Theo VTC News, chiếc ghế hình rồng độc đáo cao 1,65m, rộng 2m được chế tác từ sơn mài trên gỗ lũa, mạ vàng 24k.
Toàn thân ghế được khảm vỏ cửu khổng (bào ngư), vỏ trứng…Sau khi phủ lên 10 lớp màu, để tạo sự độc đáo, khác lạ hơn nữa cho tác phẩm, anh Phát tiến hành dát bạc, rồi lại đốt những lá bạc đó để tạo những vân đen sâu. Cuối cùng mới đến lớp mạ vàng 24k.
Khoảng 2.500 lá vàng, tương đương 500g vàng 24k đã được dùng để đắp lên chiếc ghế “độc nhất vô nhị” này. Ảnh: Tiền Phong
Khoảng 2.500 lá vàng, tương đương 500g vàng 24k đã được dùng để đắp lên chiếc ghế “độc nhất vô nhị” này.
Tác giả đã khéo léo lồng ghép hình tượng con rồng (thời Lý) đậm chất Việt, kết hợp với bộ chân 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn như chuẩn bị bay lên.
Từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thành chiếc ghế hình rồng, anh Phát mất khoảng 2 năm.
Theo anh Phát, con rồng là hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt. Rồng được coi là biểu tượng linh thiêng, tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, may mắn, cũng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng).
Rồng cũng là nguồn cảm hứng để nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm để chào đón Tết Giáp Thìn 2024 với tên gọi “con Rồng cháu Tiên”, được làm từ nhiều chất liệu như gỗ, sơn mài, gốm, kim loại.
Rồng cũng là nguồn cảm hứng để nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho ra mắt bộ sưu tập 1.000 tác phẩm để chào đón Tết Giáp Thìn 2024 với tên gọi “con Rồng cháu Tiên”. Ảnh: Tiền Phong
“Truyền thuyết 'Con Rồng cháu Tiên' nói về xuất thân của người Việt là nòi giống rồng tiên, rồng chỉ Lạc Long Quân, tiên chỉ Âu Cơ.
Đây cũng là hình ảnh dùng trong thơ ca Việt Nam với hàm ý thể hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam”, anh Phát phân tích.
Ngoài chiếc ghế rồng được tác giả định giá 2 tỷ đồng, 999 tác phẩm khác trong bộ sưu tập mang ý nghĩa con rồng cháu tiên, vừa dùng để trưng bày vừa bán cho khách tham quan có nhu cầu với giá từ 5-15 triệu đồng/sản phẩm.
Với kinh nghiệm 22 năm gắn bó với nghề, đến nay nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã có riêng cho mình một xưởng điêu khắc sơn mài thủ công.
Không chỉ tâm huyết với cái nghề đã gắn bó với mình từ thuở còn ngồi trên ghế giảng đường, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn ấp ủ ý định đưa sơn mài đến gần hơn với mọi người.
Chia sẻ trên báo Tiền Phong, nghệ nhân sơn mài cho biết: "Tôi biết có rất nhiều người yêu thích sơn mài nhưng rất khó để tiếp cận, bởi sơn mài rất kén người dùng do đề tài của sơn mài khá hạn chế, mọi người sẽ có cảm giác hoài cổ, cũ kĩ.
Ngoài ra, giá thành của sơn mài khá cao nên cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người khó tiếp cận.
Chính vì vậy, cách làm sơn mài của tôi là luôn đưa sơn mài đến gần hơn với đời sống hiện tại bằng cách sáng tạo những dáng sản phẩm sơn mài đơn giản hơn, khúc triết hơn để dễ dàng trang trí hơn trong nội thất gia đình.
Qua đó giúp người dùng dễ dàng tiếp cận sản phẩm hơn, đồng thời thu hút khách quốc tế khi tìm đến những sản phẩm mang đậm văn hóa Việt".
Du khách rất hứng thú với không gian trưng bày sơn mài của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát. Ảnh: Tiền Phong
Với khao khát giữ lửa truyền thống cho mỹ thuật sơn mài, anh đã mở lớp dạy nghề miễn phí tại nhà và thu hút nhiều người đến học.
"Tôi mở lớp dạy nghề miễn phí với mong muốn là tìm được những 'truyền nhân' có thể cùng tôi xây dựng và vực làng cổ Đường Lâm thành một làng nghề sơn mài truyền thống", anh Phát nói.
Nhờ sự đặc biệt và độc đáo trong việc chế tác sản phẩm, xưởng điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát gần đây đã trở thành một địa điểm thu hút số đông du khách trong hành trình khám phá các sản phẩm nổi tiếng của Xứ Đoài.
Bên cạnh đó, nghệ nhân sơn mài còn mở một lớp trải nghiệm "Nghề làng" tại đình làng để du khách khi ghé thăm làng cổ sẽ có cơ hội trải nghiệm những nghề truyền thống của mảnh đất cổ Đường Lâm.
Ngoài ra, ngay tại tư gia của mình ở làng cổ Đường Lâm nghệ nhân cũng mở một không gian trưng bày những sản phẩm sơn mài hoàn thiện và mở cửa tham quan miễn phí để nhiều người có cơ hội đến thưởng lãm.
Có tài và "không giấu nghề", nghệ nhân luôn muốn lan tỏa niềm đam mê đến với nhiều người. Những người tìm đến học nghề đều được anh Nguyễn Tấn Phát chỉ dẫn rất tận tình, có những người được làm việc hỗ trợ luôn trong xưởng của anh.
Hiện tại, xưởng sản xuất của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát có khoảng 8 nhân công làm việc trong đó có 4 người làm sơn, 4 người hỗ trợ điêu khắc gỗ.
Thậm chí, với những người điêu khắc gỗ làm tại nhà anh còn phải đến từng nhà để điều chỉnh để có thể hoàn thiện những tác phẩm điêu khắc đó một cách chính xác nhất.
"Tôi phải chẻ nhỏ từng công đoạn bởi quy mô xưởng của tôi không đủ để đáp ứng được nhiều người sản xuất cùng một lúc, nhất là sản xuất mộc thì cần rất nhiều diện tích", nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm sự.
Hiện nay, không chỉ hằng tuần đều có những lớp đến không gian trưng bày của anh để trải nghiệm vào những ngày cuối tuần mà đây còn thu hút được rất nhiều khách nước ngoài đến tham quan.
Nghệ nhân cho biết: "Khi mới mở lớp trải nghiệm sơn mài miễn phí tôi rất bất ngờ vì không nghĩ rằng giới trẻ hiện nay lại dành nhiều sự quan tâm đến nghề truyền thống như vậy.
Trong dịp hè vừa rồi, tôi ước tính đã đón khoảng 4.000 đến 5.000 du khách đến để trải nghiệm lớp dạy nghề miễn phí.
Đặc biệt, những du khách nước ngoài họ rất quan tâm và thậm chí còn muốn học nghề. Họ tỏ ra thích thú với những giá trị mà sơn mài đem lại cho cuộc sống."
Được biết, trước đó, anh Phát cũng đã cho ra mắt bộ sưu tập 1010 tượng trâu sơn mài, 2.000 bức tượng hổ sơn mài, 2023 tượng mèo sơn mài để chào đón Tết Tân Sửu 2021, Tết Nhâm Dần 2022 và Tết Quý Mão 2023.
Theo Người Đưa Tin