Chú voi gục đầu khi chở khách và nỗi ám ảnh động vật bị đem ra mua vui

Nhiều dân mạng cho rằng nên chấm dứt việc sử dụng động vật cho các hoạt động du lịch, giải trí phục vụ con người.

Hình ảnh chú voi nhỏ gục đầu bên tảng đá khi chở khách du lịch được chia sẻ trên diễn đàn mạng tối 9/7 khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Ái Phương - cô gái xuất hiện trong bức ảnh nói với chúng tôi rằng khu cưỡi voi này nằm gần tượng Phật Lớn (Big Buddaha) ở Phuket (Thái Lan). Lúc cô mới ngồi lên, chú voi đi loạng choạng, sau đó dựa vào vách đá, hai mắt nhắm nghiền vì mệt mỏi.

Câu chuyện đau lòng khiến dân mạng tranh luận về vấn đề sử dụng động vật để mua vui cho du khách vốn đã tồn tại từ lâu ở hầu hết quốc gia trên thế giới.


Hình ảnh chú voi gục vào vách đá vì quá mệt khiến dân mạng xót xa. Ảnh: Vương Ái Phương.

Ám ảnh về nỗi đau của động vật hoang dã

Đây không phải lần đầu tiên dân mạng chứng kiến việc các loài vật bị ngược đãi, đem ra phục vụ cho nhu cầu giải trí của con người.

Năm 2018, chỉ vì muốn thu hút sự chú ý để những con vật làm trò vui, các du khách đến thăm một vườn thú ở Đông Nam Trung Quốc đã ném đá khiến một con kangaroo cái 12 tuổi chết và một con khác bị thương.

Theo điều tra của những nhà hoạt động xã hội tại các khu vực gần rừng nhiệt đới Amazon, động vật hoang dã ở cùng này thường xuyên bị bóc lột làm vật mua vui cho khách du lịch.

Những con lười bị trói lại để chụp ảnh, thường không sống nổi tới 6 tháng sau khi bị bắt. Các con vẹt xuất hiện những vết thương nghiêm trọng ở chân, còn các loài thú ăn kiến như tê tê có dấu hiệu tổn thương về thể chất, tâm lý.


Nhiều loài động vật hoang dã bị ảnh hưởng khi trở thành "thú tiêu khiển" cho khách du lịch. Ảnh: Kirsten Luce. 

Trước những câu chuyện đầy ám ảnh về nỗi khổ mà các loài động vật hoang dã phải chịu đựng trong quá trình khai thác du lịch của con người, đa số dân mạng đều bày tỏ thái độ bất bình, thương xót.

Tâm Tâm nhớ lại lần đầu tiên đi xem xiếc thú năm 19 tuổi: “Lúc con gấu được dắt ra, không hiểu sao tự dưng nó gào lên và chạy về phía khán giả đang ngồi. Người quản thú lập tức vung roi lên quật tới tấp vào người nó, thật kinh khủng”.

Hình ảnh đó khiến cô thương cảm, cho rằng con gấu chỉ đang cố tìm sự giúp đỡ hoặc nó chỉ đang tìm một chỗ trốn. Đó cũng là lần cuối cùng Tâm Tâm xem xiếc thú.

“Các con vật bị nuôi nhốt trong thời gian quá dài thường không còn khả năng sinh tồn trong tự nhiên nên có trả về thì chúng khó có thể tồn tại được. Nếu không ủng hộ rạp xiếc, vườn thú khiến đơn vị quản lý không có doanh thu, sớm muộn họ cũng để cho những con vật ấy chết. Còn nếu vẫn ủng hộ thì không ai đảm bảo các con vật khác sẽ chung số phận, bị bắt nhốt để phục vụ tiếp cho việc kiếm tiền của con người”, tài khoản Vũ Tùng nêu quan điểm.

Thanh Cao bày tỏ bản thân chưa bao giờ tham gia hoạt động giải trí có động vật trình diễn vì cảm thấy không có gì đáng để tán thưởng khi những con thú vô tội phải chịu hành hạ để diễn trò.

“Nên dẹp ba cái trò cưỡi voi đi. Cấm tuyệt đối nghề này. Con người đúng là tàn bạo nhất”, Lam Phong tỏ ra gay gắt.

Dù nhiều người khuyên nên thử đi thăm sở thú một lần cho biết nhưng tài khoản Nam Tuong cho rằng mỗi ngày mấy trăm khách du lịch đều "thử" thì con số nhân lên là rất lớn.


Những con thú phải trải qua nhiều đau đớn trong quá trình huấn luyện để phục vụ con người. Ảnh: Brent Stirton.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng việc để động vật phục vụ khách du lịch hay tham gia biểu diễn xiếc thú là bình thường.

Tài khoản Tú viết: “Cá nhân tôi thấy rất bình thường. Trong lúc mưu sinh, có nhiều lúc tôi cũng buồn ngủ díp mắt vì mệt. Chú voi ấy cũng thế thôi”.

Nhã Võ đồng quan điểm, cho rằng cưỡi voi là vấn đề bình thường, giống như việc con người phải lao động mới có cơm ăn.

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng con người có thể dùng các loài động vật hoang dã vào mục đích kinh tế như trên chỉ là thiểu số.

Có nên để động vật mua vui cho con người?

Daniel Turner - Phó Giám đốc Du lịch tại Born Free - nói với BBC: "Việc cưỡi hoặc tương tác với những con voi bị giam cầm, bơi cùng cá heo, đi bộ với sư tử hoặc âu yếm một con hổ để chụp ảnh chỉ là một số trong rất nhiều hoạt động du lịch đáng lo ngại liên quan đến động vật. Tất cả đều có thể ảnh hưởng đến lợi ích của động vật và cả sự an toàn của mọi người”.

Thống kê từ năm 2014 đến 2018, số ảnh tương tác với động vật hoang dã trên Instagram tăng đến 292%.

Theo tiết lộ trong báo cáo của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP), nhu cầu chụp ảnh selfie với voi của khách du lịch thúc đẩy sự gia tăng của số lượng những con vật bị bắt từ tự nhiên và nuôi giữ để giải trí.

Bài viết Du lịch trách nhiệm: Du lịch tôn trọng động vật của Marc Arenas Camps nêu quan điểm khách du lịch có ý thức phải biết bảo vệ, coi trọng những loài thú nơi mình đặt chân đến.

Động vật trong mùa sinh sản đặc biệt nhạy cảm, vì vậy làm phiền chúng vào thời điểm này có thể có tác động tiêu cực đến việc bảo tồn loài.

Sự tác động của con người đến cuộc sống, sinh hoạt của các loài động vật hoang dã thông qua dịch vụ du lịch có thể gây nguy hại cho chúng.

Ngày càng có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ nhận thức và ủng hộ việc bảo vệ quyền động vật.

Công ty lữ hành TripAdvisor tuyên bố chấm dứt việc bán vé cho các trải nghiệm động vật hoang dã, bao gồm cả cưỡi voi từ năm 2016.

Tháng 8/2016, chính quyền Hawaii đề xuất luật cấm các show Bơi cùng cá heo. Tuy nhiên, dịch vụ hút khách này vẫn được nhiều nơi khác tận dụng triệt để nhằm thu lợi nhuận.

Trên trang The Petition Site, lá đơn kêu gọi chấm dứt xiếc thú của tổ chức bảo vệ động vật Vietnam Animal Eyes đăng tải từ tháng 3/2019 đã nhận được 19.352 chữ ký ủng hộ của những người yêu động vật.


Theo Zing


động vật Du lịch

Tin tức mới nhất