'Chồng Người Ta': Thảm họa điện ảnh với kịch bản rối rắm, diễn xuất tẻ nhạt

Ôm đồm quá nhiều thể loại khiến tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến mất đi cảm xúc cần có.

Ngay từ những đoạn trailer đầu tiên, Chồng Người Ta đã gây sốc khi đánh mạnh vào những cảnh khỏa thân, tình yêu đồng tính hay câu thoại gây tò mò. Điều này vô tình khiến khán giả nhầm tưởng bộ phim theo đề tài giật gân thay vì tâm lý. Chính sự tham lam này của ê-kíp đã khiến tác phẩm trở nên nhạt nhẽo.


Trailer phim

Nội dung Chồng Người Ta bắt đầu tại một lò gạch từ nhiều năm trước. Chàng công nhân rắn rỏi Cường (Trịnh Xuân Nhản) và cậu chủ Trung (Hữu Tài) vô tình nảy sinh tình cảm. Song, gia đình Trung ra sức ngăn cấm mối quan hệ trái với “luân thường đạo lý” này và đuổi nhân tình của con trai đi trong trạng thái không mảnh vải che thân. 

20 năm sau, Cường lúc này đã thành đạt khi sở hữu một phòng gym nổi tiếng. Anh còn có gia đình hạnh phúc với bà chủ tiệm thời trang Trúc (Yaya Trương Nhi) và cậu con trai Hải (Trần Ngọc Vàng).

Lúc này, Thắng (Lý Bình) bất ngờ xuất hiện và tìm mọi cách để tiếp cận Hải và Cường. Bằng một cách nào đó, gã biết rõ từng chi tiết của câu chuyện năm xưa. Cường bắt đầu có sự rung động với người đồng giới trở lại và dần rơi vào cái bẫy tàn khốc.

Chồng Người Ta: Thảm họa điện ảnh với kịch bản rối rắm, diễn xuất tẻ nhạt-1

Nội dung ôm đồm và phi lý

Ngay từ đầu, Chồng Người Ta đã tỏ ra ôm đồm khi vừa khắc họa câu chuyện của Trúc và Cường vừa kể về mối tình “gà bông” của Hải và Ly (Tú Hảo). Bộ phim khiến người xem không rõ đâu mới là nhân vật chính khi liên tục chuyển cảnh và chia đều thời lượng cho các nhân vật. Do đó mà tác phẩm ngày càng trở nên rời rạc khi các tình huống không có sự ăn nhập.

Không những thế, đạo diễn Nguyễn Hữu Tiến dường như đã tham lam khi không tập trung khắc họa cảm xúc và bi kịch của nhân vật mà còn cố tình thêm vào các nút thắt lẫn âm mưu bí ẩn. Phim liên tục xen kẽ các tình tiết quá khứ và hiện tại để giải thích mối quan hệ giữa Hà (Thanh Trúc), Thắng, Trung và Cường.

Chồng Người Ta: Thảm họa điện ảnh với kịch bản rối rắm, diễn xuất tẻ nhạt-2

Lúc này, Chồng Người Ta bắt đầu lộ rõ sự rắc rối trong khâu kịch bản. Hàng loạt lỗ hổng dần xuất hiện khiến người xem chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra trên màn ảnh. Nếu đơn giản chỉ muốn phá vỡ hạnh phúc gia đình Cường để trả thù thì tại sao Hà lại phải chờ đợi lâu đến thế và kì công một cách vô lý như vậy?

Các nhân vật cứ thế đấu đá qua lại mà chẳng có mục đích gì cụ thể. Phim không mang đến chút cảm giác hồi hộp, giật gân nào mà chỉ là sự chán chường vì quá lẩn quẩn. Đến cuối, Chồng Người Ta lại mang đến một nút thắt bất ngờ khác. Đây là chi tiết khá thông minh của biên kịch nhưng rốt cuộc lại phá hỏng toàn bộ những gì đã xây dựng trước đó. 

Xây dựng nhân vật mâu thuẫn

Không chỉ phần nội dung, các nhân vật trong Chồng Người Ta cũng được xây dựng tâm lý một cách khó hiểu. Ban đầu, số lượng người đồng tính xuất hiện đông đến mức chiếm phần lớn toàn bộ dàn diễn viên. Về sau, đa số họ lại chỉ… giả vờ đồng tính để đạt được mục đích. Đơn cử như Thắng, anh cố tình tung hình giường chiếu với người đàn ông khác trước mặt rất đông học sinh nhưng lại “ngại” khi bị nói là người đồng tính.

Chồng Người Ta: Thảm họa điện ảnh với kịch bản rối rắm, diễn xuất tẻ nhạt-3

Hải và nhóm bạn đều chỉ mới học lớp 11 nhưng chẳng ai nhận ra một nét trẻ trung đúng với độ tuổi của họ. Thậm chí, anh chàng còn dùng những chiêu trò đậm chất người lớn để đi “đánh ghen” vô cùng phi lý. Có lẽ vì thế mà dàn diễn viên Chồng Người Ta dở đều như nhau. Những cái tên như Trịnh Xuân Nhản, Hữu Tài, Trần Ngọc Vàng mang đến loạt biểu cảm cứng đờ, vô hồn và gượng gạo.

Vai Trúc cũng là quá sức với Yaya Trương Nhi – một nữ diễn viên nổi tiếng với vẻ ngoài gợi cảm chứ không phải khả năng diễn xuất. Trong khi đó, Thanh Trúc lại có một màn trình diễn dưới sức khi đáng thương cũng chưa tới và đáng trách cũng chẳng xong. Hải Triều thì vẫn là Hải Triều với những màn chọc cười vào đúng lúc cần cảm xúc nhất của phim.

Chồng Người Ta: Thảm họa điện ảnh với kịch bản rối rắm, diễn xuất tẻ nhạt-4

Nỗi đau của người đồng tính trước sự kì thị của xã hội

Thứ mà Chồng Người Ta làm tốt nhất có lẽ là thể hiện được những bi kịch của người đồng tính trước con mắt kì thị của gia đình và xã hội. Trung và Cường yêu nhau thật lòng nhưng chẳng thể đến được với nhau. Để tròn chữ hiếu cũng như tránh những lời đàm tiếu, họ đành phải lấy vợ, sinh con như bao người đàn ông khác.

Để rồi theo thời gian, cuộc sống của họ ngày càng trở nên giả tạo và không khác gì địa ngục. Kéo theo đó là nỗi đau của những người vợ khi biết được người chồng ở cạnh bên suốt nhiều năm qua chưa một lần yêu thương mình.

Chồng Người Ta: Thảm họa điện ảnh với kịch bản rối rắm, diễn xuất tẻ nhạt-5

Ca khúc chủ đề Đừng Chờ Anh Nữa được thêm vào khá tốt trong vài phân đoạn để đánh vào cảm xúc khán giả. Tiếc là giá như Chồng Người Ta tập trung toàn bộ vào yếu tố này thì đã không “thảm họa” đến thế.

Nhìn chung, Chồng Người Ta là một bộ phim có ý tưởng tốt và nhiều ý nghĩa về cộng đồng LGBT. Song, Nguyễn Hữu Tiến còn non tay trong lần đầu tiên ngồi ghế đạo diễn khiến phim đi lệch quá xa so với kì vọng.

Xuân Vũ
Theo Vietnamnet

 


phim điện ảnh phim chiếu rạp

Tin tức mới nhất