Chiều 3/6, tại phiên họp thứ 20 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. 

Ban Chỉ đạo đồng thời ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để xây dựng Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình mới. 

Chuyển bệnh Covid-19 từ truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B-1
Những ngày gần đây số mắc Covid-19 mới tại nước ta tiếp tục có xu hướng giảm (Ảnh minh họa: H.K).

Theo Bộ Y tế, bệnh Covid-19 không còn đáp ứng các tiêu chí dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A và đề xuất điều chỉnh bệnh sang nhóm B, bởi 4 lý do:

Thứ nhất, theo WHO, SARS-CoV-2 (virus gây ra bệnh Covid-19) vẫn là virus có tốc độ lây truyền nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số ca mắc hiện nay đã giảm 8,5 lần so với 2021, giảm 48 lần so với 2022. Từ đầu năm đến ngày 29/5, nước ta ghi nhận 85.493 ca mắc, trung bình hàng tháng ghi nhận 17.000 ca mắc.

Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong do Covid-19 trong 5 tháng đầu năm giảm mạnh xuống còn 0,02% so với tỷ lệ tử vong năm 2021 là 1,86%, năm 2022 là 0,1%.

Con số này tương đương hoặc thấp hơn tỷ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B đang được ghi nhận tại Việt Nam trong 5 năm gần đây như: Sốt xuất huyết (0,022%), sốt rét (0,017%), bạch hầu (0,102%), ho gà (0,417%). 

Thứ 2, đã xác định rõ tác nhân gây bệnh Covid-19 là virus SARS-CoV-2.

Thứ 3, bệnh Covid-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định. Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. 

Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Chuyển bệnh Covid-19 từ truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B-2
Biểu đồ ca mắc Covid-19 trong tháng 5-6/2023 (Nguồn: Bộ Y tế).

Thứ 4, để có thể triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi bệnh Covid-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới. 

Về thẩm quyền công bố dịch, theo Bộ Y tế khi chuyển bệnh Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của giám đốc sở Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố dịch. 

Như vậy, dịch Covid-19 khi chuyển sang nhóm B không còn thuộc đối tượng công bố dịch của Thủ tướng Chính phủ. Do đó Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 không còn phù hợp. Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quyết định công bố hết hiệu lực của quyết định này. 

Sau đó, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện việc đánh giá tình hình dịch tại địa phương và thực hiện các biện pháp đáp ứng chống dịch theo quy định.

Về điều kiện công bố hết dịch Covid-19, theo quy định cần có 2 điều kiện: Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày; Đã thực hiện các biện pháp chống dịch quy định tại Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. 

Về thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19, "người có thẩm quyền công bố dịch có quyền công bố hết dịch theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền". 

Như vậy, khi chuyển bệnh Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của dịch Covid-19 để thực hiện việc công bố hết dịch theo quy định pháp luật hiện hành.

Do vậy, UBND các tỉnh/thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, hướng dẫn của cơ quan chức năng.

Song song với đó, cần rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi theo thẩm quyền. 

Trong hơn 3 năm qua để phòng, chống dịch Covid-19, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương đã ban hành các văn bản để chỉ đạo hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, có quy định nhiều biện pháp đặc thù chưa có tiền lệ.

Vì thế, khi chuyển nhóm bệnh Covid-19 sẽ kéo theo việc phải điều chỉnh đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch đang được áp dụng cũng như các quy định liên quan đến chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống dịch, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19...

Ngày 3/5, WHO công bố Chiến lược Chuẩn bị và Ứng phó với Covid-19 giai đoạn 2023-2025.

Ngay thời điểm đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 giai đoạn 2023-2025 và đang tổng hợp ý kiến, sớm ban hành kế hoạch để tiếp tục duy trì, kiểm soát hiệu quả, quản lý bền vững dịch Covid-19 trong thời gian tới.

Theo Dân Trí