càng móc thì bé càng ngạt thở. Khi chuyển đến bệnh viện thì bé đã tử vong. Sự ra đi đột ngột của bé đã khiến gia đình vô cùng đau xót, nhiều người dân sống quanh khu vực cũng không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến sự việc.

Bé Tường Vi tử vong do nuốt quả chôm chôm.

Một trường hợp thương tâm khác xảy ra vào tháng 8/2014 khi bé Vũ Thành Hưng, 3 tuổi (ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) tử vong do nuốt hạt nhãn.

Trước đó, gần trưa 7/8/2014, bé Hưng vừa ngậm một quả nhãn đã bóc vỏ (vẫn còn cơm nhãn) trong miệng, vừa chơi đùa với người thân. Do bất cẩn, quả nhãn đã trôi tuột xuống họng và lấp kín thực quản, gây tình trạng ngạt thở, tím tái. Gia đình đã đưa bé đến trạm y tế thị trấn, sau đó đến Bệnh viện đa khoa huyện Xuân Lộc rồi Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.

Đến hơn 13 giờ, bé được đưa đến Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn rộng, mạch và huyết áp gần như bằng 0. Bé Hưng được hồi sức tích cực, nhưng do chết não nên đã tử vong.

Chia sẻ nỗi lo lắng về tình trạng trẻ tường xuyên bị hóc trái vải, chôm chôm hay các dị vật khác, chị Phan Thị Ngọc Diễm (25 tuổi, ngụ quận 5) chia sẻ: “Ở nhà thường rất ít để ý đến những loại trái cây có hạt to và kích thước lớn khi đưa cho con ăn. Chồng thì cũng rất chú quan để con tự chơi hoặc cầm các đồ vật có nhiều chi tiết nhỏ hoặc cho con tự ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc như lạc, thạch, nhãn, chôm chôm mà không lườn trước được sự nguy hiểm khi cho con tự ăn và cầm những thực phẩm như vậy, khi xem tivi thấy nhiều trẻ tử vong do hóc quả chôm chôm mới giật mình ”.
 
Không nên cho trẻ nhỏ tự ăn các thực phẩm có kích thước lớn để tránh bị hóc. (ảnh minh họa)
 
Những vụ tai nạn thương tâm trên thực sự là hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh trong việc cho con nhỏ ăn, cầm các loại thực phẩm dễ gây nuốt.

Các bậc cha mẹ cần chú ý không nên ép con ăn lúc đang khóc hoặc cười vì rất dễ bị sặc. Nếu trẻ vô tình nuốt phải dị vật nhọn thì nên đưa đi cấp cứu ngay, tránh móc họng bé vì cách làm này có thể khiến dị vật càng mắc sâu hơn. Để tránh bị hóc, bạn hãy cho bé ăn những thứ vừa với miệng. Bánh dày hay thạch phải được cắt nhỏ trước khi cho ăn. Trong khi ăn không được để bé chạy nhảy, quay ngang quay ngửa vì vừa cho kẹo vào mồm vừa chạy nhảy sẽ như một động tác giúp cho kẹo dễ tuột vào họng và mắc luôn ở đó.

Theo các bác sĩ khi trẻ chẳng may bị hóc dị vật, người lớn cần thực hiện ngay thủ thuật Heimlich để lấy dị vật. Nếu dị vật không bắn ra cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Thủ thuật Heimlich:

+ Bước 1: Người cứu đứng sau lưng nạn nhân, một chân trước, một chân sau; chân trước lồng giữa hai chân nạn nhân.

+ Bước 2: Vòng hai tay ra trước, quàng lấy bụng nạn nhân, bàn tay ngoài nắm lấy nắm đấm của bàn tay trong (lòng bàn tay này úp xuống), áp sát vào vùng bụng phía trên rốn, ngay dưới xương ức của nạn nhân.

+ Bước 3: Giật lên thật mạnh và đột ngột theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên, liên tục 4-5 cái. Động tác này phải được thực hiện dứt khoát và không đè ép vào lồng ngực thì mới có hiệu quả.

Đối với phụ nữ có thai hoặc người béo phệ, vị trí đặt tay trên ngực tốt nhất là ngay giữa xương ức, cách mỏm ức 2-3 cm. Nên để nạn nhân ngồi tựa vào ghế để thao tác dễ hơn.

Theo trí thức trẻ

 

Tin tức mới nhất