Tiền điện tháng 6 gây "choáng váng" như thế nào?

Nhiều người dân đã "choáng váng" khi nhận hóa đơn tiền điện tháng 6 với số tiền tăng vọt so với tháng trước đó. Dưới đây là những hình ảnh so sánh rõ ràng nhất.

EVN giải thích tiền điện tăng là do nắng nóng. Tuy nhiên, người dân đặt nhiều nghi vấn khác.

Tăng “sốc”

Bà Tố Nga ở CT8B khu Đô thị Đại Thanh cầm tờ tháng 6 mà ngạc nhiên. “Hai ông bà về hưu, thiết bị điện dùng vẫn thế, vậy mà tháng 5 có hơn 500.000 đồng. Tháng 6 vọt lên 821.000 đồng”. Bà Nga bảo với cách tính hệ số lằng nhằng in trên hóa đơn, những người về hưu như ông bà mắt kém, tính toán lại không rành nên không biết đúng sai thế nào.

Hóa đơn điện 2 tháng gần đây của bà Nga

Hóa đơn điện 2 tháng gần đây của bà Nga

Ở các trang mạng xã hội, cư dư mạng cũng sửng sốt khi cầm hóa đơn tiền điện trên tay. Bạn có nickname Triệu Triệu Bông Hồng bình luận: “Nhà em tháng trước 512 nghìn, tháng này 1 triệu 612 nghìn. Trong khi em đi từ 8h sáng đến 10h đêm, vậy mà tiền điện tăng gấp 3”.

Anh Vũ Lương (Khương Đình, Thanh Xuân) cho biết, trong khi hoá đơn tiền điện tháng 4, tháng 5 phổ biến ở mức khoảng 400 kWh, tương đương từ 900.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng nhưng hoá đơn tiền điện nhận được trong ngày 22/6 đã tăng vọt lên mức tiêu thụ 875 kWh, tương đương hơn 2,2 triệu đồng.

Điểm đáng lưu ý, trong hoá đơn mà gia đình anh mới nhận không ghi chỉ số đầu kỳ. Tuy nhiên, với chỉ số cuối kỳ và tổng điện năng tiêu thụ, chỉ số đầu kỳ tháng 6 trùng khớp với chỉ số cuối kỳ trong hoá đơn tháng 5.

Anh Lương đã chia sẻ bức ảnh chụp hoá đơn tiền điện trong 3 tháng liên tiếp đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook và nhận được nhiều phản hồi chia sẻ, đồng cảm vì họ cũng đang trong tình trạng hoá đơn tiền điện tăng vọt tương tự.

Theo anh Lương, tiền điện tăng gấp đôi tháng trước trong khi các thiết bị điện vẫn được sử dụng tương đương. "Theo hoá đơn, mỗi ngày gia đình tôi đã sử dụng 29 số điện, mặc dù mùa đông dùng máy sưởi, bình nóng lạnh công suất lớn và liên tục nhưng chưa bao giờ số điện tăng cao bất thường như vậy", anh Lương nói.

Hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi là mức tăng tương đối phổ biến. Ảnh chụp được anh Lương chia sẻ trên mạng xã hội

Hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi là mức tăng tương đối phổ biến. Ảnh chụp được anh Lương chia sẻ trên mạng xã hội

Bạn Vinh Tran viết trên trang cá nhân: “Với cách tính tiền điện hiện nay em dự kịch bản như sau: chẳng hạn 1 gia đình tháng 4 sử dụng 400 số điện, tháng 5 sử dụng 500 số (do trời nóng dùng nhiều điều hòa). Khi đó tháng 4 các anh thu tiền điện chỉ ghi công tơ 300 số, 100 số còn lại đẩy qua tháng 5 thành 600 số. Do cách tính lũy tiến nên số điện thực tế dùng không đổi nhưng số tiền người dân phải đóng cho EVN đắt hơn nhiều và tiền điện tháng 5 gấp đôi tháng 4 thậm chí hơn là điều dễ hiểu. Những cụ chưa bị tăng trong tháng 5 kiểm chứng vào tháng 6 nhé, khả năng tiền điện sẽ rất cao đấy”.

Khi được hỏi về tiền điện tháng 6 này, chị Hoàng Thúy Hạnh ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì lục lại các hóa đơn để đối chiếu. Điều đáng nói là những hóa đơn từ đầu năm cho đến tháng 4 vừa rồi đều bị bay hết chữ. “Ngành điện mới đổi sang hóa đơn kiểu này. Hóa đơn kiểu gì mà tôi đã cất trong ngăn kéo cẩn thận, cái mới nhất chỉ 2 tháng mà chữ đã mờ hết. Thế này thì lấy đâu mà đối chiếu”, chị Hạnh vừa đưa cho chúng tôi hai tờ hóa đơn bay hết chữ vừa bức xúc nói.

Hóa đơn điện bay hết mực khiến chị Hạnh không biết cái nào của tháng nào trong năm.

Hóa đơn điện bay hết mực khiến chị Hạnh không biết cái nào của tháng nào trong năm.

Tại thời tiết?

Trước tình trạng hoá đơn tiền điện tăng đột biến, cho rằng, nắng nóng kéo dài liên tục từ đầu tháng 5/2015 đến tháng 6/2015 nên nhu cầu làm mát tăng cao.

Từ đầu tháng 5/2015 đến nay, nhiệt độ tại thành phố Hà Nội tăng cao từ 33oC đến 40oC, chênh lệch nhiệt độ ngoài trời so với trong nhà cao, máy phải làm việc hết công suất nên điện năng sẽ rất cao, không có ngắt nghỉ.

Tuy nhiên, cách lý giải đó vẫn chưa đủ sức thuyết phục. Ai cũng biết, thời điểm này năm ngoái, ngành điện đã phải kỷ luật một số nhân viên ghi số điện sai hoặc dùng "thủ thuật" ghi hoá đơn tháng trước ít số kWh còn lại được cộng dồn vào hoá đơn tháng sau và với cách tính luỹ kế, người dùng âm thầm bị "móc túi" mà chỉ đến khi con số tăng quá mạnh mới đặt nghi vấn.

Theo Gia đình & Xã hội

Tin tức mới nhất