Nhân nhật chính của phim điện ảnh Tôi Là Não Cá Vàng là nữ thiết kế thời trang xinh đẹp tên Huyền (Khánh Hiền). Tuy nhiên, cô bị mắc chứng đãng trí nặng nên thường xuyên quên mất mọi thứ lớn nhỏ trong cuộc sống. Vì quá chán ngán, người yêu của Huyền là Thiên (Tuấn Trần) đành buông lời chia tay.
Trong lúc đau khổ, nữ thiết kế vô tình gặp nhiếp ảnh gia Thoại (La Thành) trong một lần tình cờ. Anh quyết tâm theo đuổi Huyền bất chấp căn bệnh quái ác. Chuyện tình của họ gặp không ít trắc trở khi nữ nhân vật bị chẩn đoán mắc chứng Alzheimer và sẽ chẳng mấy chốc mà mất hết trí nhớ.
Trailer phim
Tính cách nhân vật mâu thuẫn
Ngay từ đâu, Tôi Là Não Cá Vàng đã khiến người xem khó hiểu với tính cách của Huyền. Tuy mắc chứng đãng trí nặng nhưng cô nàng luôn vô tư vô lo, thậm chí là còn đanh đá. Khi bị người yêu chia tay, nữ thiết kế đáp trả bằng việc đến thẳng buổi thuyết trình quan trọng của anh với khách hàng để mà phá phách. Không những vậy, cô luôn hùng hổ tranh cãi khi bị người khác nhắc nhở những việc bản thân quên làm.
Dù luôn miệng than đau buồn vì thất tình, người xem chỉ thấy Huyền cười nói, trêu chọc hết người này đến người khác. Ban đầu, nữ nhân vật nói rằng mình không có cảm xúc với Thoại và chưa quên người cũ. Nhưng rồi chỉ vài ba cảnh quay sau thì cả hai lại quay sang yêu nhau say đắm và tính tới chuyện cưới xin một cách lạc quẻ.
Trong khi đó, Thoại cũng chẳng khá khẩm gì hơn khi theo đuổi Huyền đến chết đi sống lại chỉ sau đôi lần trò chuyện. Anh được khen là chu đáo, tâm lý nhưng chỉ được thể hiện một cách sơ sài. Ngoại việc yêu ra thì Thoại gần như chẳng có gì khác để làm. Nhiều nhân vật khác trong phim cũng được xây dựng vô cùng “cải lương” như mê trai bỏ bạn hay làm đám cưới với người lạ mặt chỉ vì… lỡ gây tai nạn giao thông.
Nội dung phi lý, không mục đích
Ngoài các tuyến nhân vật phản cảm, khán giả cũng khó mà hiểu được đạo diễn Lê Hướng Nam muốn truyền tải điều gì qua “đứa con tinh thần” này. Tôi Là Não Cá Vàng tệ cả về kịch bản lẫn phần kỹ thuật làm phim. Phần lồng tiếng của phim vô cùng cẩu thả và thường xuyên không khớp với khẩu hình nhân vật. Thậm chí, hiện tượng thấy hình không nghe tiếng hay thoại vang lên nhưng chẳng ai nói gì xuất hiện liên tục.
Phim còn chứa đầy những tình tiết phi lý và chẳng hề ăn nhập với cốt truyện. Đơn cử như việc Huyền được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer nhưng nhớ quên ra sao thì lại tùy hứng của nhân vật. Chẳng hiểu sao cô chẳng gặp khó khăn gì trong cuộc sống mà còn thành công dù quên luôn công việc đang làm. Hay như việc cặp đôi bỗng nhiên bị một nhóm giang hồ truy đuổi giữa thanh thiên bạch nhật mà chẳng ai lên tiếng.
Không những thế, tác phẩm còn lạm dụng quá nhiều cảnh chọc cười một cách nhạt nhẽo. Cuối cùng, Tôi Là Não Cá Vàng chẳng những không hài hước mà còn bị kéo dài thời lượng dù nội dung chẳng có là bao. Kết hợp cùng lối chuyển cảnh yếu kém, phim như trở thành hàng chục tiểu phẩm hài chắp vá và không có bất kì liên kết gì. Các nhân vật cứ thế quay cuồng trong việc yêu đương chứ chẳng có mục đích hay ý nghĩa nào.
Thu Trang và Kiều Minh Tuấn khó gánh phim
Không chỉ nội dung, yếu tố diễn xuất trong Tôi Là Não Cá Vàng cũng vô cùng tệ hại. Cả Khánh Hiền và La Thành đều không phù hợp với mẫu nhân vật của mình trong phim. Màn kết hợp của họ cũng vô cùng lạc quẻ và chẳng có cảm giác gì là một cặp đôi đang yêu nhau say đắm.
Khánh Hiền rõ ràng chỉ hợp với những vai diễn hiền lành, có phần cam chịu trong Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (2015) hay Taxi, Em Tên Gì? (2016). Nét nhí nhảnh và đanh đá của Khánh Hiền gây khó chịu hơn là đáng yêu. Không những thế, cô cũng chỉ có vài nét biểu cảm là trợn tròn mắt kinh ngạc hay nhăn nhó xuyên suốt phim mà thôi.
Ở phía đối diện, La Thành vốn ghi điểm với hình tượng hài hước và nhiều biến chuyển như trong Chị Mười Ba – Phần Kết Thập Tam Muội (2019) hay Đôi Mắt Âm Dương (2020). Song, anh lại bị đóng khung với hình ảnh hiền lành, si tình đến mức ngô nghê y hệt trong Vu Quy Đại Náo (2019). Màn trình diễn của La Thành vì thế mà gây thất vọng khi không thể hiện được bất kì cá tính gì.
Được ưu ái cho khá nhiều đất diễn nhưng Thu Trang khó lòng mà cứu vãn tác phẩm. Vai diễn nữ bác sĩ tâm lý kiêm bạn thân của Huyền vai tạo được một vài tiếng cười hiếm hoi. Song, các tình huống hài của cô đều được dàn dựng rập khuôn, thiếu sáng tạo. Đồng thời, nhân vật cũng không đóng góp gì trong sự chuyển biến tâm lý của nữ chính.
Kiều Minh Tuấn chỉ góp mặt trong vài phân cảnh ngắn ngủi với vai trò tấu hài và chẳng để lại dấu ấn gì. Tương tự, những Phi Phụng, Ngân Quỳnh hay Quách Ngọc Tuyên cứ xuất hiện rồi biến mất một cách nhạt nhòa.
Nhìn chung, Tôi Là Não Cá Vàng tiếp tục là một tác phẩm “mì ăn liền” hời hợt và cẩu thả. Thời điểm hiện tại dù ít có cạnh tranh từ phim ngoại nhưng các đạo diễn Việt cũng không nên coi thường khán giả khi cho rằng cứ làm đại một tác phẩm cũng dễ dàng “ăn tiền”.
Xuân Vũ
Theo Vietnamnet