Chủ quán karaoke có 13 người chết cháy bị đề nghị 10 -11 năm tù

Nhiều người nhà của 13 nạn nhân tử vong trong vụ cháy quán karaoke tỏ ra bức xúc. Họ yêu cầu được bồi thường tổn thất về tinh thần, chi phí hỗ trợ lên đến hàng tỷ đồng.

9h30 ngày 26/3, phiên tòa xét xử 3 bị cáo liên quan vụ cháy quán karaoke ở số 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy (Hà Nội) mới bắt đầu. Tuy nhiên, từ sáng sớm, hàng chục người thân của 13 nạn nhân tử vong trong hỏa hoạn và nhiều người liên quan đã có mặt.

Hơn 50 người gồm đại diện gia đình bị hại, nhân chứng và người liên quan cùng nhiều phóng viên đứng chật kín khiến căn phòng xét xử ở tầng 3 trở nên ngột ngạt.

Trên bục khai báo, 3 bị cáo cúi gằm mặt và tỏ ra mệt mỏi. Phía sau, nhiều người thân nạn nhân vấn khăn tang. Họ hướng ánh nhìn về phía các bị cáo.

3 bị cáo Nguyễn Diệu Linh (32 tuổi, chủ quán), Hoàng Văn Tuấn (25 tuổi, thợ hàn) và Lê Thị Thì (56 tuổi) bị truy tố tội Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy.


3 bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Hoàng Lam.

Thợ hàn không chứng chỉ, thi công theo kinh nghiệm

Là người đầu tiên bước lên bục xét hỏi, bị cáo Nguyễn Diệu Linh khai rành mạch về sự cố xảy ra hôm 1/11/2016 khiến 13 người tử vong tại quán karaoke. Theo lời khai của nữ chủ quán, hôm đó, cô ta nghĩ rằng sau khi thuê bị cáo Lê Thị Thì trách nhiệm giám sát công việc là của nhóm thi công.

"Bị cáo có con nhỏ, nhiều việc riêng nên không giám sát được", bị cáo 32 tuổi trình bày.

Liên tục bị HĐXX xét hỏi về trách nhiệm để diễn ra thi công sửa chữa căn nhà, nữ chủ quán karaoke thừa nhận đã để quán hoạt động, đón khách vào hát khi quán đang được sửa chữa. Bị cáo Linh cũng thừa nhận cơ sở kinh doanh chưa có chứng chỉ hoạt động karaoke và chưa được cảnh sát nghiệm thu an toàn về phòng cháy chữa cháy.

Quá trình bị chủ tọa xét hỏi, nữ bị cáo nói sau khi sự cố nghiêm trọng xảy ra, cô đã hỗ trợ mỗi gia đình có nạn nhân tử vong số tiền 10 triệu đồng. Tổng số tiền hỗ trợ là 120 triệu đồng, chỉ có một trường hợp trong số 13 gia đình từ chối.

Nhiều lần bị chủ tọa nhắc nhở do nói không rõ ràng, nữ chủ quán karaoke thừa nhận để xảy ra sự cố nghiêm trọng là do vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy; thuê thợ không có chứng chỉ hành nghề và thiếu giám sát khi thi công.

Tiếp tục xét hỏi, đứng trên bục khai báo, bị cáo Hoàng Văn Tuấn khai được chủ cửa hàng hàn xì là Lê Thị Thì phân công, anh ta cùng một thợ khác mang dụng cụ đến thi công sửa chữa tại tầng 2 quán hát.

Trước HĐXX, nam bị cáo sinh năm 1993 thừa nhận anh ta chưa có chứng chỉ thợ hàn nhưng vẫn đến thi công. “Bị cáo thi công theo kinh nghiệm đúng không?”, nữ chủ tọa truy vấn. Bị cáo Tuấn đáp: “Vâng”.

Đứng giữa hàng chục nhân thân của 13 người tử nạn, nam thợ hàn quê Nghệ An thừa nhận là người trực tiếp gây ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng.

"Bị cáo không trốn tránh trách nhiệm, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt vì bị cáo chỉ là người làm thuê, nhận lương chỉ 200.000 đồng/ngày”, nam thanh niên bày tỏ.


Hiện trường vụ cháy khiến 13 người chết. Ảnh: Lê Hiếu.

Cuối buổi sáng, HĐXX tiếp tục xét hỏi bị cáo Lê Thị Thì. Người phụ nữ dáng gầy gò, trả lời vòng vo buộc nữ chủ tọa phải nhắc nhở.

Thì khai bản thân tuyển dụng thợ hàn không cần đòi hỏi công nhân phải có chứng chỉ hành nghề chuyên môn. Hôm xảy ra vụ cháy, Thì đã đưa thợ hàn đến thi công. Nữ bị cáo lớn tuổi nói trong lúc nhân viên làm việc, bà ta không trực tiếp giám sát mà đứng bên ngoài nói chuyện.

Cho rằng bị cáo cố ý trốn tránh trách nhiệm, nữ chủ tọa truy vấn: “Bị cáo có trang bị bảo hộ gì cho thợ không”. Thì biện minh, do nhóm thợ đi xe máy khác nên bà ta không biết.

Gia đình nạn nhân yêu cầu bồi thường hàng tỷ đồng

Chiều cùng ngày, phiên tòa tiếp tục xét hỏi bị cáo, đại diện gia đình 13 người tử vong, chủ sở hữu các tài sản liên quan do hỏa hoạn gây ra và đại diện UBND quận Cầu Giấy, cán bộ Phòng cảnh sát PCCC số 13.

Khi chủ tọa xét hỏi, nhiều người thân của 13 nạn nhân vụ cháy tỏ ra bức xúc. Trước tòa, một số người lớn tiếng đề nghị các bị cáo bồi thường trách nhiệm dân sự.

Theo cáo trạng của VKSND, trong đơn đề nghị bồi thường, nhân thân các bị hại đã đề nghị được bồi thường tổn thất về vật chất và tinh thần do vụ cháy gây ra. Nhiều gia đình yêu cầu bồi thường khoản tiền lên đến hơn một tỷ đồng.

Có mặt tại tòa, nhiều đại diện của các nạn nhân cho hay sau khi mất người thân, họ yêu cầu được đền bù các loại chi phí ma chay, nuôi con nhỏ của các nạn nhân.

“Vợ của con trai tôi là giáo viên ở quê, lương chỉ đủ ăn, 2 vợ chồng già nhà tôi lương không có, còn 2 cháu nhỏ đang học, chúng tôi chỉ mong quý tòa xem xét phụ cấp cho các cháu nhỏ đến tuổi trưởng thành”, một phụ nữ có con trai tử vong trong vụ cháy trình bày.

Chị Nga (quê Hòa Bình, vợ nạn nhân Nguyễn Xuân Định) cho rằng trước khi gặp nạn, anh Định thu nhập 40 triệu đồng/tháng. Do đó, người phụ nữ đã yêu cầu được bồi thường hơn một tỷ đồng.

Cuối buổi chiều, kiểm sát viên Phạm Thị Liên (VKSND Hà Nội) công bố bản luận tội. Theo đại diện VKS, tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đã thừa nhận không tuân thủ quy định về PCCC và an toàn lao động, sử dụng lao động không theo quy chuẩn nên để xảy ra vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trên cơ sở đó, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Diệu Linh mức án 10-11 năm tù; bị cáo Hoàng Văn Tuấn 6-7 năm tù; bị cáo Lê Thị Thì mức án 5-6 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị các bị cáo bồi thường liên đới trách nhiệm dân sự gồm chi phí mai táng, phí tổn thất tinh thần và chăm nuôi con nhỏ của các nạn nhân cho đến tuổi trưởng thành.

Sáng mai (27/3), phiên tòa tiếp tục tranh tụng.

Theo Tri Thức Trực Tuyến


vụ cháy tin tức

Tin tức mới nhất