Tình huống được cô giáo trong câu chuyện trên chia sẻ tại một chương trình trao đổi kỹ năng sư phạm trong dạy học ở TPHCM. 

"Con không nhận lỗi, mẹ con sẽ phải đền..." 

Câu chuyện xảy ra vào đầu năm ngoái, khi cô giáo dạy học lớp 2, tại một trường tư thục ở TP Thủ Đức, TPHCM. 

Sự việc bắt đầu từ chiếc nắp bồn cầu nhà vệ sinh bị gãy. Bác lao công quát tháo cậu bé S., học trò của cô cùng khẳng định lúc đó thấy em này đi ra từ nhà vệ sinh ra. S. là một bé trai nghịch ngợm và hiếu động trong lớp. 

Chiếc nắp bồn cầu bị hỏng, mẹ đơn thân bắt cô giáo xin lỗi con trai-1
Trong dạy học, có rất nhiều tình huống ứng xử với học trò đòi hỏi người thầy phải có kỹ năng sư phạm (Ảnh minh họa: Lê Đăng Đạt).

Cô yêu cầu S. nhận lỗi và xin lỗi bác lao công. Cậu học trò ngơ ngác rồi chối tội đây đẩy. Cho rằng em này chối tội, cô quay sang thuyết phục chỉ cần em nhận lỗi là không có vấn đề gì. 

Cậu học trò vẫn không chịu, cô tiến thêm một bước bằng lời đe dọa nếu em không nhận, cô sẽ báo lên nhà trường, mẹ em sẽ phải đền cả triệu đồng, còn em có thể bị đuổi học. 

Nghe đến đó, cậu bé 7 tuổi òa khóc nức nở và chấp nhận đi xin lỗi bác lao công. Cô giáo thở phào khi thấy mọi việc được giải quyết một cách nhẹ nhàng.

Nhưng không, hai ngày sau, mẹ cháu bé - là một bà mẹ đơn thân - tìm đến gặp cô trao đổi về sự việc.

Người mẹ đi thẳng vào vấn đề, kể lại sự việc đúng như diễn biến và cho biết con mình đang rất hoảng loạn, ức chế khi bị cô bắt nhận lỗi làm hỏng nắp bồn cầu. 

Nhắc lại, cô giáo thừa nhận lúc đó mình lái sự việc sang "kể tội" cậu học trò trước mặt người mẹ với nhiều dán nhãn.

Nào là trước đó S. từng nhiều lần làm sai mà không nhận lỗi ngay; nào là S. nghịch ngợm nhất lớp, sẽ không đứa trẻ nào dám nghịch bồn cầu như cậu; rồi lúc phát hiện chiếc nắp bị gãy, bác lao công thấy S. vừa từ trong bước ra... 

Cô vô cùng bất ngờ khi người mẹ đưa ra đề nghị: "Cô hãy bình tâm về suy nghĩ thêm, xem có bằng chứng nào xác thực hơn khẳng định cháu làm không, rồi hãy phản hồi một cách thuyết phục đến mẹ".

Đứa trẻ được bao che hay đổ tội? 

Hai ngày sau, như đã hẹn người mẹ đến lớp sau giờ học gặp cô. Không có camera quay trong nhà vệ sinh, không ai nhìn thấy, cô giáo tiếp tục nhấn mạnh những lý do cũ với định kiến "là cậu bé chứ không ai vào đây".

Người mẹ nói với cô, chị tin con mình không làm, dù chị cũng không thể khẳng định con có làm hay không làm. Nhưng một khi không có bằng chứng và đứa trẻ ấy không nhận thì người lớn dựa vào đâu để ép chúng phải nhận lỗi?

Chiếc nắp bồn cầu bị hỏng, mẹ đơn thân bắt cô giáo xin lỗi con trai-2
Giáo viên tại TPHCM tham gia chương trình "Tìm về trái tim của giáo dục" (Ảnh: Hoài Nam).

Người mẹ đặt ra tình huống, kể cả cô lao công nhìn thấy con chị đang nghịch nắp bồn cầu cũng không thể khẳng định do cháu làm hỏng. Mọi việc bên ngoài nhìn vậy chưa chắc đã phải vậy, biết đâu chiếc nắp đã hỏng từ trước?  

Rồi kể cả trước đó cả ngàn việc khác do cháu làm, cũng không có nghĩa được quyền khẳng định lần này cũng do cháu. 

Người mẹ còn hỏi lại khi sự việc xảy ra, cô giáo đã lắng nghe trẻ chia sẻ, lắng nghe trẻ lên tiếng nói rằng mình không làm?

Khi không có bằng chứng, trước nỗi lòng đó của trẻ, lẽ ra cô cần bảo vệ học trò trên nguyên tắc suy đoán vô tội thì cô làm ngược bằng cách đe dọa, trấn áp đứa trẻ. 

Cô nhớ như in lời mình nói với người mẹ: "Nếu như do cháu làm mà lại được bao che như thế này thì sau này lớn lên rất nguy hại cho cháu".

Hóa ra, ngay cả khi đó cô vẫn bám vào hai chữ "nếu như", vẫn nghĩ theo chiều hướng đứa trẻ kia có tội. 

Người mẹ ngồi đối diện, vẫn giữ bình tĩnh: "Thưa cô, còn khi đứa trẻ bị đổ oan, bị bắt nhận một tội mà chúng không làm sẽ còn nguy hiểm, đáng sợ hơn nữa". 

Trước khi ra về, người mẹ nói thêm, chị chỉ muốn trao đổi với cô để hai bên hiểu vấn đề một cách công tâm, công bằng với đứa trẻ. Chị không muốn làm ầm ĩ sự việc lên ban giám hiệu nhưng con chị cần một lời xin lỗi từ cô. 

Sau một đêm trăn trở, ngày hôm sau, cô nói chuyện với cậu học trò. Khi cô nói lời xin lỗi, cậu bé thủ thỉ vào tai cô: "Mẹ con nói sau mỗi sự việc sẽ giúp cô trò hiểu nhau hơn". 

Giờ không còn dạy cháu bé, cô vẫn giữ kết nối với người mẹ. Người mẹ được con tin tưởng chia sẻ những khó khăn học đường cháu gặp phải; người mẹ nỗ lực bảo vệ con một cách có lý có tình, người mẹ quan tâm và dành thời gian thật sự cho con.

Chiếc nắp bồn cầu bị hỏng, mẹ đơn thân bắt cô giáo xin lỗi con trai-3
Người lớn luôn cần cẩn trọng trong ứng xử với trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: Nam Anh).

Đặc biệt, cô cảm ơn người mẹ ấy giúp mình trưởng thành hơn khi có cơ hội lên tiếng xin lỗi học trò, giúp cô hiểu rằng trong hành trình giáo dục, người thầy không được "kết tội" một đứa trẻ...

Kể lại bài học của mình trước đồng nghiệp, cô giáo muốn gửi gắm rằng người thầy cần phải học hỏi mọi lúc mọi nơi, cần cẩn trọng trong ứng xử với học trò... Thêm một điều, cô nhắc mình, giờ đây nhiều phụ huynh rất hiểu biết, có trình độ, dám lên tiếng...

Người làm giáo dục hãy học cách cởi mở tiếp thu, đón nhận cùng đối thoại trên tinh thần xây dựng. 

Theo Dân trí