Năm 2011, chị vào phòng chatroom trên Yahoo kết bạn nói chuyện. Thấy nick anh sáng đèn, chị click chuột làm quen.

Chuyện tình trên thế giới ảo

Anh cho biết mình là người Ấn Độ đang làm kế toán cho một công ty đa quốc gia, công việc bán thời gian nên hay đi vòng quanh thế giới và thường đến Việt Nam du lịch và công tác. Chị giới thiệu đang làm cho một công ty nước ngoài. Công ty chị có nhiều người Ấn Độ.

Chị tâm sự rằng đang buồn vì mới chia tay người yêu. Anh chia sẻ rằng một mình anh phải lo gồng gánh gia đình có cha mẹ cùng đang bị bệnh. Cả hai động viên nhau.

Chát qua lại được một năm, anh tỏ tình và được chị đồng ý dù chưa một lần gặp nhau ngoài đời. Ngày nào cũng thế, anh chị dành hai giờ “hẹn hò” trên máy tính. Tình yêu với chị lúc đó rất đẹp. Hằng ngày, ngoài giờ đi làm, chị chỉ thích ôm máy tính chát với người yêu.

Cuộc trò chuyện thường bắt đầu vào 9 giờ tối và kết thúc lúc 11 giờ đêm. Anh chị còn đặt ra quy định không được làm tổn thương nhau, không làm người kia buồn, phải biết chia sẻ, động viên và luôn nhớ về nhau.

Đám cưới qua mạng

Đầu năm 2014, anh chị làm đám cưới qua nick chat. Lễ cưới rất đơn giản, chỉ hai người tổ chức với nhau. Chị trang điểm một chút, mặc chiếc váy thật xinh, bới nhẹ mái tóc rồi chụp ảnh gửi qua mail cho anh. Anh mặc một bộ quần áo chú rể cũng chụp ảnh gửi cho chị. Sau đó ghép lại thành một ảnh chung. Anh chị xem đó là tấm ảnh cưới. Thế là thành vợ chồng. Đêm tân hôn, cả hai dành thời gian ngồi trên máy tính nói chuyện nhiều hơn, vạch ra dự định anh sẽ sang Việt Nam định cư, cùng chị cho ra đời những đứa con xinh…

Tháng 4-2014, anh bay sang Việt Nam ra mắt gia đình vợ. Tháng 5-2014, hai người đi đăng ký kết hôn. Chị còn dặn khi được phỏng vấn anh phải trả lời như chị đã vạch ra. Đó là hai người yêu thương, tự nguyện đến với nhau. Anh có công việc ổn định ở Việt Nam, muốn sống gần vợ. Tình yêu của hai người đã được hai gia đình biết, chấp thuận và vun vén nên muốn đăng ký kết hôn hợp thức hóa hôn nhân. Chị còn nhập hộ khẩu, làm visa thời hạn năm năm ở Việt Nam cho anh.

Tìm chồng trong vô vọng

Tháng 7-2014, anh nói phải về Ấn Độ vì công việc. Chị tin và thông cảm. Đùng một cái, hai tháng sau, một cô gái Việt Nam gọi cho chị nói anh và cô ấy đã ăn ở với nhau. Không những thế, anh còn ép cô phải kết hôn với mình. Ngày 5-9-2014, cô đã tiễn anh ra sân bay về Ấn Độ. Chị sốc, đau khổ… Cũng thời gian này, một cô gái Ấn Độ gọi cho chị bảo anh và cô đã đính hôn. Biết anh lăng nhăng, cô đã kiện ra tòa đòi lại những sính lễ đã mang sang nhà anh vì theo đạo Hồi, khi kết hôn cô gái phải tự tổ chức đám cưới và mang sính lễ sang nhà trai dạm hỏi.

Với những chuyện anh đã làm, chị muốn ly hôn để giải thoát cho mình nhưng từ tháng 7-2014 đến nay chị chẳng biết anh nơi đâu mà tìm. Chị liên lạc không được, nhắn tin qua nick chat và gửi thư qua mail đều không được hồi âm.

Chị đã nộp đơn xin ly hôn ra TAND quận 9, nơi chị đã đăng ký cho anh vào cùng hộ khẩu với mình nhưng tòa này hướng dẫn chị nộp đơn lên TAND TP vì đây là hôn nhân có yếu tố nước ngoài. TAND TP đã trả đơn và yêu cầu chị phải cung cấp địa chỉ rõ ràng của anh.

Chị nhờ bạn bè xác minh địa chỉ anh theo những thông tin có trên visa, hộ chiếu, CMND… thì ai cũng bảo anh không có ở địa phương. Chị liên lạc với chính quyền địa phương ở Ấn Độ cũng không nhận được câu trả lời. Chị cầu cứu đến Lãnh sự quán Ấn Độ tại Việt Nam chị cũng không được giúp đỡ. Bởi lúc phỏng vấn và làm thủ tục đăng ký kết hôn chị ký vào tờ cam kết phía Lãnh sự quán Ấn Độ đưa ra là họ không chịu trách nhiệm về việc đăng ký kết hôn của chị.

Chị than thở: “Gần một năm qua, tôi đã mòn mỏi liên lạc, tìm kiếm anh ta để được ly hôn nhưng chỉ trong vô vọng. Anh ta cứ lẩn trốn, còn tôi cứ ra sức mà tìm. Tôi chỉ muốn được giải thoát cho mình khỏi cuộc hôn nhân này”.

Một cán bộ TAND TP.HCM cho biết hiện nay tình trạng kết hôn rồi ly hôn giữa các cô gái Việt với người nước ngoài rất nhiều. Đa số các trường hợp yêu nhanh, cưới nhanh và ly hôn rất nhanh. Thông thường, người đệ đơn ly hôn là cô gái, còn người chồng thì đang định cư ở nước ngoài. Để chấp nhận đơn ly hôn của họ, tòa cần phải có thời gian để triệu tập đương sự, liên lạc với Lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài để tống đạt quyết định cho người chồng.

Trong trường hợp trên, nếu chị vợ muốn ly hôn mà không cung cấp được địa chỉ cụ thể của người chồng cho tòa thì có thể cung cấp địa chỉ trong hộ chiếu, CMND hoặc hộ khẩu thường trú để tòa gửi các tống đạt hợp lệ. Nếu người chồng không xuất hiện, tức kết quả ủy thác tư pháp không tìm ra bị đơn thì tòa sẽ tiến hành gửi hai lần cho mỗi thủ tục và lấy đó làm cơ sở để xét xử vắng mặt bị đơn. Sau nhiều lần gửi tống đạt không thấy hồi âm thì chị vợ có thể đơn phương ly hôn.

Theo Điều 122 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì áp dụng như quan hệ hôn nhân của người có quốc tịch Việt Nam về việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên. Cụ thể với việc đăng ký kết hôn thì áp dụng Điều 6, Điều 7 và Điều 10 Nghị định số 24/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đìnhvề quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thì với các cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn, ngoài các giấy tờ tùy thân, hai bên phải có xác nhận về tình trạng hôn nhân của mình. Đồng thời phải có giấy khám sức khỏe tâm thần của người nước ngoài cùng chứng minh quan hệ trước khi tiến đến hôn nhân của hai bên, từ đó làm cơ sở để bộ phận kết hôn của Sở Tư pháp thực hiện việc chấp nhận cho đăng ký kết hôn.

Theo Pháp luật TP HCM