Choáng váng trong thế giới “ăn mày”

Theo một số chị bán quán nước, gã có đến hai cô bồ. Tối tối, khi gã diện bộ cánh đẹp nhất, tóc phun vàng, đeo dây chuyền nửa cây vàng, dẫn bồ đi chơi, thì chả ai còn nhận ra gã ăn mày ung thư chờ chết lúc ban ngày nữa.

Ngoại trừ những số phận đáng thương bị vướng vào đường đây chăn dắt ăn xin, thì hiện nay, vẫn còn đó một bộ phận sức dài, vai rộng nhưng biếng nhác… dùng đủ mánh lới, giả què quặt, đui mù để kiếm ăn.

Giả lở loét, què quặt

Cơn mưa dầm chiều qua khiến con đường dẫn vô chợ đầu mối Tam Bình càng thêm nhầy nhụa. Một gã đàn ông chừng 38 tuổi, mặt mày lem luốc, râu ria xồm xoàm, mái tóc rối nùi cứ bết chặt vào nhau từng mảng như lâu ngày chưa được tắm gội. Gã nằm dặt dẹo giữa chợ, trên người khoác bộ quần áo rách tả tơi như miếng giẻ lau. Cái ống quần te tua đã được gã kéo lên tận đầu gối để lộ những vết lở loét bốc mùi hôi thối. Tay cứ chìa ra chiếc ca nhựa màu vàng đã xỉn màu mỗi khi có người đi ngang qua, ánh mắt van xin của gã đầy vẻ đáng thương. Người qua, kẻ lại, vừa ghê sợ, vừa tội nghiệp gã nên đặt vào chiếc ca nhựa ấy ít tiền. Người ăn mày đó lần lượt gom những đồng tiền vừa được bố thí nhét vội vào túi áo trong. Cứ thế, chiếc ca nhựa hết đầy lại vơi.

Sau ba giờ nằm dài ở đó, thấy kiếm được cũng kha khá, gã lết dần ra chỗ vắng người. Sau khi xếp gọn những tờ tiền nhàu nát nhét vào bên trong, gã ăn mày bỗng dưng đứng phắt dậy một các khỏe khoắn, có vẻ như những vết thương kia không còn hành gã nữa khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên. Khi gã ăn mày ngoắt xe ôm chở gã ngược về hướng chợ Thủ Đức, chúng tôi bám theo gã sát nút. Trên đường đi, gã bảo anh xe ôm ghé vào tiệm bán đồ nhậu, gã mua một bịch phá lấu và chai rượu đế.  


Nhiều người ăn mày làm đủ "trò" để xin lòng thương hại.

Màn đêm buông xuống, ánh đèn đường vàng vọt hắt rõ hai gương mặt hốc hác, bốn con mắt đỏ ngầu đã bị rượu làm cho đờ đẫn. Sau khi cánh cửa tiệm shop thời trang đóng sập, gã ăn mày mà chúng tôi theo dõi cùng một gã ăn mày trí thức mà chúng tôi làm quen trước đó một tuần, lập tức chiếm dụng ngay vỉa hè. Mới hồi chiều đây, gã còn nằm rên rỉ xin của bố thí mà lúc này gã tỏ ra nhanh nhẹn lạ, gã nhặt cái bình trống không nằm lăn lóc dưới đất, bên cạnh đĩa mồi vừa mới vơi đi một nửa, gã bước từng bước xiêu vẹo đi tìm mua rượu đế.

Còn một mình gã ăn mày trí thức ngồi lặng lẽ ở đó, sở dĩ chúng tôi gọi gã là trí thức vì gã có vốn ngoại ngữ khá dồi dào, gã biết nói tiếng Anh, tiếng Pháp, gã đọc làu làu cho chúng tôi nghe bài thơ “hai sắc hoa Tigôn”. Không biết gã từ đâu đến. Gã trí thức này không xin, chỉ lang thang, vạ vật, ai cho gì ăn nấy, nên giới ăn mày vừa nể vừa quý gã, nhiều người đi xin về còn chia phần cho gã.

Vì chúng tôi hay mua bánh cho gã ăn, hay cho gã tiền, hay ngồi trò chuyện tầm phào với gã nên gã rất mến chúng tôi. Nghe chúng tôi gợi chuyện rằng đã thấy ông bạn nhậu của gã nằm lê lết ở chợ đầu mối Tam Bình, ông ấy lở loét thấy ghê mà bôi thuốc gì sao nhanh hết vậy. Lập tức, gã ăn mày trí thức cười khà khà bảo đó là ngón nghề của bạn gã mà. Thấy chúng tôi háo hức muốn biết cái tiểu xảo đó được làm như thế nào, gã trầm ngâm rồi tuôn ra một tràng.

Thì ra, cái lớp vết thương ghê sợ đó là tác phẩm của mủ cao su quết lên đó, đợi mủ cao su khô, dùng tăm để tạo vết lồi lõm và hình thù khi cao su se lại, sau đó, gã ăn mày sẽ dùng một miếng rửa chén vẩy mạt sắt lên rồi dùng bông ngoáy tai chấm chút mực in đỏ bôi xung quanh vết nhầy nhụa đó. Lấy tăm bóc những viền cao su khô để tạo sự tróc vẩy cho lớp thương giả rồi gã đổ mực in vào giữa lòng vết thương. Gã bảo phải bôi lớp dày, lớp mỏng thì vết thương mới giống thật. Còn muốn có mùi hôi thối thì lấy cám trộn với mắm ruốc, bảo đảm mùi bốc lên không chê vào đâu được. Tuy nhiên, để có được một cánh tay bầm đen, sưng tấy thì phải chịu khó tối ngủ lấy vải hoặc dây thun bản to quấn cánh tay lại. Sáng ra  sẽ có một cánh tay giống như sắp bị hoại tử.

Chúng tôi trở về nhà khi đồng hồ đã điểm 12 giờ khuya. Đường sá vắng tanh, trên vỉa hè vẫn còn hai gã ăn mày ngồi lai rai bù khú với mấy xị rượu đế.

Kịch bản "ung thư giai đoạn cuối"

…Tiếng thều thào, rên rỉ xin của bố thí của người ăn xin ngồi ngay góc nhà thờ Thủ Đức nghe giống như tiếng từ cõi âm vọng về. Ngoài đường, xe chạy ầm ào gần như át đi cái giọng nói yếu ớt của gã. Hai bàn tay gầy trơ xương của gã run run chìa cái mũ vải ra, chân chỉ còn một chiếc dép lào mòn vẹt, tay cầm một cái bịch vải cũ mèm, một cây gậy ba toong cùng bộ dạng rách rưới… kịch bản thương tâm được gã sắp sẵn khi có ai hỏi tới, kèm theo một bộ mặt thảm sầu như nhà có đám tang.

Gã giở cái bụng còn băng một lớp băng trắng hếu lên cho chúng tôi coi rồi kể lể rằng, gã bị ung thư bụng giai đoạn cuối, bữa giờ xin được một trăm rưỡi ngàn định về quê mà đêm ngủ tụi ăn trộm nó rạch túi lấy mất. Chúng tôi lẳng lặng đặt vào cái mũ rách của gã vài ngàn lẻ. Tan lễ, mọi người túa ra, gã lết lại cổng, nhẫn nại đưa cái mũ chìa ra từng người để mong nhận được chút của bố thí.

Nghe chúng tôi hỏi về gã ăn mày ngồi ngay góc nhà thờ, Chị Thu ngồi bán quán nước đối diện nhà thờ Thủ Đức tỏ ra bất bình: “Nó còn tay, còn chân đầy đủ mà cứ thích đi ăn xin. Thằng đó làm biếng, chứ như nó thì đi bán vé số sống khỏe nhưng nó lại không đi, chỉ thích ngồi đó xin người ta cho”.


Họ có mặt ở những nơi đông người qua lại với đủ "kịch bản" đáng thương.

Ở khu vực này, có không ít những gã ăn mày như thế. Có gã, ngày quấn băng đầy tay, chân, máu mủ đầy, tự xưng vướng căn bệnh “ung thư gia” chỉ còn chờ chết để nhận được sự cảm thông của thiên hạ, ngày gã xoay vòng các khu vực ngã tư thủ đức, Kha Vạn Cân, Linh Trung… Nhìn thân hình còm cõi, bệnh hoạn của gã, ai mà không thương xót móc túi cho gã vài đồng để gã có tiền húp miếng cháo, ăn miếng cơm sống qua ngày, như lời gã nói.

Thế mà, theo một số chị bán quán nước khu vực Khu công nghiệp Linh Trung, gã có đến hai cô bồ cùng lúc. Tối tối, khi gã diện bộ cánh đẹp nhất, tóc phun vàng, đeo sợi dây chuyền nặng nửa cây vàng, dẫn bồ đi ăn chơi, thì chả ai còn nhận ra gã ăn mày ung thư chờ chết lúc ban ngày nữa.

Chúng tôi không bình luận thêm, chỉ xin nói lại cái suy nghĩ của một bà cụ hơn 80 tuổi, mắt mờ đục, lưng bà còng gần chạm đất mà ngày nào bà cũng lọ mọ chống gậy đi bán từng tờ vé số. Bà bảo còn sức thì còn đi bán, có chết đói cũng không ăn xin, nhục lắm!

Theo Đời sống pháp luật

Tin tức mới nhất