Tôi kết hôn với anh đã được hơn hai năm. Anh là quản đốc của một nhà máy sản xuất gỗ có tiếng của thành phố, còn tôi là nhân viên bán thuốc Tây. Tôi vẫn nhớ ngày yêu nhau, anh luôn tỏ ra hào phóng và rất chiều chuộng người yêu. Mấy đứa bạn tôi còn phải ghen tỵ vì tôi được một bạn trai lý tưởng. 

Sau khi kết hôn được hơn một năm thì tôi sinh con gái đầu lòng. Vì bận bịu chăm sóc con nhỏ nên anh bảo tôi nên xin nghỉ việc. Chính thời gian này trở đi, con người anh trở nên thay đổi. Anh bắt đầu bộc lộ bản chất ích kỷ và hẹp hòi. Tôi cũng dần thấm thía cảnh ăn bám, chầu chực vào người chồng keo kiệt là thế nào. Không giống như những ngày đầu lấy nhau về, tôi là người nắm toàn bộ việc chi tiêu trong nhà. Giờ đây, tiền bạc anh kiếm được thì cũng chính tay anh nắm giữ. 

Tôi thấy vô lý nên nhiều lần thắc mắc với anh thì anh lại thái độ khó chịu. Anh bảo rằng giờ tôi chỉ cần chăm con còn chi tiêu gì thì để anh lo, tính em bộp chộp thì không an tâm để giao tài khoản.

Tôi thực sự sốc khi chồng nói câu đó vì bản thân anh thừa biết tôi vốn là người rất giản dị, tiết kiệm và luôn biết cách sử dụng đồng tiền sao cho hợp lý. Trước đây, khi tôi cáng đáng việc chi tiêu thì sao anh lại luôn khen tôi chu đáo mà giờ lại nói ngược như thế chứ.

ăn bám

Vậy mà anh liền quát tôi và bảo tiền bạn mừng đám cưới tôi thì nhà tôi giữ chứ anh không thu. (Ảnh minh họa)

Có lần tôi nhận được thiệp hồng của nhỏ bạn thân nhưng khi hỏi xin anh tiền đi mừng thì anh giận dữ không cho. Anh nói rằng có gia đình thì bạn bè nên hạn chế để dành tiền mà nuôi con. Tôi thấy vô lý nên bảo lại lúc trước, mình đám cưới mình mời nó giờ nó mời lại là đương nhiên. Vậy mà anh liền quát tôi và bảo tiền bạn mừng đám cưới tôi thì nhà tôi giữ chứ anh không thu. Giờ đừng đòi anh bỏ tiền ra. 

Lúc ấy, tôi biết nói gì thì chồng cũng không hiểu nên ấm ức gọi điện vay bạn bè ít tiền để đi mừng đám cưới.

Lương chồng tôi phải đến hơn chục triệu nhưng chưa bao giờ tỏ ra phóng khoáng trong việc chi tiêu. Mỗi lần tôi đi chợ về, anh lại kiểm tra danh sách thức ăn rất kỹ càng nên dù có muốn mua gì thêm thì tôi cũng phải nói cạn nước bọt mới được mua.

Có hôm bố mẹ tôi lên thăm cháu ngoại, vì đã lâu không gặp nên tôi tính làm một mâm cơm cho tử tế để mời ông bà. Vậy mà khi hỏi tiền đi chợ thì anh lại cằn nhằn khó chịu. Anh nói rằng các cụ ở quê không quen ăn đồ ngon đâu nên cứ mua rau cỏ gì cho qua bữa là được. 

Khi con gái được gần chín tháng, tôi bàn bạc với anh mở một quầy thuốc Tây để bán. Vì dù sao tôi cũng có bằng cấp trong tay, huống chi có thêm thu nhập thì cũng đỡ phải chịu cảnh ăn bám. Vậy mà tôi mới mở lời xong anh đã mắng té tát vào mặt. 

ăn bám

Anh hầm hầm nói tôi là ngớ ngẩn khi cả thành phố có đến hàng trăm tiệm thuốc Tây lớn nhỏ mà còn a dua học đòi mở làm gì. Anh còn nhảy dựng lên nói lớn rằng mở tiệm ra được ba bữa rồi bán nhầm thuốc giả cho người ta thì chỉ có nước vào ngồi tù. Tốt nhất tôi nên ở nhà an phận thủ thường, chăm con là được.

Nghe anh nói mà tôi thấy ấm ức vô cùng! Trước đây thì anh bảo sẽ cho tôi làm lại công việc sau khi con đủ tháng, giờ lại cấm đoán như vậy.

Chẳng lẽ cả cuộc đời này, tôi chỉ biết ăn bám và sống dựa vào một ông chồng keo kiệt và bủn xỉn như thế?

Mọi người hãy cho tôi một lời khuyên để tôi có thể giải quyết vấn đề này được không? Cứ phải sống mãi với một ông chồng có sở thích đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành  này thì chắc tôi không chịu nổi mất.

Theo Afamily/Trí thức trẻ