Anh Bình (Hà Đông – Hà Nội) than thở, đã từ rất lâu rồi anh chưa được cầm tờ hoá đơn tiền điện có chỉ số tiền dưới 800.000 đồng, mà chỉ toàn 900.000 – 1.000.000 đồng. “Đồ dùng trong nhà vẫn từng ấy thứ, mức dùng vẫn như xưa, nhưng tiền điện từ hồi chuyển về nhà mới này toàn gấp ba, gấp 4 lần hồi còn ở nhà thuê...”- anh Bình bức xúc và chìa tờ hoá đơn tháng 2/2016 vừa đóng.

Tiền điện cũng bỗng dưng tăng “sốc” gấp đôi trong tháng 2, chị Hoài (Thanh Trì – Hà Nội) tá hoả khi cầm tờ hoá đơn điện trên tay. Điều chị Hoài thấy nghi vấn là mức độ dùng điện của nhà chị các tháng trước và tháng 2 đều như nhau, vẫn từng ấy cái quạt, đèn, điều hoà... vậy nhưng tiền điện tháng 2 cận kề Tết lại tăng vọt so với các tháng trước. Chị Hoài cười đùa,  “tháng trước nhà mình có hơn 300.000 đồng, vậy mà tháng này tăng tới trên 700.000 đồng. Mức dùng các thiết bị điện vẫn thế. Chắc ngành điện thưởng Tết. Không biết tháng 3 nghỉ Tết về quê gần chục ngày tiền điện có bớt đi được đồng nào không hay vẫn ngất ngưởng thế này”.

“Khó hiểu quá” là câu cửa miệng chị Loan (chủ hộ sử dụng điện tại Thanh Trì – Hà Nội) thốt ra khi nhận hoá đơn điện từ nhân viên điện lực. Không sử dụng máy sưởi, máy sấy quần áo, không sử dụng bếp từ... trong những ngày Hà Nội vào đợt rét kỷ lục, nhưng tiền điện tháng 2 nhà chị Loan vẫn gấp rưỡi tháng trước, lên gần 700.000 đồng.

“Mình có thắc mắc với nhân viên thu ngân thì họ chỉ trả lời chắc tại do trời rét nhà dùng nhiều đồ sưởi ấm, nhưng thực tế thời gian vừa rồi nhà mình không sử dụng mấy đồ điện nói trên. Vì sao tiền điện lại tăng sốc vậy trời?”- chị đặt câu hỏi.

Choáng váng vì tiền điện tăng sốc - Ảnh 1.

     Hoá đơn tiền điện tăng cao gấp đôi, gấp ba trong tháng 2/2016 khiến nhiều hộ dân bức xúc

Choáng với hoá đơn điện tháng 2 bỗng dưng tăng lên tới gần 1,7 triệu đồng, anh Mạnh – một hộ sử dụng điện tại Thanh Trì (Hà Nội) chua chát nói, tiền điện cả công ty mấy chục người cũng chẳng hơn là bao so với gia đình 4 người dùng...

Không chỉ gia đình anh Bình, chị Hoài, chị Loan... có hoá đơn tiền điện tháng 2 cao bất thường so với tháng trước, mà theo phản ánh của nhiều hộ dân tại khu vực quận Hà Đông, huyện Thanh Trì (Hà Nội), tình trạng này đã xảy ra khoảng 2 – 3 tháng trở lại đây.

Thấy tiền điện tăng “sốc” bất thường, anh Bình đã liên hệ với phía điện lực kiểm tra công tơ điện nhưng chỉ nhận được câu trả lời “tất cả bình thường”. “Chẳng có lẽ mua cái công tơ khác đấu trong nhà để so sánh với công tơ điện lực” – anh Bình nói.

Lời khuyên của “nhà đèn” là khi có bất kỳ sự bất thường nào về hóa đơn điện khách hàng có thể liên lạc với hotline để được giải đáp, nhưng theo đa số các hộ dân, giải đáp của ngành điện rất chung chung, không rõ ràng và không thỏa đáng.

Theo anh Bình, dường như ngành điện đào tạo mặc định cách trả lời khách hàng hay sao mà lần nào gọi lên tổng đài phàn nàn tôi cũng chỉ nhận được câu trả lời do thời tiết nóng/lạnh nên khách hàng sử dụng tăng các thiết bị làm mát/nóng, do đó tiền điện tăng cao... Thử hỏi ngành điện đã kiểm tra để biết rõ nguyên nhân, trách nhiệm từ đâu chưa hay chỉ đổ lỗi cho dân... “Tôi gọi điện lên tổng đài để phản ánh, nhưng biết phản ánh chỉ để đấy thôi chứ chẳng có tác dụng gì” – anh buồn rầu.

Hồi tháng 3/2015 giá điện bình quân đã tăng 7,5% lên mức 1.622,05 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nhờ tăng giá, doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng thêm 1.800 tỷ đồng, tương đương 18% so với năm 2014.

“Nhà đèn” đã không minh bạch trong việc rà soát chi phí đầu vào để làm cơ sở tính toán và điều chỉnh giá bán lẻ điện ... vẫn là điều mà các chuyên gia kinh tế nhắc tới khi bàn luận về giá điện, cách tính giá điện hiện nay. Mỗi lần nhắc đến chuyện giá điện, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đều thở dài bình luận, “nhà đèn đã không sòng phẳng với dân”.

Còn nhớ, sau những bức xúc của dư luận về hoá đơn điện tăng bất thường, tại cuộc họp với ngành điện hồi tháng 7/2015 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã yêu cầu ngành điện rà soát và nghiên cứu thay đổi lại cách tính biểu giá điện theo luỹ tiến, chia 6 bậc thang đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tiền điện sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân tăng bất thường gấp đôi, gấp ba trong các tháng giữa năm 2015.

Theo đó, cách tính biểu giá điện mới có thể từ 6 bậc rút về còn 3 bậc để giảm gánh nặng cho người dân. Tính đến nay đã gần 7 tháng trôi qua nhưng bản dự thảo cách tính biểu giá điện mới vẫn chưa được xây dựng.

Lãnh đạo Bộ Công thường thừa nhận, biểu giá điện hiện có nhiều bậc thang khác nhau theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền là chưa thực sự thuyết phục và có lợi cho người dùng điện.

Sau nhiều than vãn của người sử dụng điện về cách tính điện đang có lợi cho “nhà đèn”, bất lợi cho người tiêu dùng, ông Đinh Thế Phúc – Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) trong cuộc họp hồi tháng 2/2016 xác nhận, cơ quan này vẫn đang lấy ý kiến về phương án thay đổi cơ cấu giá bán lẻ. Cụ thể, nội dung đề xuất điều chỉnh giá bán điện 3 tháng/lần là để bắt nhịp hơn với tín hiệu thị trường. Điều này phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng là giá điện phải tiệm cận giá thị trường, song tất cả vẫn đang chờ xây dựng dự thảo.

Trong khi chờ đợi, người dân vẫn phải chịu cách tính giá luỹ tiến theo 6 bậc. Giá bán lẻ điện sinh hoạt thấp nhất là 1.484 đồng/kWh cho mỗi kWh điện từ 0 – 50 và cao nhất là gần 2.600 đồng cho mỗi kWh điện từ 401 trở lên...

Theo Infonet