Đám cưới rõ là ngày vui, tuy nhiên không ít cô dâu - chú rể lại than rằng chỉ thấy mệt. Nhất là sau khi tiệc tàn, mọi thứ bề bộn, chỉ nhìn thôi đã thấy... trầm cảm. Tuy nhiên, việc phải lao động, dọn dẹp có lẽ cũng không đáng sợ bằng cảm giác cô đơn và lẻ loi của các cô dâu khi mới về nhà chồng.

Thương mới lấy chồng đươc ít ngày. Cô kết hôn với Tuấn, cách nhà đẻ khoảng 30 cây số. Mẹ Thương chê xa, nhưng cô thì thấy vẫn gần chán. Vì thế, mỗi lần mẹ nhắc tới chuyện này, Thương lại cười xòa, động viên bà: "30 cây số chứ 50 cây thì con phi xe máy nửa tiếng, 1 tiếng là tới, mẹ khóc lóc nỗi gì? Mẹ không đi thăm con được, con tự mò về, mẹ nha".

Thế nhưng, phải tới tận ngày cưới Thương mới cảm nhận rõ sự tủi thân khi phải xa gia đình, bố mẹ, chị em... Giây phút mẹ trao vàng Thương đã rưng rưng, rồi khi phải lên xe hoa về nhà chồng, nhìn mẹ lau nước mắt mà cô càng quặn lòng. Song, phải tới lúc nhìn mọi người nhà gái đưa dâu xong, lũ lượt quay về mà cô không kìm được nước mắt, chẳng màng tới mascara rồi lớp phấn nữa òa khóc nức nở.

Chồng ở bên dỗ dành, Thương vẫn thấy tủi thân. Nhìn xung quanh, cô lại càng thấy buồn và cô đơn. Thương chưa thể tin được, từ ngày hôm nay mình sẽ bắt đầu cuộc sống mới, tập làm quen với những con người xa lạ này.

Chưa thay váy cưới họ hàng đã sai dâu mới đi rửa bát, cô nhanh trí hoãn binh, nhưng lời nói lạnh tanh từ mẹ chồng khiến cô tê tái-1
(Ảnh minh họa)

Thế nhưng, trong lúc cô còn đang bần thần đứng nhìn người thân đi về, mấy cô mấy bác bên chồng đã thúc giục: "Lên thay váy cho nhẹ người đi cháu ơi, chả ai chụp ảnh nữa đâu".

"Khóc lem đen hết cả mắt rồi còn chụp choẹt gì, trông như hề lên ảnh người ta lại cười cho" - một người phụ nữ khác gương mặt cau có nhắc Thương.

"Mau mau đi mà rửa bát, trưa nay làm 6 chục mâm cỗ, còn đầy bát chưa rửa kìa" - Một giọng khác đanh hơn, ngoa hơn không chỉ đích danh Thương nhưng cô hiểu ám chỉ mình.

Cô mới vâng dạ, rồi nhanh trí "hoãn binh": "Vâng ạ, mọi người đợi cháu 1 lát, cháu lên thay váy và gỡ tóc rồi xuống liền".

Đương nhiên, Thương chẳng thích thú gì việc rửa bát, nhưng cô vẫn phải làm thôi không lại mất điểm trầm trọng trong mắt họ hàng nhà chồng. Tuấn cũng cười bảo mọi người làm giúp, rồi định kéo vợ lên phòng.

Tuy nhiên, chưa kịp quay đi, mẹ chồng của Thương đã xuất hiện. Bà cau có nhìn dâu mới rồi bảo: "Việc gì phải thay, con cứ vén váy lên đi. Chỗ kia cao ráo, vén váy lên thì không ướt đâu. Đi mấy đám cưới, đứa nào cũng bảo con lên thay váy xong thay cả buổi chiều. Toàn trốn việc là nhanh".

Thương tê tái trước câu nói phũ phàng của mẹ chồng. Trước tới chơi thì cô thấy bà cũng bình thường, nhưng hôm nay cô mới cảm nhận được bà quả là ghê gớm y như lời đồn. Tuấn thì đương nhiên không đồng tình, phản đối gay gắt. Anh còn lấy lý do bẩn váy cưới, phải đền tiền triệu cho studio thì bà mới để con dâu lên phòng.

Mọi việc sau đó cũng diễn ra bình thường, nhưng Thương cũng hiểu rằng mẹ chồng mình không hề dễ tính, để chung sống hòa bình với bà có lẽ cô cũng cần thẳng thắn chia sẻ quan điểm ngay từ đầu để 2 bên hiểu nhau. Song quan trọng nhất vẫn là người chồng, hy vọng Tuấn đủ yêu thương để đứng về phía vợ, đủ khéo léo để giải quyết những mâu thuẫn nếu có.

Theo Nhịp Sống Việt