25 tuổi tôi lập gia đình, trong làng ngoài ngõ ai cũng bảo số tôi sướng lấy được chồng tốt, hiền lành, tử tế lại có công ăn việc làm ổn định. Lúc đó, tôi cũng hạnh phúc vì điều đó. Nhưng chỉ sau 2 năm kết hôn thì tôi đã ngán đến tận cổ cái gọi là "tốt tính" của chồng.
Học hết cấp 3, tôi không thi đỗ đại học và quay sang học nghề may áo dài với dì và đến nay vẫn theo nghề đó để kiếm sống. 24 tuổi tôi được 1 người họ hàng mai mối và được quen anh - một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học, về quê nhận công tác ở xã.
Anh ghi được điểm cao trong tôi bởi sự nhiệt tình, tốt bụng và thật thà. Hơn nữa, tôi và anh thân thiết vì có cách nói chuyện rất hợp nhau. Tôi nhận lời làm bạn gái rồi làm vợ anh trong sự bất ngờ của mọi người.
Thế nhưng, lấy nhau về mới hay, cái thói “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” của chồng nhiều lúc làm tôi phát điên. Việc hỏng hóc điện nước ở nhà thì rát cổ bỏng họng chồng vẫn cứ khất lần, khất lượt, lúc thì bận, lúc thì mệt. Ấy thế mà, nhà hàng xóm mất điện lại sửa chữa nhiệt tình kể cả lúc đêm hôm.
Lấy nhau về mới hay, cái thói “việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng” của chồng nhiều lúc làm tôi phát điên. (Ảnh minh họa)
Rồi người ngoài lúc nào cũng nghĩ, có chồng làm ở xã thì mọi giấy tờ, các thủ tục hành chính sẽ chẳng phải lo gì tới. Vậy mà đến cái giấy khai sinh của con, vợ cũng phải tự làm vì nhắc chồng liên tục nhưng suốt ngày quên. Nhưng chị hàng xóm sinh con, anh lại chủ động hướng dẫn, thậm chí còn hẹn ngày để chồng chị ấy lên xã làm được nhanh và sớm nhất.
Chưa hết, hễ ai muốn mượn gì, chỉ cần đánh tiếng là anh sẵn sàng mang đi cho mượn ngay. Chẳng mấy chốc, đồ dùng trong nhà tôi thành đồ dùng chung của cả xóm, có người mượn rồi còn không hoàn trả. Nhiều lúc thấy bất tiện lắm nhưng cũng không dám nói gì, vừa sợ mất mặt chồng tốt lại vừa sợ mất tình cảm hàng xóm.
Thấy thế tôi góp ý nhưng chồng thì cứ lơ đi và càng ngày càng "tốt tính" với người ngoài hơn cả với vợ con. Nhiều lúc nghĩ thà rằng cứ lấy quách ông chồng nào xấu tính một chút mà biết lo cho gia đình trước còn hơn.
Chồng tôi lương lậu chẳng được bao. Còn tôi thì công việc theo thời vụ, làm theo sản phẩm, làm nhiều thì ăn nhiều, làm ít ăn ít nên kinh tế gia đình cũng chẳng dư dả gì, nhất là từ ngày sinh con. Vậy mà chồng lúc nào cũng ra vẻ nhiều tiền, rất sẵn lòng giúp đỡ người khác, kể cả khi nhà mình đang trong tình trạng túng quẫn.
Bạn bè anh rất nhiều người thậm thụt nhắn tin, gọi điện cho anh hỏi vay tiền. Nếu không đột xuất kiểm tra điện thoại của chồng, chắc tôi không thể biết được bạn anh lại trơ trẽn vậy. Họ hỏi thẳng chồng tôi có tiền cho vay 2 triệu, 5 triệu, cứ như là vay vài chục ngàn vậy. Mà bực hơn nữa là chồng tôi nhắn lại “Ok”, “Được”, cũng đơn giản không kém. Thậm chí còn chẳng biết người ta mượn tiền vì việc gì.
Có tin nhắn anh trả lời dạo gần đây cũng đang bí. Thế mà người bạn kia không hiểu ý, còn nhắn lại rằng "Cố tìm cách xoay cho tôi vài triệu trước, tôi biết ông có khả năng mà". Thế là ông chồng tốt bụng của tôi lại vắt óc tìm cách kiếm tiền cho bạn mượn.
Khi tôi tra khảo, chồng tôi nói “Bạn bè tin tưởng nhau thì mới hỏi vay tiền”. Mà vay rồi, tôi có thấy ai trả đâu. Lâu dần, người nào nhớ thì mang tới trả, người nào quên thì cứ quên luôn, chồng tôi cũng ngại đòi.
Tôi chỉ mong chồng tôi biết lo lắng cho gia đình, biết đặt quyền lợi của vợ con lên trên hết để đảm bảo được cuộc sống. (Ảnh minh họa)
Đợt vừa rồi, con gái tôi ho hắng liên miên, thuốc thang, khám xét mãi không dứt rồi quay sang viên phổi phải nhập viện. Sờ đến số tiền tiết kiệm 10 triệu đồng trong tủ đã không thấy đâu. Tôi tá hỏa hỏi chồng thì anh nói vừa cho anh bạn vay nóng. Tôi khóc lóc bắt anh đi đòi tiền về cho con đi viện thì anh nói để anh đi xoay.
Chồng tôi đi suốt 3 tiếng mới về, mặt méo xệch, tôi hỏi tiền đâu thì anh bảo, bạn bè anh đều đang bí và bận việc, đợi vài hôm nữa có tiền thì người ta trả. Đường cùng tôi lại phải gọi điện vay ông bà ngoại gần đó.
Tôi không hiểu sao chồng tôi vẫn tin rằng bạn bè anh rồi sẽ trả tiền. Họ nợ anh vài triệu nhưng hơn một năm rồi đã trả đâu. Đến khi có việc cần tiền thì chẳng ai chịu chìa tay giúp đỡ.
Hơn bao giờ hết tôi chỉ mong chồng tôi biết lo lắng cho gia đình, biết đặt quyền lợi của vợ con lên trên hết để đảm bảo được cuộc sống. Tôi cũng hy vọng qua sự việc lần này, chồng tôi sẽ không “thoáng tay” “tốt tính” và cả nể cho bạn bè vay mượn rồi bị quịt nợ như vậy nữa. Không biết phải làm cách nào thì ông chồng quý hóa của tôi mới hết thói “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” và làm nhà từ thiện cho thiên hạ đây?
Theo Trí thức trẻ