Chiều 20/7, phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư và phần tự bào chữa của nhóm người bị cáo buộc phạm tội Đưa hối lộ.
Đại diện VKS xác định bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife) đã đưa hối lộ hơn 8,1 tỷ đồng cho 8 cá nhân để được cấp phép 18 chuyến bay.
Đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Xa mức án 4-5 năm tù vì tội Đưa hối lộ.
Bào chữa cho Giám đốc Công ty MasterLife, luật sư cho rằng bị cáo Mai Xa đã buộc phải đưa hối lộ.
Theo luật sư, thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, đáp ứng lời kêu gọi đưa công dân về nước, doanh nghiệp của bị cáo Mai Xa đã nộp hồ sơ để được cấp phép chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Tuy nhiên, quá trình xin cấp phép chuyến bay, thủ tục gặp muôn vàn khó khăn.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa. Ảnh: CTV
Thời điểm đó, nhiều địa phương không đón khách cách ly, rất thiếu khách sạn cho công dân Việt Nam về nước. Vì thế, doanh nghiệp muốn đón khách đưa về nước phải đặt cọc khách sạn trước cả tháng.
Việc cấp phép chuyến bay chậm trễ khiến bị cáo Mai Xa khi lần đầu tổ chức chuyến bay đã bị mất toàn bộ 1,5 tỷ đồng tiền đặt cọc khách sạn. Bị cáo đã phải bán nhà đi để bù khoản lỗ này.
“Nhưng những khó khăn đó chưa là gì so với sự nhũng nhiễu của những người công chức nhà nước.
Họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, đòi chi mỗi chuyến 150 triệu đồng. Việc doanh nghiệp phải đưa tiền cho nhiều người ở nhiều cơ quan nhà nước, đó là rào cản đáng sợ”, lời luật sư.
Theo luật sư, khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bay nhưng doanh nghiệp của bị cáo chưa được Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an có ý kiến đồng ý.
Bị cáo Mai Xa đã phải chi tiền và đương nhiên các chuyến bay sau đều phải đưa tiền như một thông lệ.
Nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ đã gây khó khăn, nhận tiền của doanh nghiệp làm công việc đưa công dân Việt Nam về nước trong thời kỳ dịch bệnh.
“Thân chủ của tôi đưa hối lộ trong hoàn cảnh bất khả kháng và đưa hối lộ để được thực hiện việc đưa đồng bào về nước trong thời kỳ dịch bệnh. Nếu không đưa thì không được cấp phép”, lời bào chữa của luật sư.
Đồng bào chữa cho bị cáo Mai Xa, một luật sư khác đề nghị HĐXX xem xét đến điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo khi nhiều công dân hàng ngày hàng giờ gửi thông tin cầu cứu đến bị cáo Mai Xa, mong được sớm về nước. Họ nói đã hết thực phẩm, rất lo sợ…
“Nhìn đồng bào mình như vậy, trong bối cảnh đó, hoàn cảnh đó, thân chủ của tôi đã phải bán cả nhà để thực hiện các chuyến bay, phải đưa tiền hối lộ để cứu doanh nghiệp và cứu khách hàng”, luật sư trình bày.
Cứu đồng bào nhưng lại bị gây khó khăn
Được quyền tự bào chữa, bà Mai Xa trình bày: Ở 2 chuyến bay đầu tiên, trong khi 3 Bộ đã có ý kiến đồng ý cấp phép chuyến bay thì Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an chưa có ý kiến đồng ý.
Trước tình cảnh vừa phải bán nhà để đền cọc khách sạn, bị cáo đã rất lo lắng khi biết “còn chút vướng mắc” bên Bộ Công an.
“Khi đó bị cáo rất run, như chim sợ cành cong, bởi bị cáo không còn nhà để bán”, lời bà Mai Xa.
Theo trình bày của bà Mai Xa, khi bị cáo lên Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an gặp bị cáo Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an) thì được ông Cường xác nhận “vướng mắc” là vì sếp không biết Công ty MasterLife là ai mà có ý kiến đồng ý.
“Một lý do như vậy, bị cáo rất ấm ức. Bị cáo cảm thấy mình đang làm điều tốt, theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước mà lại bị từ chối với lý do – sếp không biết doanh nghiệp em là ai”, lời bị cáo.
Vẫn theo trình bày của bà Mai Xa, sau này làm việc với ông Cường, cán bộ này nói rằng nếu muốn được giải quyết thì phải làm theo cơ chế cám ơn.
Đứng trước sự lựa chọn mà bị cáo là người phụ thuộc, doanh nghiệp của bị cáo bị phụ thuộc, để xin được cấp phép chuyến bay, bị cáo đã phải đi xoay tiền để đưa hối lộ.
“Bị cáo rất ấm ức, giận Cục Lãnh sự khi mà nhẽ ra Cục Lãnh sự phải đi giải quyết vướng mắc bởi Cục Lãnh sự là cơ quan chủ trì, sao lại để bị cáo rơi vào hoàn cảnh đó, dẫn đến một loạt sai phạm trong việc đưa tiền cho cán bộ trong vô thức…
Bị cáo phải đứng đây, nói ra những gì làm bị cáo cảm thấy nặng lòng.
Điều đó giúp bị cáo nhẹ lòng hơn. Bị cáo muốn được HĐXX dành sự đồng cảm cho bị cáo và toàn bộ anh chị em là bị cáo trong khối doanh nghiệp”, lời tự bào chữa của bị cáo Mai Xa.
Bằng giọng xúc động, bà Mai Xa kể về chuyến bay mà trên đó có tới 10 bộ tro cốt của đồng bào.
Nhưng khi bị cáo hỏi cán bộ Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an lý do chưa được đồng ý cấp phép bay thì cán bộ nói rằng: “vì chưa có sự cấp thiết”.
“Nếu chuyến bay mà trong đó có 30 hũ tro cốt thì có thực sự cấp thiết hay không. Bị cáo rất ấm ức khi mình đang làm việc ý nghĩa, cứu đồng bào mà lại bị gây khó khăn như vậy”, lời bị cáo Mai Xa.
Theo VietNamnet