Hồi tháng 4, Bộ trưởng Bộ Quốc tịch Pháp Marlene Schiappa phản đối trực tiếp chương trình truyền hình Incredible Gypsy Weddings khi một cô dâu ở thành phố Perpignan bị họ hàng kiểm tra trinh tiết ngay trước khi hôn lễ diễn ra, theo BBC.
Trong một tập, người xem chứng kiến cảnh chiếc giường được bê ra kèm chú thích "Trên chiếc giường này, cô dâu sẽ được kiểm tra xem còn trinh không. Nếu cô ấy đã quan hệ tình dục trước, đám cưới sẽ bị hủy bỏ".
Những phụ nữ khác giải thích: "Trinh tiết của cô dâu là dành cho gia đình chú rể. Để nhà trai biết con trai họ đã lấy một phụ nữ đẹp, trong trắng".
Show Incredible Gypsy Weddings tại Pháp bị "ném đá" vì cảnh kiểm tra trinh tiết cô dâu. Ảnh: BBC.
Khi được hỏi liệu đàn ông có bị yêu cầu phải biết giữ mình tương tự, một người khác trả lời: "Đó không phải là cách mọi thứ diễn ra. Nếu một nam thanh niên không đi tiệc tùng và gặp gỡ các cô gái khác trước khi kết hôn, anh ta sẽ bỏ lỡ thứ trải nghiệm phải có".
Ở phương Tây, không thiếu các TV show đề cập đến trinh tiết của phụ nữ. Với tính chất nhạy cảm, chúng không phải lúc nào cũng được khai thác theo cách khéo léo, thường dùng để câu view và bị khán giả phẫn nộ, phản đối.
Mới đây, người chơi của chương trình Hẹn Ăn Trưa bị chỉ trích vì những đòi hòi về trinh tiết của bạn gái, yêu cầu người phụ nữ của mình phải giữ được sự trong trắng cho đến khi xuất giá.
Bên cạnh thái độ bất lịch sự, ngôn từ của người này khi nói về phụ nữ hoàn toàn không phù hợp cho một chương trình giải trí.
Người chơi của chương trình Hẹn Ăn Trưa bị chỉ trích vì những đòi hòi về trinh tiết của bạn gái.
"Không chịu đựng nổi phụ nữ mất trinh"
Nữ bộ trưởng Schiappa cho biết cô sốc sau khi xem những gì được phát sóng, gọi "đây là điều không thể tưởng” khi Quốc hội Pháp vừa biểu quyết cho luật “cấm kiểm tra trinh tiết", đồng thời phê phán nhà sản xuất.
Năm 2015, diễn viên hài nổi tiếng ở Hàn Quốc Yoo Se Yoon phải lên tiếng xin lỗi sau khi có phát ngôn xúc phạm phụ nữ.
Khi tham gia chương trình podcast cùng hai đồng nghiệp khác, nam diễn viên bày tỏ ý kiến gay gắt về vấn đề trinh tiết.
Sau hơn 17 phút vào vai một cô gái đang cố gắng nói dối bạn trai mình còn trong trắng, Yoo kết luận: "Chúng tôi không thể chịu đựng được phụ nữ không còn trinh".
Kịch bản bị chê là vô duyên, còn danh tiếng của Yoo càng tổn hại thêm, nhất là trước đó anh từng có lời lẽ coi thường phái yếu hay người tàn tật.
Một năm sau đó, nhiều khán giả Hàn vẫn tức giận và đồng loạt hủy gói đăng ký khi Netflix chọn Yoo để quảng bá loạt phim gốc mới nhất của nền tảng này, theo Korea Expose.
Show Virgin Territory phát sóng năm 2014. Ảnh: MTV.
Đài MTV (Mỹ) là nơi sản xuất hàng loạt chương trình liên quan đến chuyện đánh mất trinh tiết ở lứa tuổi teen như 16 and Pregnant, The Real World, Jersey Shore. Năm 2014, MTV tiếp tục sản xuất show mới Virgin Territory, theo chân 15 thanh thiếu niên trong độ tuổi 18-23. Tất cả đều chưa quan hệ tình dục.
"Ít nhất một số người trong số họ sẽ mất trinh sau khi show kết thúc", nhà đài giới thiệu trong phần mô tả Virgin Territory. MTV cho biết chương trình sẽ giúp tạo điều kiện cho các cuộc trò chuyện cởi mở giữa người trẻ tuổi về tình dục an toàn và phòng tránh thai.
Nhưng Hội đồng Truyền hình Phụ huynh Mỹ lo lắng tác hại sẽ nhiều hơn ích lợi.
"Dựa trên cách nó được quảng cáo và những show trước đây của MTV, chúng tôi nghĩ rằng vấn đề trinh tiết sẽ không được khai thác một cách tôn trọng mà chỉ là công cụ để lôi kéo người xem", Melissa Henson, giám đốc mảng giáo dục cơ sở của hội đồng, cho biết.
Năm 2012, MTV từng thông báo tuyển diễn viên cho dự án khác có tên My First, tìm kiếm những người trẻ đang muốn đánh mất trinh tiết. Ý tưởng này bị dẹp bỏ sau khi tạo ra tranh cãi trực tuyến.
Năm 2007, Channel 4 của Anh bị người xem “ném đá” sau khi phát sóng chương trình The Virgin School nói về một chàng trai học cách “mất zin”.
Vấn đề trinh tiết xuất hiện trên sóng truyền hình dễ chia rẽ phản ứng của khán giả ra làm hai. Ảnh: Insider.
Nhân vật James (26 tuổi) được miêu tả là chưa bao giờ ngủ với phụ nữ. Anh được đưa đến một trường dạy tình dục ở Amsterdam (Hà Lan) và dành 3 tháng để học "nghệ thuật thân mật".
Nhiều người xem cho biết họ cảm thấy khó chịu với cảnh James quan hệ lần đầu với một nhà trị liệu tình dục. Trên thực tế, đó mới chỉ là 1 trong 3 show nói về trinh tiết được Channel 4 phát sóng vào năm đó.
Chi tiết dễ gây tranh cãi
Ngoài show truyền hình, vấn đề trinh tiết được khắc họa trong các bộ phim phát sóng trên TV vẫn dễ vấp phải chỉ trích hay bị đem ra mổ xẻ, dù chúng chỉ là tình tiết hư cấu.
Năm 2017, một tập phim của series truyền hình Ode To Joy tại Trung Quốc trở thành chủ đề bàn cãi trên mạng.
Nữ chính Qiu Yingying (Thượng Hải) bị bạn trai ruồng bỏ sau khi anh phát hiện ra cô "đã thành đàn bà". Mẹ bạn trai thậm chí còn nói rằng Qiu không biết tôn trọng cơ thể của chính mình.
Các ý kiến thảo luận về tập phim rẽ làm hai phe: một bên cho rằng yêu cầu một cô gái phải còn trong trắng trước khi kết hôn đã quá lỗi thời. Bên còn lại cho rằng trinh tiết là tiêu chí để lựa chọn bạn đời, vốn dĩ không khác so với yêu cầu về chiều cao, ngoại hình và đàn ông có quyền đòi hỏi.
Cảnh nữ chính bị bạn trai chì chiết trong phim Ode To Joy. Ảnh: Sixth Tone.
Hai tư tưởng đối lập khiến dân mạng càng đối đầu nhau gay gắt.
Tháng 11/2011, nhà sản xuất của bộ phim Glee hứng chịu chỉ trích khi xây dựng chi tiết đôi đồng tính nữ Finn - Rachel quan hệ tình dục lần đầu. Cặp đồng tính nam Kurt - Blaine cũng có cảnh tương tự.
Nhà đài đặt tên cho tập phim là "Lần đầu tiên", miêu tả tập phim sẽ "cực kỳ cảm động", các cảnh sex "được xử lý tinh tế".
Tuy nhiên, nhóm giám sát của Hội đồng Truyền hình Phụ huynh Mỹ phẫn nộ.
"Rõ ràng, truyền hình là phương tiện truyền thông chuyện tình dục và thậm chí gây ảnh hưởng đến hoạt động tình dục ở giới trẻ. Nhà sản xuất biết rõ chương trình thu hút thiếu niên mà không đặt ra giới hạn độ tuổi. Vấn đề không nằm ở giới tính nhân vật mà là cảnh phim được ca ngợi như một lễ kỷ niệm tình dục tuổi teen", chủ tịch hội đồng Tim Winter bày tỏ.
Đồng ý kiến, Adam Weiss, chuyên gia truyền thông tại New York, nói tập phim của Glee là một ví dụ về việc "mất trinh" bị đẩy đi quá xa trên truyền hình, không nên phát sóng vào khung giờ vàng có nhiều người nhỏ tuổi theo dõi.
Phía nhà sản xuất từ chối bình luận. Ở chiều hướng khác, vẫn có những ý kiến ủng hộ đoàn làm phim.
Tiến sĩ tâm lý học Nancy Irwin nói rằng điều quan trọng là tập phim nhấn mạnh quan hệ tình dục dựa trên sự đồng thuận và an toàn, đồng thời cả hai bên đều chuẩn bị tâm lý cũng như thể chất để đưa mối quan hệ lên cấp độ tiếp theo.
Theo Zing